Theo trang thống kê worldometers.info: Tính đến 10 giờ sáng 19-9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 228.936.650 người mắc Covid-19, trong đó số ca tử vong là 4.700.059 người. Đến nay, trên toàn thế giới đã có 205.522.812 bệnh nhân bình phục hoàn toàn sau khi mắc Covid-19, song vẫn còn 18.713.779 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó 99.890 người trong tình trạng nguy kịch.

Cũng theo trang thống kê nói trên, Mỹ, Ấn Độ và Brazil hiện vẫn là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới bởi đại dịch Covid-19. Về tổng số ca nhiễm, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, tiếp đến là châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Tuy nhiên, xét về số ca tử vong thì châu Âu hiện vẫn đứng đầu thế giới.

Người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi vào một trung tâm y tế ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: PTI 

Thực tế cho thấy, dù tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã được đẩy nhanh ở nhiều khu vực trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung, số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu vẫn ở mức cao. Ngoài ra, thế giới cũng đang phải chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể. Đây là những nguyên nhân khiến một số quốc gia xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với Covid-19. Điển hình như Australia, hiện đã phải thừa nhận khả năng không thể loại bỏ hoàn toàn dịch Covid-19 và chuyển sang áp dụng chiến lược “sống chung an toàn” với đại dịch. Chính phủ Australia đã lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm đủ liều vaccine và từng bước mở cửa lại biên giới quốc tế khi con số này đạt 80%.

Giống như Australia, nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu những giải pháp phù hợp nhằm vừa chống dịch lâu dài, vừa từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Gần đây, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng, nhiều khả năng, thế giới sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Về phần mình, TS Anthony Fauci, Cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Nhà Trắng (Mỹ) cũng cảnh báo, thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 mãi mãi, giống như với bệnh cúm.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng làm gia tăng tâm lý lo ngại và buộc chính phủ các nước phải tiếp tục áp dụng những biện pháp cơ bản trong phòng, chống dịch, đặc biệt khi một số quốc gia ở châu Á bước vào các kỳ nghỉ lễ và mùa du lịch cao điểm. Theo thông báo của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc, dự báo sẽ có khoảng 40 triệu lượt hành khách ở nước này đi lại trong 4 ngày nghỉ lễ Tết Trung thu năm nay. Để hạn chế dịch Covid-19 lây lan, chính quyền TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Ngoài ra, các công viên, điểm du lịch và nơi tổ chức thi đấu thể thao cũng được lệnh đóng cửa, trong khi các hoạt động đông người bao gồm các tour du lịch, hội chợ và biểu diễn cũng bị tạm dừng.

Tại Ấn Độ, để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa lễ hội sắp tới, các bang của nước này được chỉ đạo phải thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh tụ tập đông người. Theo Tân Hoa xã, ngày 18-9, Chính phủ Ấn Độ cũng yêu cầu các bang tiến hành phân tích sâu về tình hình dịch Covid-19, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng y tế, gia tăng dự trữ thuốc men thiết yếu và tăng cường nguồn nhân lực để ứng phó với bất kỳ đợt bùng phát dịch tiềm tàng nào.

ANH VŨ