Ngày 18-7, Tổng thống UAE có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.
Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, Cố vấn Ngoại giao của Tổng thống UAE Anwar Gargash cho biết, Abu Dhabi “muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế, văn hóa với Paris, tập trung vào công nghệ và năng lượng trong tương lai, nhưng dầu mỏ vẫn là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với triển vọng địa chiến lược hiện tại... Dầu của chúng tôi theo truyền thống được bán cho Viễn Đông. Tôi nghĩ ngay bây giờ có nhiều mối quan tâm hơn đến dầu của chúng tôi ở châu Âu..., vì vậy mối quan tâm chung của UAE và Pháp hiện nay là năng lượng"-AFP dẫn tuyên bố của ông Gargash.
Về phía Pháp, tuyên bố của Điện Elysee cho biết, chuyến thăm của Tổng thống UAE Sheikh Mohamed “là một hành động mang tính biểu tượng mạnh mẽ, cho thấy sức mạnh và độ bền của mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp-UAE”.
Trong chương trình nghị sự lần này, hai bên tập trung thảo luận về các cách thức làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt trong các lĩnh vực: An ninh, quốc phòng, năng lượng và công nghệ tương lai. Hai nhà lãnh đạo cũng tập trung thảo luận các nỗ lực thúc đẩy hành động chung nhằm giải quyết một số thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm năng lượng trong tương lai, biến đổi khí hậu và công nghệ. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục; hợp tác sâu hơn để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống khủng bố, cũng như các vấn đề khu vực.
 |
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Khaleej Times. |
Quan hệ Pháp-UAE đã phát triển nồng ấm trong những năm gần đây. UAE là nơi có chi nhánh nước ngoài duy nhất của Bảo tàng Louvre (Pháp). Tháng 12 năm ngoái, UAE ký hợp đồng kỷ lục trị giá 17 tỷ euro (19,2 tỷ USD) mua 80 chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Trong 25 năm qua, xuất khẩu của UAE sang Pháp đã tăng với tốc độ hằng năm là 10,5% (từ 81,8 triệu USD năm 1995 lên 984 triệu USD năm 2020). Các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu mỏ, nhôm, tua-bin khí... Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Pháp sang UAE đã tăng 4,51% mỗi năm (từ 1,22 tỷ USD năm 1995 lên 3,67 tỷ USD năm 2020).
Pháp cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại UAE, với hơn 600 công ty Pháp đang hoạt động tại đây. Còn UAE là nhà đầu tư vào Pháp lớn thứ hai trong số các quốc gia Vùng Vịnh, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1,46 tỷ euro năm 2018 (chiếm 25% tổng đầu tư của khu vực).
Chuyến thăm Pháp của Tổng thống UAE diễn ra ngay sau chuyến công du Trung Đông đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vào thời điểm Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đặt nhiều hy vọng vào việc thuyết phục cả Saudi Arabia và UAE tăng sản lượng dầu, nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu, giảm sức ép lạm phát đang lên mức cao nhất trong hàng chục năm qua tại Mỹ và nhiều nước phương Tây. Song dường như các nỗ lực của Tổng thống Biden đã thất bại khi Saudi Arabia cùng các đối tác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ chối tăng sản lượng.
Chính bởi vậy, dư luận thế giới lại dồn sự chú ý sang chuyến thăm của Tổng thống UAE tới Pháp, rằng liệu chuyến đi này có mở ra hy vọng nào cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Chuyến thăm Pháp “dĩ nhiên mang tính biểu tượng và minh họa cho mối quan hệ cá nhân tốt đẹp của Tổng thống Pháp Macron và người đồng cấp UAE”-bà Anne Gadel, một thành viên của Đài quan sát Trung Đông-Bắc Phi tại Fondation Jean Jaures (Paris) cho hay. “Khi chọn Pháp, chứ không phải Mỹ, là điểm đến nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Sheikh Mohamed dường như muốn bắn đi một tín hiệu tới Washington rằng: Chúng tôi không vội vàng đáp ứng yêu cầu của Mỹ bằng mọi giá”, AFP dẫn bình luận của bà Gadel.
HÀ PHƯƠNG