Việc Mỹ chính thức mở Đại sứ quán tại Jerusalem bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới biến 14-5-2018 trở thành ngày đẫm máu nhất trong các cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014 cho đến nay.
Ngày 14-5 vừa qua là một ngày đặc biệt đối với cả Israel và Palestine. Đúng 70 năm trước, Tổng thống Mỹ Harry S.Truman tuyên bố công nhận Nhà nước Do Thái Israel. Việc Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem vào đúng lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel vì thế không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên mà là động thái biểu tượng tiếp tục thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với đồng minh quan trọng số một ở Trung Đông. Nếu như 14-5 là một “ngày tuyệt vời” của Israel như lời ông Donald Trump nói thì nó lại chỉ khoét sâu thêm, làm nhân đôi nỗi đau của người dân Palestine. Bởi, chỉ một ngày sau đó, ngày 15-5 chính là “Nakba”-ngày tưởng niệm quãng thời gian đen tối khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương sau sự kiện Nhà nước Israel ra đời năm 1948.
Việc Mỹ chính thức mở Đại sứ quán tại Jerusalem chẳng khác nào “giọt nước tràn ly” sau hơn một tháng người Palestine thực hiện phong trào biểu tình lớn tại Dải Gaza và khu Bờ Tây mang tên “Cuộc tuần hành vĩ đại trở về” nhằm phản đối sự chiếm đóng của Israel.
Vấn đề chủ quyền Jerusalem-nơi vốn được biết đến là cội nguồn và thánh địa có ý nghĩa quan trọng của Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo-lâu nay vẫn được xem là rào cản chính trị lớn nhất của tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine tuyên bố khu vực phía đông thành phố bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 là thủ đô nhà nước tương lai của họ. Cả Israel và Palestine đều khẳng định đây là những nguyên tắc không thể mang ra đàm phán. Chính vì vậy mà Jerusalem vẫn luôn được ví như một “mồi lửa đang chờ đợi một que diêm”của Trung Đông.
Không khó để nhận ra rằng việc Mỹ chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem chính là hiện thực hóa cam kết của ông Donald Trump khi còn tranh cử trước các lực lượng bảo thủ ở Mỹ hồi năm 2016. Cũng không loại trừ khả năng Tổng thống Donald Trump muốn xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo đủ can đảm để làm những việc mà những người tiền nhiệm e ngại. Việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay cho phép Lầu Năm Góc thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria thời gian qua phần nào thể hiện quan điểm cứng rắn của ông đối với “chảo lửa” Trung Đông.
Quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem-vốn được ví như "nụ hôn tử thần” đối với tiến trình hòa đàm Trung Đông đầy chông gai-đã nhanh chóng thổi bùng mồi lửa xung đột bạo lực Palestine-Israel và có thể là “con dao hai lưỡi” đối với cả Tel Aviv và Washington. Đi ngược lại với các nghị quyết của Liên hợp quốc, Mỹ đã tự chối bỏ vai trò lịch sử của mình như một nhà trung gian hòa giải đáng tin cậy trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel cũng như bất cứ sáng kiến hòa bình nào ở khu vực mà Mỹ có những lợi ích chiến lược. Nguy hiểm hơn, nó còn có thể tạo chất xúc tác châm ngòi cho bạo lực nhằm vào công dân và các lợi ích của Mỹ cũng như Israel trong khu vực và trên thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề chủ quyền Jerusalem châm ngòi cho các cuộc xung đột bạo lực đẫm máu giữa Israel và Palestine. Đơn cử như những gì thế giới đã từng chứng kiến sau khi Israel mở một đường hầm mới trong thành phố cổ (Old City) vào năm 1996 hay qua phong trào “intifada” lần thứ hai (từ năm 2000 đến 2005)-cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel trước việc ông Ariel Sharon (lãnh đạo phe đối lập) và sau đó là Thủ tướng Israel thăm Núi Đền (Temple Mount) ở vùng đất thánh hồi năm 2000.
Việc Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem và hành động sử dụng vũ lực ở Dải Gaza mới nhất của lực lượng an ninh Israel khiến người ta không ngừng nghĩ tới viễn cảnh nổ ra thêm một “intifada” nếu như những diễn biến căng thẳng tại đây không được ngăn chặn kịp thời. Đó là chưa kể trong trường hợp xấu nhất, “intifada” lần thứ ba bị mất kiểm soát có nguy cơ khiến Liban, Syria và Iran cùng bị cuốn vào xung đột do những mối quan hệ đan xen phức tạp trong khu vực.
Một nền hòa bình lâu dài và bền vững cho Palestine và Israel chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp công bằng và vấn đề Jerusalem phải được giải quyết trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột giữa hai bên. Cùng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và nguy cơ đối đầu trực diện Iran-Israel trên chiến trường Syria, những diễn biến căng thẳng tại Dải Gaza đang góp phần tạo nên đám “mây đen” vần vũ trên bầu trời Trung Đông. Nếu tất cả các bên liên quan không kiềm chế, tránh những hành động khiêu khích và bạo lực, “thùng thuốc súng” Trung Đông có thể “phát nổ” bất cứ khi nào.
HOÀNG VŨ