QĐND - "Hiện nay, ở nước ta nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được thông qua một cách miễn cưỡng. Không ít báo cáo ĐTM chỉ được thẩm định trên bàn giấy, một số đơn vị lập báo cáo đã thực hiện việc “cắt dán”, sao chép từ báo cáo khác...

Đây là trăn trở của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, Phó chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam khi trao đổi với Báo Quân đội nhân dân về công tác ĐTM ở nước ta hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh

- Nhiều năm trực tiếp tham gia đánh giá tác động môi trường, ông nghĩ gì về hoạt động này của nước ta hiện nay?

- Đánh giá tác động môi trường là công cụ dự báo các tác động môi trường có thể xảy ra của một dự án đầu tư, để chủ động có biện pháp ứng xử ngay từ đầu. Nó là khâu phòng ngừa rất hữu hiệu. Nếu không dự báo được các tác động xấu, khi xảy ra thì hậu quả khôn lường, sẽ rất tốn kém tiền của để khắc phục, thậm chí không thể khắc phục được.

Hiện nay, cả hai khâu lập và khâu thẩm định báo cáo trong công tác ĐTM ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin, phương pháp dự báo không phù hợp, từ đó dẫn đến việc dự báo sai.

Bên cạnh đó, công tác ĐTM ở nước ta chỉ tiến hành đối với từng dự án chứ chưa tiến hành cho tất cả các dự án trên một vùng lãnh thổ. Vì vậy, không thể có bức tranh tác động tổng thể trong vùng. Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu trên cơ thể mình chỉ bị một con muỗi đốt thì chắc chưa có vấn đề gì lớn, nhưng có hàng nghìn con cùng đốt thì hậu quả không thể lường hết được.

Gần hai chục năm làm việc, tham gia khoảng 1.500 hội đồng thẩm định, tôi thấy, nhiều báo cáo ĐTM có "vấn đề". Báo cáo sửa đi, sửa lại nhiều lần, không hài lòng lắm nhưng cũng phải "nhắm mắt" cho qua, bởi nhiều lý do khác nhau.

- Thưa ông, tại sao lại để xảy ra tình trạng "không hài lòng lắm" mà vẫn cho qua?

- Nhiều khi chúng tôi thấy địa điểm này rõ ràng là không phù hợp, hoặc không tối ưu nhưng trước nhu cầu đầu tư bức bách đòi hỏi phải có ngành này, dự án này, tại địa điểm này. Không đầu tư được thì lại ảnh hưởng tới nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Mặt khác, khâu thẩm định cũng không đủ cơ sở để phản bác. Chúng ta khen nhau thì dễ, nhưng chê nhau một cách “tâm phục, khẩu phục” đâu có dễ chút nào.

Bản thân tôi, mỗi khi ký thông qua một báo cáo ĐTM đều thấy băn khoăn, vì thế, cứ phải kèm theo những lưu ý này, lưu ý khác.

- Nguyên nhân thiếu thông tin là vì đâu, thưa ông?

- Muốn có báo cáo ĐTM một cách chi tiết thì chúng ta cần có thông tin, số liệu chính xác và cụ thể. Trong khi đó, thông tin về nguồn gây ra tác động trong các báo cáo từ các dự án thường rất sơ sài. Bên cạnh đó, nguồn thông tin đối tượng bị tác động như đất, nước, không khí... ở khu vực đó đang trong tình trạng thế nào, có còn chịu tải được không cũng đều “lơ mơ”.

Công tác tham vấn cộng đồng trong ĐTM chưa đi vào thực chất. Theo quy định pháp luật hiện tại, chủ dự án chỉ phải xin ý kiến của UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) cấp xã, nơi có địa điểm của dự án. Khâu tham vấn người dân thường là không làm, hoặc nếu làm chỉ mang tính hình thức, sơ sài. Việc hỏi ý kiến UBND và UBMTTQ cấp xã cũng mang nặng tính hình thức. Có khi chủ dự án hoặc cơ quan tư vấn làm sẵn văn bản để UBND và UBMTTQ cấp xã chỉ việc ký. Bởi vậy mới có tình trạng hàng chục, hàng trăm văn bản của cấp xã (đối với một dự án) có những điểm sai giống hệt nhau. Khâu tham vấn cộng đồng chúng ta bỏ qua, không khai thác được kiến thức bản địa. Ngoài ra, chưa có quy định pháp luật về tham vấn người dân trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM. Vì vậy, chẳng ai “dại gì” mà làm.

- Nghe nói còn xảy ra tình trạng một số đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM bằng hình thức “cắt, dán” từ báo cáo khác?

- Việc cắt, dán cẩu thả, lố bịch như một số trường hợp vừa qua là không thể chấp nhận được, phải có chế tài để xử lý thích đáng! Điển hình như báo cáo dự án ở miền Bắc thì lại có nguồn tiếp nhận nước thải là sông Đồng Nai, dự án ở miền Nam lại có sông Hồng; dự án ở Tây Nguyên thì lại có biển, có rừng ngập mặn… Trong số các báo cáo ĐTM mà tôi trực tiếp tham gia thẩm định cũng có tới 20% đến 30% là có tình trạng cắt, dán ẩu ở những mức độ khác nhau. Để xảy ra tình trạng trên một phần không nhỏ là do chưa có chế tài xử phạt thỏa đáng.

- Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông lại nhận ra các bất cập, vậy sao lúc đương vị ông không làm quyết liệt?

- Một mình tôi hoặc đơn vị tôi có làm quyết liệt đến mấy thì cũng chỉ là “múa gậy trong bị”, khó mà xoay chuyển đáng kể được tình hình. Bởi vì, công tác ĐTM phụ thuộc vào nhiều khâu có liên quan khác ngoài phạm vi trách nhiệm của mình.

Còn việc khắc phục tình trạng thẩm định “chay”, bản thân tôi đã rất mong có thể đưa cán bộ của mình hoặc mời các chuyên gia tới hiện trường trong quá trình thẩm định. Nhưng lực bất tòng tâm vì nhiều lý do (không đủ người, không đủ thời gian vật chất, không đủ tiền…) nên mới chỉ làm được rất ít trường hợp. Việc đi kiểm tra hậu thẩm định cũng vậy, đâu có dễ, không phải thích chỗ nào là có thể xộc vào chỗ đó được. Chúng ta phải báo trước và phải tuân thủ nhiều quy chế liên quan. Đi kiểm tra mà phải báo trước thì liệu có đạt được kết quả mong muốn không?

- Theo ông, làm thế nào để khắc phục những nhược điểm trên, để công tác ĐTM thực sự trở thành khâu gác cửa hữu hiệu, bảo đảm cho phát triển bền vững?

- Tôi cho rằng không thể xoay chuyển được tình hình trong chốc lát, phải làm đồng bộ, làm từng bước. Theo tôi, để lĩnh vực ĐTM tốt hơn, điều đầu tiên là mọi người, nhất là các cấp lãnh đạo phải thực sự coi trọng công tác ĐTM. Đặc biệt là phải có cơ chế mạnh mẽ, có đầu tư thích đáng về kinh phí, về đào tạo con người và các nguồn lực khác cho công tác ĐTM, để khắc phục tình trạng như đã nêu.

- Xin cảm ơn ông.

VŨ DUNG - NGỌC MINH (thực hiện)