leftcenterrightdel
Người bị thương trong vụ khủng bố được đưa tới bệnh viện. Ảnh: Metro 
Mục đích của chúng là muốn gây ra sự hoảng loạn khắp thế giới. Song, chúng không thể làm được điều đó. Người dân Anh và nhân loại tiến bộ sẽ chống lại chúng đến cùng. Những biểu tượng dũng cảm, nhân ái ở khắp nơi là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy cái thiện luôn thắng cái ác.

Một gia đình “bất hảo” 

Ngày 25-5, nước Anh đã ngừng mọi hoạt động trên cả nước để dành phút mặc niệm 22 nạn nhân thiệt mạng. Chính phủ Anh cũng đã tăng mức độ nguy cơ an ninh lên mức "đặc biệt nghiêm trọng" do lo ngại khả năng xảy ra một cuộc tấn công khác.

Cảnh sát Anh đã công bố thông tin, kẻ đánh bom liều chết tại Man-che-xtơ hôm 22-5 được xác định là tên Xan-man A-bê-đi (Salman Abedi), sinh năm 1994, tại Man-che-xtơ, là người gốc Li-bi. Các kết luận điều tra của cảnh sát cho thấy, chính tư tưởng cực đoan của hầu hết các thành viên trong gia đình này là nguyên nhân chính khiến A-bê-đi bị ảnh hưởng.

Một người trông coi Thánh đường trung tâm Đi-xbơ-ri (Didsbury), ông P.Ha-pha (Fawzi Haffar) nói rằng, cha của A-bê-đi và các thành viên trong gia đình nghi phạm này đã quay trở về Li-bi từ 6 năm trước. Chỉ còn A-bê-đi và anh trai I-xma-en (Ismael) tiếp tục sống tại Anh nhưng vẫn thường xuyên về Li-bi. Năm 2011, cha của A-bê-đi bất ngờ bỏ việc, quay trở lại Li-bi và tham dự cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo M.Ga-đa-phi (Muammar Gaddafi). Theo hàng xóm, khi ông M.Ga-đa-phi chết, gia đình nhà A-bê-đi dường như khá vui mừng và treo cờ lớn trên mái nhà. Cảnh sát khi đó đã xuất hiện và nhắc nhở gia đình A-bê-đi gỡ cờ xuống.

Reuters ngày 24-5 dẫn lời ông G.Côn-lôm-bơ (Gerard Collomb) thuộc Cơ quan Tình báo Anh cho biết, tư tưởng cực đoan của A-bê-đi bị đẩy lên đỉnh điểm sau chuyến trở về quê nhà kéo dài 3 tuần, trực tiếp tới một khu vực có nhiều căn cứ của IS và được khủng bố đào tạo tại đó. Không chỉ có thế, Cảnh sát trưởng Man-che-xtơ, ông I-an Hốp-kin (Ian Hopkins) cho biết, A-bê-đi có quen với nhiều nhân vật “cộm cán” của bọn khủng bố. Đó là R.Hâu-xtây (Raphael Hostey), kẻ được coi là nhà tuyển dụng của IS đã tử vong trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại Xy-ri năm 2016. Ngoài ra, A-bê-đi còn được cho là bạn thân của tay súng tuyển quân cho IS tại Man-che-xtơ tên là A.Q.an Bri-ta-ni (Abu Qaqa al-Britani). Theo cảnh sát Anh, chính A.Q.an Bri-ta-ni đã tác động mạnh tới tư tưởng A-bê-đi.

leftcenterrightdel
 Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại khu vực xảy ra đánh bom. Ảnh: The Huffington Post UK

Từ những mối quan hệ phức tạp này, tư tưởng cực đoan dần được hình thành. A-bê-đi và các anh em trai thường chia sẻ câu chuyện về công dân Anh tham gia chiến đấu tại Xy-ri lên mạng xã hội. Những người hàng xóm biết đến gia đình của A-bê-đi và các anh em của hắn đều không quá lạ khi cho rằng dường như gia đình này đã đi theo tư tưởng cực đoan. Cơ quan an ninh Anh từng nhận được thông tin của một nhân viên cộng đồng Hồi giáo giấu tên nói rằng, nhiều thành viên của cộng đồng cách đây 5 năm đã liên tục gọi đến đường dây nóng của cảnh sát chống khủng bố để phản ảnh về quan điểm và những hành động cực đoan của A-bê-đi. Nhân viên này cho BBC hay, A-bê-đi khi theo học đại học đã tuyên bố "ủng hộ chủ nghĩa khủng bố", bày tỏ quan điểm đồng tình với hành động đánh bom tự sát.

Không chỉ Xan-man A-bê-đi, kẻ thực hiện vụ đánh bom khủng bố ở Man-che-xtơ, mà cả gia đình hắn đều có quá khứ không mấy tốt lành. Theo Daily Mail, bố của Xan-man A-bê-đi, Ra-ma-đan A-bê-đi từng là một chiến binh chống lại chính quyền của ông Ga-đa-phi và nhiều lần lên tiếng ủng hộ một tổ chức khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda tại Xy-ri. 5 năm trước. Ra-ma-đan từng đăng ảnh các chiến binh của tổ chức khủng bố Mặt trận al-Nusra lên tài khoản Facebook cá nhân của mình. Trong khi đó, vợ của Ra-ma-đan, Xa-mi-a là bạn của vợ tên A.A.an Li-bi (Abu Anas al-Libi), một chiến binh của Al-Qaeda từng bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tóm được trên đường phố Tri-pô-li hồi năm 2013. Tên A.A.an Li-bi từng phải đối mặt với cáo buộc đánh bom hai tòa đại sứ của Mỹ tại hai nước châu Phi và nằm trong danh sách truy nã đặc biệt của FBI. Trong khi đó, em trai của tên A-bê-đi, Ha-sem (Hashem) bị tình nghi có liên hệ với IS và đang lên kế hoạch tấn công khủng bố tại thủ đô Tri-pô-li. Ngoài ra, tên Ha-sem còn được cho là biết trước kế hoạch đánh bom thành phố Man-che-xtơ của anh trai mình từ vài tháng trước và có tham gia vào kế hoạch này.

