Theo Tổ chức phi chính phủ châu Âu SOS Méditerranée, sáng 31-7, giờ địa phương, tàu Ocean Viking đã giải cứu 57 người trên một chiếc thuyền bơm hơi gặp nạn đang đi trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Libya. Sau đó vào chiều cùng ngày, thủy thủ đoàn của tàu này đã thực hiện thêm hai đợt cứu hộ ở cùng khu vực trên: 54 người trên một chiếc thuyền bơm hơi đã được đưa vào bờ an toàn và 64 người khác đã được cứu khỏi một chiếc thuyền gỗ. Trong đợt giải cứu sau cùng, Ocean Viking đã cứu được 21 người trên thuyền gỗ, nâng số người được cứu trong ngày lên 196 người. Trong số đó có ít nhất 2 phụ nữ mang thai và 33 trẻ vị thành niên không có người đi kèm.
 |
Nhân viên cứu hộ của tàu Ocean Viking giải cứu người di cư gặp nạn trên biển, ngày 31-7. Ảnh: Le Figaro
|
Đầu tháng 7, chính con tàu Ocean Viking đã cứu 369 người di cư ngoài khơi bờ biển Libya từ "một chiếc thuyền gỗ lớn", bao gồm những người đến từ Ai Cập, Bangladesh, Eritrea. Kể từ tháng 2-2016 đến nay, SOS Méditerranée đã giải cứu hơn 30.000 người di cư gặp nạn trên biển, thông qua hai tàu cứu hộ gồm Aquarius và Ocean Viking.
Trước đó, ngày 26-7, các lực lượng vũ trang Malta (AFM) đã giải cứu an toàn một nhóm gồm 46 người di cư bị mắc kẹt trên biển. Đây là tàu chở người di cư thứ hai được đưa đến Malta sau cuộc giải cứu một nhóm gồm 81 người di cư vào ngày 14-7. Một thống kê khác của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã giải cứu hơn 13.000 người di cư muốn sang châu Âu, cao hơn so với con số của cả năm 2020.
Theo UNHCR, tuyến đường Địa Trung Hải giữa bờ biển Bắc Phi và Italy đã được đa số người di cư lựa chọn để thực hiện hành trình đi tìm “giấc mơ châu Âu” của mình. Mặc dù đã được cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều người di cư vẫn tiếp tục vượt biển để thoát khỏi xung đột ở trong nước cũng như các yếu tố khác như đói nghèo và mất an ninh lương thực. Nhiều người trong số họ đã phải bỏ mạng khi chưa tới được miền đất hứa. Mới đây, ngày 26-7, một chiếc thuyền chở người di cư đã bị đắm ở ngoài khơi cảng Khoms của Libya, cách thủ đô Tripoli khoảng 120km về phía Đông. Vụ đắm thuyền này đã cướp đi sinh mạng của 57 người, trong đó có 20 phụ nữ và 2 trẻ em.
Trong khi đó, người di cư châu Phi cũng lựa chọn tuyến đường biển phía Tây tới quần đảo Canary của Tây Ban Nha để thâm nhập vào châu Âu bởi đây là tuyến đường ngắn nhất, khoảng hơn 100km từ bờ biển Maroc. Tuy nhiên, đây cũng là tuyến đường nguy hiểm nhất bởi dòng chảy trên biển Đại Tây Dương. Thống kê của Tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát dòng người di cư của Tây Ban Nha, Caminando Fronteras cho biết, gần 2.100 người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách di cư bằng đường biển để tới Tây Ban Nha trong 6 tháng đầu năm 2021. Con số này gần bằng con số ghi nhận trong cả năm 2020 và là mức cao nhất ghi nhận được trong thời gian 6 tháng. Các nhà điều tra cho biết, chất lượng thuyền xuống cấp, tình trạng chở quá tải và thời tiết xấu là những nguyên nhân dẫn đến các vụ chìm thuyền chở người di cư từ Bắc Phi đến châu Âu.
Người phát ngôn của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), bà Safa Msehli cho rằng, có một số lý do để lý giải cho sự gia tăng số người di cư, tị nạn thiệt mạng trên tuyến đường biển trong năm nay. Đó là do “sự thiếu vắng những hoạt động tìm kiếm và cứu nạn chủ động do nhà nước lãnh đạo trong các vùng biển quốc tế, kết hợp với những hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ”. Qua đó, bà Safa Msehli nhấn mạnh, những người này không thể bị bỏ rơi trong cuộc hành trình nguy hiểm này.
BÌNH NGUYÊN