Chiến lược mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố dựa trên các trụ cột chính là bảo đảm an ninh nội địa, tăng thịnh vượng và an ninh kinh tế cho nước Mỹ, duy trì hòa bình bằng sức mạnh quân sự và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Xuyên suốt theo đó là “sợi chỉ đỏ” mà ông Donald Trump đã từng vạch ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016, đó là chính sách "Nước Mỹ trước hết". Nói cách khác, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trong mọi hoàn cảnh, mọi vấn đề là ưu tiên số một, ngay cả khi phải chấp nhận có những hành động đơn phương, bỏ qua các thỏa thuận đang tồn tại và lợi ích các nước liên quan trong một số vấn đề như: Biên giới, thương mại, biến đổi khí hậu, di cư…
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. Ảnh: Reuters. |
Chiến lược ấy cũng coi an ninh kinh tế là vấn đề tối quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Tổng thống Donald Trump với vấn đề thương mại. Kinh tế vững chắc được xác định là tiền đề bảo vệ người dân, mở rộng và duy trì vị thế siêu cường quân sự cũng như bảo đảm an ninh nội địa của nước Mỹ.
Nước Mỹ và thế giới từng chào đón năm 2017 với những kỳ vọng rằng cú cán đích ngoạn mục của ông Donald Trump sẽ giúp làm “tan băng” mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump cũng nhiều lần phát đi thông điệp và cam kết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow. Tương tự, hy vọng về sự nồng ấm hơn trong quan hệ Mỹ-Trung cũng nhen nhóm với chuyến thăm được chào đón nồng nhiệt của Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc vào đầu tháng 11-2017 - khi đó từng được mô tả là “chuyến thăm cấp nhà nước +". Thực tế cho thấy, kể từ khi lên nắm quyền, ông Donald Trump cũng đã nỗ lực tìm cách xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Nga.
Nhưng báo cáo chiến lược an ninh dài 68 trang vừa công bố lại giống như “gáo nước lạnh” giội vào đốm lửa nhỏ, khi ông Donald Trump gọi đích danh Nga và Trung Quốc là hai “đối thủ chính trị” đang thách thức vai trò lãnh đạo, an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ. Nên nhớ rằng dưới thời ít nhất 3 tổng thống gần đây nhất, chưa bao giờ Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là "đối thủ".
Với những lời lẽ cứng rắn, có vẻ nước Mỹ đang bước sang một giai đoạn mới trong việc tiếp cận các vấn đề quốc tế, đó là cương quyết giữ vị trí vượt trội và coi các cường quốc khác là nguy cơ thách thức.
Cũng có thể nhìn nhận những ngôn từ cứng rắn của ông Donald Trump theo một cách khác: Nước Mỹ nhận thức cán cân sức mạnh toàn cầu đã dịch chuyển theo hướng không có lợi cho mình, sẵn sàng thừa nhận và đối đầu với những thách thức ấy. Như mô tả của Tổng thống Donald Trump, “kỳ nghỉ kéo dài ba thập kỷ” sau cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường đã chấm dứt để bước vào một cuộc cạnh tranh mới. Có vẻ như nước Mỹ nhìn nhận rằng môi trường toàn cầu hiện nay được định hình với những mối quan hệ cạnh tranh hơn là hợp tác. Và lựa chọn tối ưu với nước Mỹ là tiếp tục bước vào cuộc chiến ấy để bảo vệ lợi ích của mình.
Cho dù Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng Washington vẫn cần hợp tác với cả Bắc Kinh và Moscow, và dù theo quan điểm của nhiều người, chiến lược an ninh mới của Mỹ không phải là những lời tuyên chiến cho những cuộc đấu “một mất một còn”, thì mối quan hệ giữa Mỹ với hai cường quốc Nga-Trung có thể vẫn sẽ bước vào một vòng xoáy đối đầu mới quyết liệt hơn.
Bằng việc đề cao quan điểm “Nước Mỹ trước hết” trong một thế giới cạnh tranh, quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác trong giai đoạn cầm quyền của ông Donald Trump nhiều khả năng cũng sẽ được nối dài trên nguyên tắc lợi ích, có đi có lại. Mọi gánh nặng sẽ được san sẻ một cách công bằng, chứ đừng hy vọng “phần anh việc nhẹ, việc nặng để tôi”.
Đó quả thực là một khác biệt lớn về quan điểm "cùng chia sẻ và lan tỏa các giá trị kinh tế Mỹ" của người tiền nhiệm Barack Obama.
Chiến lược An ninh quốc gia sẽ là nền tảng ban đầu cho những chính sách mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ. Nếu chiến lược ấy diễn ra theo đúng những gì đã nói ở trên thì chắc chắn nước Mỹ sẽ thay đổi thực sự, và dĩ nhiên cả thế giới cũng sẽ thay đổi theo.
Kể từ khi bước chân vào con đường chính trị, ông Donald Trump luôn tạo ra những luồng phản ứng trái chiều bằng cả lời nói và hành động của mình; lần này cũng không phải ngoại lệ. Trong khi các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho rằng chiến lược an ninh mới sẽ mang lại cho đất nước một kế hoạch hành động rõ ràng và khả thi để đối phó với các thách thức lớn, một số người khác lại cho rằng những vấn đề đặt ra trong chiến lược này khác xa với thực tế điều hành đất nước, và có thể sẽ khiến nước Mỹ ngày càng bị cô lập.
Dẫu sao, chiến lược ấy có vẻ xuất hiện rất đúng thời điểm và để lại dấu ấn đáng kể cho ông Donald Trump. Bởi khi mà nước Mỹ đang phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng, nhiều người tỏ ra nghi ngờ vị thế, vai trò của nước Mỹ cũng như chính quyền đương nhiệm, sự ra đời của một chiến lược khác biệt sẽ một lần nữa đem lại hy vọng cho người dân xứ Cờ hoa.
VŨ HÙNG