Những tấm lòng thiện không sợ khủng bố

Quả bom A-bê-đi kích nổ tại một buổi biểu diễn ca nhạc cho thấy, dường như những kẻ khủng bố muốn dùng hành động bạo lực để gây ra nhiều nỗi sợ hãi, khoét sâu hơn những bất đồng giữa người theo người đạo Hồi mới nhập cư vào châu Âu với người dân bản địa ở nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, A-bê-đi và những kẻ khủng bố đã không đạt được mục đích. Bằng chứng rõ rệt nhất là các trận bóng đá đỉnh cao tại Anh vẫn diễn ra bình thường. Các đảng ở nước Anh vẫn tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp diễn ra. Nhịp sống bình yên trở lại là lời khẳng định âm mưu của khủng bố đã thất bại. Những tấm lòng thiện đã chiến thắng cái ác.

Bị đánh bom khủng bố trong buổi diễn của mình, nhưng ca sĩ A.Gran-đê (Ariana Grande) tuyên bố cô không sợ hãi và muốn dồn sức lực để lo cho các nạn nhân. “Chúng tôi muốn dành thời gian này để động viên những người bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công vô nghĩa. Cuộc sống của chúng ta một lần nữa bị đe dọa nhưng mọi người sẽ vượt qua được chuyện này”, đại diện của cô nói thêm. Được biết những người đã mua vé xem các đêm biểu diễn này sẽ được hoàn lại tiền. A.Gran-đê đã chủ động liên lạc với gia đình các nạn nhân, đề nghị thanh toán toàn bộ chi phí hậu sự.

Không chỉ những người nổi tiếng như A.Gran-đê mà người dân bình thường ở Anh đã không quản nguy hiểm để cứu giúp các nạn nhân vụ đánh bom, là những gương sáng về nghĩa cử cao đẹp. Hai người đàn ông vô gia cư tại Anh đã được người dân nước này quyên góp ủng hộ số tiền hàng chục nghìn bảng Anh, sau khi hai anh này bất chấp nguy hiểm, lao vào cứu nhiều nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom đêm 22-5.

Trong cuộc trò chuyện với ITV New, X.Giôn (Stephen Jones), 35 tuổi, một người vô gia cư cho biết, anh đang ngủ bên ngoài sân vận động Man-che-xtơ A-rê-na thì nghe thấy tiếng nổ lớn, sau đó hàng trăm người đổ ra bên ngoài các lối đi một cách vội vã. Người đàn ông nhanh chóng chạy theo mọi người, nhưng sau đó anh trông thấy nhiều nạn nhân nằm trên mặt đất dính đầy máu và trẻ em khóc trong hoảng loạn. X.Giôn đã quay lại cứu giúp những người bị thương. “Có rất nhiều người vô gia cư ở đó và chúng tôi đều lao vào giúp đỡ. Tôi đã rút đinh từ cánh tay của một cặp vợ chồng và từ khuôn mặt của một đứa trẻ bị thương, trước khi bế bé đến xe cứu thương. Có thể tôi chỉ là một người vô gia cư nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có trái tim. Tôi cũng là một con người bình thường. Ở Man-che-xtơ, có rất nhiều người tốt với chúng tôi, bây giờ là lúc chúng tôi trả ơn họ”, X.Giôn nói với ITV News.

Cũng giống X.Giôn, C.Pắc-cơ (Chris Parker), 33 tuổi cũng được nhiều người bày tỏ sự biết ơn và coi như anh hùng của thành phố. C.Pắc-cơ đang nằm ngủ ở khu vực gian hàng tại sân vận động, gần nơi kẻ đánh bom tự sát A-bê-đi kích nổ quả bom. Trong khi mọi người hoảng hốt cực độ tháo chạy khỏi sân vận động thì C.Pắc-cơ lại chạy vào cứu người. “Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, vài giây sau khói bốc lên và hàng trăm người la hét. Vụ nổ khiến tôi ngã xuống sàn, sau đó tôi đứng dậy chạy đến cố gắng giúp đỡ những người bị thương. Có rất nhiều người nằm trên sàn. Tôi nhìn thấy một bé gái mất một chân; tôi quấn bé vào một chiếc áo phông và hỏi về bố mẹ. Cô bé nói bố nó ở nhà, mẹ đang trong sân vận động”. C.Pắc-cơ nghĩ mẹ cô bé đã thiệt mạng trong vụ đánh bom. Sau khi cứu đứa trẻ, C.Pắc-cơ nhìn thấy một người phụ nữ 60 tuổi bị thương. C.Pắc-cơ tới cứu nhưng bà đã qua đời ngay trên tay anh. “Bà ấy đã chết ngay trên tay tôi. Bà ấy nói rằng đến đó cùng gia đình. Tôi đã không ngừng khóc khi chứng kiến cảnh đó”.

Sau khi người dân Anh biết được hành động dũng cảm của những người vô gia cư đó, hàng nghìn người Anh đã lập quỹ ủng hộ "Những người đàn ông dũng cảm”. Nỗi đau ở Man-che-xtơ đang vơi dần bởi tình người ấm áp.

NGUYỄN HÒA