Chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng

Để khuyến khích người Việt dùng hàng nội, hơn ai hết, mỗi doanh nghiệp phải khẳng định được chất lượng cũng như phong cách phục vụ thuyết phục người tiêu dùng.

Chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” do Bộ Công Thương phát động đang thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là liệu pháp tốt giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các doanh nghiệp bị tồn kho hàng do thị phần xuất khẩu bị thu hẹp.

Phải nắm được khẩu vị người tiêu dùng

Để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, hơn ai hết, mỗi doanh nghiệp - đối tượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng - phải khẳng định được chất lượng cũng như phong cách phục vụ thuyết phục người tiêu dùng. Các doanh nghiệp (DN) cần sản xuất hàng chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp và duy trì được tính ổn định; đặc biệt, cần đổi mới phong cách phục vụ và chế độ hậu mãi. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự đối với các DN trong nước. Một yếu tố quan trọng khác là DN phải nắm bắt và phân tích kỹ lưỡng về sở thích, văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Ông Trần Quý Thanh, TGĐ kiêm Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát, phân tích: Để tìm hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi đã chia từng kênh điều tra. Sau khi nắm được những nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng mà những đối thủ cạnh tranh chưa đáp ứng được, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu này. Chúng tôi cũng lập một phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới để thỏa mãn những nhu cầu của người tiêu dùng.

Tết Nguyên đán đang đến rất gần, đây là thời điểm người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nhiều nhất trong năm. Do đó, các DN cần tận dụng tối đa thời điểm này để quảng bá, mở rộng thị phần. Năm nay khác với mọi năm, tình hình kinh tế khó khăn nên chắc chắn sức tiêu thụ sẽ giảm so với cùng thời điểm này mọi năm và những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn là mặt hàng thiết yếu, giá cả hợp lý. Thêm vào đó, những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt, văn hóa Việt cũng sẽ thu hút người tiêu dùng.

Từ thực tế của đơn vị mình, ông Trần Quốc Việt, Phó TGĐ điều hành Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc, chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi có riêng một bộ phận nghiên cứu thị trường, từ đó tư vấn cho ban lãnh đạo công ty cả về kiểu dáng sản phẩm cho tới phong cách phục vụ, làm sao gần gũi với người dân nhất. Ví dụ như đối với một số loại bánh bán ở khu vực miền Bắc, chúng tôi bổ sung hương sen và một số hương vị mang đậm vùng quê Việt đã thu hút được khá nhiều người tiêu dùng.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đa dạng mẫu mã, việc chú ý mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho mục tiêu “người Việt dùng hàng Việt”.

Chú trọng thị trường nông thôn

Bộ Công thương cho biết, trong chiến dịch khuyến khích “Người Việt dùng hàng Việt”, Bộ sẽ phối hợp với các nhà phân phối lớn tổ chức tuần lễ hoặc ngày tiêu dùng hàng Việt Nam. Các hoạt động này nằm trong kế hoạch tổ chức lại thị trường nội địa với một số chính sách, biện pháp kích cầu nội tiêu, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng trong nước và giảm nhập siêu.

Nước ta hiện có hơn 86 triệu dân, trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Thu nhập của người dân ở khu vực này đang tăng lên, nhất là những khu vực có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng. Theo kết quả điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS công bố mới đây về thị trường nông thôn Việt Nam, có tới 95% gia đình nông thôn được hỏi cho biết sẵn sàng mua ti vi; 92% có thể mua bếp điện, gas; 33% có thể mua máy cassette/radio; 30% muốn mua tủ lạnh; 9% muốn mua máy vi tính…

Mặc dù thị trường nông thôn tiềm năng là thế nhưng hiện tại khu vực này vẫn gần như là khoảng trống với các DN trong nước. Ở thị trường nông thôn hiện nay vẫn chưa thấy xuất hiện những thương hiệu lớn, chủ yếu vẫn là các mặt hàng cấp thấp, không nhãn hiệu; không có các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại bài bản nào của DN tại thị trường này.

Ông Trần Quốc Việt cho rằng: Đây là thời điểm tốt nhất phải tập trung khai thác thị trường nông thôn. Trước đây, các DN nghĩ rằng, phải lấy hàng chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn để có lợi nhuận lớn. Nhưng thời điểm này nền kinh tế gặp khó khăn thì cần thiết phải thay đổi cách thức, bây giờ phải đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, lấy số lượng làm trọng.

Thực tế với thị trường nông thôn, còn rất nhiều lĩnh vực mà các tập đoàn đa quốc gia chưa với tới. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có yếu tố giá còn khá cao so với khả năng tiêu dùng của người dân. Đây là yếu tố cần được các DN trong nước tận dụng để đẩy mạnh mở rộng thị phần. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện gói giải pháp kích cầu, trong đó người dân ở khu vực nông thôn là một trong những đối tượng thụ hưởng chính sách này. Đây là cơ hội để DN tìm kiếm và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Theo kinh nghiệm của nhiều DN đã thâm nhập tốt thị trường nông thôn, DN cần tăng lượng hàng dự trữ để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời cho người tiêu dùng, đồng thời rèn luyện kỷ luật bán hàng cho nhân viên. Các phương pháp hữu hiệu khi thâm nhập thị trường này là cử các đoàn xe xuống từng làng xã đứng bán hàng, treo băng rôn, khuyến mãi... Những hình thức này cần được duy trì đều đặn để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng./.

Theo: VOV-Thanh Trường