Tất cả nước châu Á đang theo đuổi kế hoạch này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang đặt nhiều hy vọng vào việc phát triển vaccine trong nước để kiểm soát dịch bệnh, chứ không chỉ hoàn toàn trông đợi vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. 

Các nước đang phát triển, bao gồm các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nhận ra họ gặp trở ngại khi ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng liên quan tới dịch Covid-19, mà một trong những lý do là họ bị phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vaccine từ nơi khác. Đơn cử, Thái Lan gặp phải làn sóng phẫn nộ và phản đối của công chúng khi sử dụng quá nhiều loại vaccine khác nhau từ bên ngoài trong nỗ lực phủ vaccine trong cộng đồng, như: Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca và Pfizer. Hệ quả là nước này chỉ đạt tỷ lệ người dân được tiêm đầy đủ vaccine chưa tới 10%. Nước này đang thúc đẩy thực hiện thử nghiệm vaccine theo công nghệ mRNA đầu tiên mang tên ChulaCov19. Nước này kỳ vọng vaccine nội địa sẽ được sử dụng để tiêm mũi thứ 2 cho phần lớn người dân chưa được tiêm đầy đủ.

Theo Straits Times, trên toàn thế giới hiện có 112 loại vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Theo Straits Times, trên toàn thế giới hiện có 112 loại vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng. Trong khi đó, các quốc gia và nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn không có bất kỳ loại vaccine tự chế tạo và sản xuất nào được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận để sử dụng khẩn cấp, hiện đang thử nghiệm ít nhất 16 loại vaccine. Các giới chức y tế ở Đài Loan và Ấn Độ đã đẩy nhanh tiến trình bằng cách cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại vaccine được phát triển nội địa, cho dù chưa hoàn thành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. 

Có thể kể ra rất nhiều lý do khiến các nước ở khu vực bị thôi thúc phải có bằng được các loại vaccine ngừa Covid-19 nội địa và tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Trong đó phải kể tới lý do quan trọng đó là khả năng chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine của các nước giàu cho các nước đang phát triển và nước nghèo vẫn còn là một câu chuyện dài. Kể từ khi vaccine mRNA ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna được trình làng, các nước châu Á-Thái Bình Dương đã phải chật vật để tìm kiếm nguồn cung đối với những loại vaccine được cho là có hiệu quả cao này. Một số quốc gia có ưu thế ở khu vực như Australia, Hàn Quốc, Singapore đã vượt lên để tìm cách thành lập các cơ sở sản xuất mũi nhọn các loại vaccine này, nhằm  khai thác loại công nghệ được hy vọng có thể lật ngược tình thế trong đại dịch. Công nghệ vaccine mRNA (do Mỹ, Đức và Thuỵ Sĩ nắm giữ) được đánh giá có khả năng xử lý các biến thể của virus SARS-CoV-2 và các đại dịch trong tương lai. 

Các nước phát triển và có ưu thế hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Singapore và Hàn Quốc đã lần lượt được Pfizer và Moderna lựa chọn để đặt trụ sở sản xuất vaccine mRNA. Hàn Quốc còn là nhà sản xuất theo hợp đồng của vaccine AstraZeneca, Novavax và Sputnik V. Điều này đồng nghĩa với cơ hội của các nước khác kém phát triển hơn ở khu vực sẽ ít đi. Thực tế này đang cho thấy có sự thay đổi đáng kể so với xu thế chung của thời đại toàn cầu hóa. Đối với các hãng chế tạo vaccine Covid-19, các nước nghèo có giá nhân công rẻ không hẳn là lựa chọn ưu tiên như các tập đoàn đa quốc gia trước đây vẫn làm. 

Trước xu thế cạnh tranh quyết liệt chế tạo và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 hiện nay, Giáo sư Guy Marks từ Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (Australia) cho rằng cuộc chạy đua sản xuất vaccine nội địa liên quan đến chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn là nhu cầu. Theo ông, thế giới không cần những loại vaccine mới không hiệu quả bằng những vaccine hiện có, mà cần những loại vaccine hiệu quả hơn các loại vaccine tốt nhất hiện nay. Ông chỉ ra rằng thế giới cần phát triển các loại vaccine có khả năng chống các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai và ngăn chặn nguy cơ mọi người bị nhiễm bệnh, thay vì các loại vaccine chỉ ngăn ngừa các biến chứng nặng như hiện nay.

Giáo sư Guy Marks cũng nhắc lại câu nói đã trở thành quen thuộc trong thời đại dịch: “Đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng ta chỉ có thể giải quyết nếu hợp tác ở quy mô toàn cầu”. Ông nhấn mạnh, các nhà phát triển vaccine tốt nhất hiện nay cần ký kết các hợp đồng cấp phép công bằng cho phép các nhà sản xuất nhanh chóng mở rộng sản xuất.

Nhưng lý do có vẻ quan trọng bậc nhất đó chính là lợi ích kinh tế. Theo Tiến sĩ Ravi Ganaphathy thuộc Viện Vaccine Quốc tế: “Vẫn còn thị trường khổng lồ cho các loại vaccine hiện đang được phát triển”. Ông chia sẻ trên Straits Times rằng: “Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, đại dịch ở hầu hết các nước phát triển có thể được kiểm soát. Nhưng ở nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ, nhu cầu vẫn còn rất lớn”. Vì thế, có thể dễ dàng thấy rằng, tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế của các loại vaccine đang được các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển vẫn rất lớn, nhất là khi chúng có giá thành rẻ hơn so với các loại vaccine được sản xuất ở những nước giàu có.

HẠNH NGUYÊN