QĐND - LTS: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Pháp Giăng Mác Ê-rô, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp - dấu mốc đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài của tác giả Trần Việt Thái thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược - Học viện Ngoại giao nhằm làm rõ khái niệm đối tác chiến lược và thực tiễn xây dựng đối tác chiến lược của Việt Nam.

Kỳ 1: Xu hướng khách quan và tất yếu

Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, quan hệ quốc tế đã có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cục diện thế giới đã chuyển sang trật tự đa cực với nhiều trung tâm quyền lực. Hòa bình, hợp tác và phát triển trở thành một xu thế lớn trên thế giới. Xu thế toàn cầu hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế phát triển rộng khắp. Nhu cầu đa dạng hóa các loại hình quan hệ đối ngoại, xây dựng các mối quan hệ hợp tác kiểu mới cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới và phù hợp thực lực của mỗi chủ thể trong quan hệ quốc tế đã trở thành một xu hướng khách quan và tất yếu.

Thử tìm một khái niệm

Trên thế giới hiện nay chưa có khái niệm chung về khuôn khổ, nội hàm, mục đích, ý nghĩa của đối tác chiến lược. Xuất phát từ lợi ích quốc gia, các chủ thể trong quan hệ quốc tế tìm cách thiết lập và triển khai đối tác chiến lược phù hợp với thực lực quốc gia, bối cảnh quốc tế và không tự bó hẹp mình trong những khuôn khổ quan hệ cứng nhắc. Thông thường, chỉ khi các quốc gia có quan hệ hữu nghị và hợp tác ở một mức độ nhất định thì mới cân nhắc việc xây dựng, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Trung Quốc và Áp-ga-ni-xtan thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược ngày 8-6-2012 nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai. Ảnh: Roi-tơ

Về bản chất, đối tác chiến lược là một dạng thức của quan hệ quốc tế, phản ánh mong muốn của các chủ thể khi tham gia khuôn khổ quan hệ này. Đối tác chiến lược thể hiện sự cam kết cao hơn mức độ quan hệ song phương thông thường nhưng chưa hình thành các liên minh quân sự. Nói cách khác, đối tác chiến lược còn là một thước đo sự gắn kết, đan xen về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế, vượt lên trên mức hữu nghị và hợp tác, nhưng chưa đến mức ràng buộc về trách nhiệm pháp lý. Nhìn chung, các cặp quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới có 4 đặc trưng cơ bản như sau:

Một là, phải có một khuôn khổ quan hệ với những nội hàm hợp tác rộng lớn tùy thuộc vào ý chí chính trị và nguyện vọng hợp tác của các bên, được chính thức hóa thông qua các tuyên bố cấp cao, thông cáo chính thức…;

Hai là, phải có các cơ chế vận hành thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu… nhất là ở cấp cao, kể cả định kỳ và đột xuất, để xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hữu nghị, sự hợp tác toàn diện;

Ba là, trước đây, khi xây dựng và triển khai đối tác chiến lược, các chủ thể thường coi trọng hợp tác về chính trị, an ninh và quốc phòng, nhưng hiện nay xu thế chỉ chọn một hoặc một vài lĩnh vực hẹp hoặc đa dạng hóa nội hàm để xây dựng đối tác chiến lược đang trở nên ngày càng phổ biến, miễn là có lợi cho cả hai phía và không đi tới liên minh về quân sự;

Bốn là, có sự hợp tác kinh tế sâu rộng, mật thiết hơn mức thông thường, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa hợp tác và đối tác, tạo ra sự đan xen và gắn kết lợi ích tương đối bền vững trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, đối tác chiến lược phải có giao lưu, hợp tác ở nhiều cấp, ngành, địa phương… Mục tiêu của đối tác chiến lược là hướng tới các lợi ích quốc gia dân tộc cơ bản, lâu dài giữa các bên tham gia. Quan hệ đối tác chiến lược có tính linh hoạt, không phải là bất biến, phát triển và thay đổi tùy vào từng đối tác, thời điểm, lĩnh vực và cách vận dụng của từng chủ thể.

Thực tiễn thế giới

Thực tiễn đối tác chiến lược trên thế giới rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất là quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn với nhau. Bên cạnh đó, đang xuất hiện xu hướng xây dựng đối tác chiến lược “phi đối xứng”, như đối tác chiến lược giữa một quốc gia với một tổ chức quốc tế như giữa Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2003, giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) năm 2003; giữa một khối liên minh quân sự với một tổ chức quốc tế hoặc một quốc gia như giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với EU năm 2010, giữa NATO với Nga năm 2010…; giữa một tổ chức quốc tế với một khu vực hoặc tổ chức quốc tế khác như giữa EU với châu Phi (2007), giữa EU với khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (1996); hoặc giữa các châu lục với nhau như Đối tác chiến lược mới giữa châu Á và châu Phi (NAASP)…

Về số lượng, Trung Quốc là nước có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất thế giới với hơn 50 đối tác, trong đó có cả những nước nhỏ như Lào, Cam-pu-chia, Ca-dắc-xtan, Áp-ga-ni-xtan và 3 đối tác là các tổ chức quốc tế gồm EU, ASEAN và Liên minh châu Phi… Nga có hơn 30 đối tác chiến lược và tương đương. Mỹ hiện có 9 đối tác chiến lược, 3 đối tác toàn diện, 2 quan hệ đặc biệt với Anh và I-xra-en, 2 quan hệ đồng minh ngoài NATO, 8 quan hệ đồng minh khác, tổng cộng 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên. Pháp có 13 đối tác chiến lược; Anh và Ấn Độ mỗi nước có 12 quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược; EU và Mê-hi-cô có 10 đối tác chiến lược; Đức và In-đô-nê-xi-a mỗi nước có 9 đối tác chiến lược; Ba Lan có 6 đối tác chiến lược…(1)

Tên gọi của các đối tác chiến lược cũng rất linh hoạt. Có nhiều cặp quan hệ về bản chất đã mang tính chiến lược, nhưng các bên không gọi tên là đối tác chiến lược như quan hệ Mỹ - Xin-ga-po, Mỹ - In-đô-nê-xi-a… Thậm chí giữa hai quốc gia đang có cạnh tranh chiến lược vẫn có thể xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, ví dụ như giữa Nga và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Ấn Độ…

Trong đối tác chiến lược cũng có thể phân thành nhiều cấp độ khác nhau căn cứ chủ yếu vào mức độ hợp tác và tin cậy lẫn nhau. Cấp độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Cấp độ thấp hơn là đối tác chiến lược trong một lĩnh vực hẹp hoặc vì một mục tiêu cụ thể nào đó ví dụ như đối tác chiến lược vì hòa bình hay đối tác vì hợp tác và phát triển… Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng.

Mức độ thấp hơn nữa là đối tác toàn diện. Ở cấp độ này, thông thường quan hệ giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Một số nước còn phân loại thành đối tác thiết yếu, đối tác quan trọng, đối tác chủ chốt, đối tác tự nhiên…

TRẦN VIỆT THÁI

(còn nữa)

(1) : Cách tính khác nhau sẽ cho ra các số liệu khác nhau. Các số liệu trích dẫn trong đoạn này được tính tới ngày 30-8-2013 và do tác giả trực tiếp tổng hợp từ các trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, Ấn Độ, Đức, I-xra-en, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô, Ba Lan và một số tài liệu tham khảo khác.