QĐND - Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá là “tương lai của thế giới trong thế kỷ 21”, là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới trong hai tuần qua. Chính vì thế mà không lấy làm lạ khi các cường quốc đều cử đại diện tham dự và có mặt tại hai hội nghị quốc phòng - an ninh hàng đầu khu vực là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) và Đối thoại Shangri -La 11 vừa diễn ra tại Phnôm -pênh và Xin -ga-po.

Sự hấp dẫn khó cưỡng của khu vực châu á - Thái Bình Dương trên mọi khía cạnh từ chiến lược tới kinh tế là điều không phải bàn cãi. Chính sức cuốn hút từ vô vàn lợi ích khiến nhiều nước, kể cả quốc gia tưởng chừng xa xôi như Anh, Pháp… cũng muốn hiện diện tại khu vực này. Tuy nhiên, điều đáng đề cập hơn cả là sự tái can dự mạnh mẽ của Mỹ, sau một thời gian dài chìm đắm trong hai cuộc chiến áp -ga-ni-xtan và I -rắc. Tiếp theo những phát biểu của Tổng thống Mỹ B. ô -ba-ma, Ngoại trưởng H. Clin -tơn, tại Đối thoại Shangri -La 11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ L. Pa -nét-ta lại một lần nữa tuyên bố Lầu Năm góc chuyển trọng tâm chiến lược sang châu á - Thái Bình Dương. Thực tế, sự mong muốn hiện diện mạnh mẽ của Mỹ, đặc biệt về mặt quân sự, tại khu vực cũng tạo ra những ngờ vực nhất định về mục tiêu của Oa -sinh-tơn. Với mục đích xua tan những nghi ngại này, ông Pa -nét-ta đã khẳng định, Mỹ cam kết thực hiện các nguyên tắc chung nhằm tăng cường hòa bình và an ninh ở châu á - Thái Bình Dương. Chủ nhân Lầu Năm góc cũng nói rằng, sự hiện diện của Mỹ không phải là để kiềm chế Trung Quốc, một quốc gia đang vươn lên với tốc độ chóng mặt. Việc cường quốc số một thế giới muốn đóng góp cho sự phồn vinh của châu á - Thái Bình Dương với thái độ tôn trọng các nước trong khu vực là điều được báo chí ghi nhận. Mặc dù vậy, những tuyên bố trên cũng cần thực tế để kiểm nghiệm.

ASEAN với vai trò trung tâm đã tạo động lực xác lập tính mở của châu á - Thái Bình Dương. Chính thái độ hoan nghênh sự can dự của tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển đã chứng thực vai trò dẫn dắt của ASEAN trong sân chơi khu vực. Hội nghị mở rộng Cấp cao Đông á và ở mức thấp hơn một chút là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã minh chứng rõ nét về tính mở và dung nạp của khu vực và quan trọng hơn là tạo cơ hội bình đẳng để các cường quốc có thể can dự trong khuôn khổ một luật chơi văn minh. ADMM + tuy mới ra đời được hai năm nhưng cơ chế này đã nhanh chóng đóng vai trò nền tảng để thúc đẩy đối thoại, hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh vì một môi trường hòa bình, ổn định bền vững ở khu vực. Do vậy, việc các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại ADMM -6 ở Phnôm Pênh thông qua Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức ADMM +, thống nhất tăng tần suất tổ chức ADMM + từ 3 năm một lần lên 2 năm một lần là bước đi khôn ngoan và cần thiết để quản lý va chạm lợi ích trong bối cảnh các cường quốc hối hả can dự sâu vào khu vực.

Sự nổi bật của châu á - Thái Bình Dương cũng kéo theo sự chú ý đặc biệt về an ninh biển ở khu vực có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này. Có một thực tế là những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực. Nếu các bên không kiềm chế thì xung đột quân sự hoàn toàn có thế xảy ra, không những dẫn tới hệ lụy khôn lường cho từng quốc gia liên quan mà còn kéo theo bất ổn cho cả khu vực vốn có nhiều lợi ích mang tính toàn cầu. Có lẽ, thấu rõ nguy cơ này, tất cả các nước, dù có tuyên bố chủ quyền hay không, đã đi đến một nhận thức chung là cần phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các điều ước khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, hay Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai. Bước tiến này có thể thấy rõ trong Tuyên bố chung của ADMM -6, hay trong những phát biểu tại Đối thoại Shangri -La 11 của lãnh đạo các nước ngoài ASEAN.

Tranh chấp ở Biển Đông đương nhiên phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan nhưng vì sự ảnh hưởng của nó đối với khu vực nên các bên phải đàm phán minh bạch và lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế. Xử lý tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề phức tạp, cần thời gian để tìm ra giải pháp có thể chấp nhận được đối với các bên. COC sẽ là công cụ tốt để thúc đẩy tiến trình này nhưng quan trọng hơn cả, để giải quyết tranh chấp nhất thiết phải dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982. Cho đến nay, các bên tranh chấp đều tuyên bố tôn trọng, tuân thủ UNCLOS 1982, nhưng đáng tiếc là vẫn chưa có một cách hiểu chung đối với Công ước này. Đâu đó vẫn có kiểu luận giải và hành xử với mục đích có lợi nhất cho mình, vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản nhất là tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Bên cạnh đó, cũng cần lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng sức mạnh phi quân sự như kinh tế, chính trị để gây sức ép, hăm dọa nhằm tạo lợi thế trong giải quyết tranh chấp đã manh nha xuất hiện.

Châu á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là tâm điểm của cả thế giới trong thời gian tới. Khu vực này sẽ phồn thịnh, làm đầu tàu dẫn dắt toàn cầu hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp tích cực của từng quốc gia. Và dường như không có cách đóng góp nào tốt hơn là ứng xử văn minh để thu được lợi ích chính đáng theo đúng luật pháp quốc tế.

Bảo Trung