Chuyên gia luật Hoàng Việt

QĐND - Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam, đến dự Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng (19 đến 21-6-2014) từ Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về các khía cạnh pháp lý xung quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam cần cân nhắc căn cứ pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc

PV: Thưa ông, có một số ý kiến cho rằng đã đến lúc phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Đó là một khả năng. Hiện tại có 4 tòa xét xử nhưng khả năng cao nhất là Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực, được thành lập theo phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển, là phiên tòa không nhất thiết cần phải có sự đồng ý tham gia của Trung Quốc vẫn có thể tiến hành tố tụng. Điều 287 của Công ước LHQ về Luật Biển quy định việc “lựa chọn thủ tục” trong giải quyết tranh chấp, theo đó khi ký hay phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn (hình thức tuyên bố bằng văn bản) một hay nhiều biện pháp để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước. Tuy nhiên, kiện ra tòa là một chuyện, nhưng dựa trên căn cứ nào thì phải cân nhắc, xem xét; nói cách khác, nếu tiến hành vụ kiện, Việt Nam sẽ phải lựa chọn điều khoản nào của Công ước LHQ về Luật Biển để đưa ra tòa.

PV: Có nghĩa là nếu tiến hành vụ kiện thì đây chưa phải là một vụ kiện về chủ quyền mà là kiện về cách diễn giải một điều khoản nào đó trong Công ước LHQ về Luật Biển?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Đúng như vậy. Bởi vì nếu tiến hành kiện về chủ quyền lãnh thổ thì cần phải có sự đồng ý tham gia của tất cả các bên mà như mọi người đều biết, cho đến nay, Trung Quốc luôn từ chối việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bởi một bên thứ ba, kể cả tòa án.

PV: Vậy một vụ kiện như vậy có gì tương đồng với vụ kiện mà Phi-líp-pin đang tiến hành đối với Trung Quốc?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Về thủ tục thì giống nhau, nhưng có thể căn cứ pháp lý sẽ khác nhau. Tôi xin diễn giải rõ hơn một chút. Trong vụ kiện của Phi-líp-pin, căn cứ pháp lý thứ nhất là họ yêu cầu tòa phán quyết xem cái yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc có phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển hay không, mà theo phía Phi-líp-pin thì tất nhiên là yêu sách đó không phù hợp rồi; thứ hai là phía Phi-líp-pin yêu cầu giải thích rõ về 6 cấu trúc địa lý, theo điều 121 của Công ước LHQ về Luật Biển về chế độ các đảo… Việt Nam không nhất thiết là sẽ phải lựa chọn những căn cứ pháp lý giống như vậy mà có thể lựa chọn những điều khoản khác.

PV: Nhưng trong những lập luận mà Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho việc họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, luôn có lý lẽ rằng “Hoàng Sa là của họ”. Vậy nếu không tiến hành một vụ kiện về chủ quyền thì giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Đấy là cách để Trung Quốc né tránh giải quyết vấn đề. Trong vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc cũng luôn lái sang vấn đề chủ quyền, bởi Trung Quốc biết rằng liên quan đến vấn đề chủ quyền, nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc thì tòa không có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, trong vụ việc này không chỉ có đấu tranh liên quan đến vấn đề chủ quyền mà còn liên quan đến áp lực phải diễn giải và áp dụng các điều khoản của Công ước LHQ về Luật Biển và Tòa trọng tài thường trực có thẩm quyền để xử lý những vấn đề như thế này.

Trung Quốc luôn nói tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng từ chối ra tòa

PV: Liên quan đến các khía cạnh pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gần đây phía Trung Quốc còn thường xuyên đưa ra cái gọi là “công thư năm 1958” của Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Trước hết, phải khẳng định rằng đây không phải là “công hàm” như phía Trung Quốc thường xuyên lập lờ để gây hiểu lầm, mà thực chất đây chỉ là “thư trả lời” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc khi ấy là Chu Ân Lai về vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Về phương diện pháp lý quốc tế, như Trung Quốc cũng đã thừa nhận, đây chỉ là một tuyên bố đơn phương, không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Trong tuyên bố đơn phương này không hề nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi cho rằng nhiều học giả Trung Quốc đưa ra những lập luận không theo luật quốc tế mà lại thường xuyên diễn giải theo cách có lợi cho họ. Một mặt Trung Quốc luôn nói họ tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng đến khi mời họ ra tòa để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thì họ lại từ chối. Theo tôi, việc đưa tranh chấp ra giải quyết ở các tòa án quốc tế là một trong những giải pháp công bằng và văn minh trong thời buổi hiện nay.

PV: Một trong những biện pháp đấu tranh về mặt pháp lý là sử dụng các bản đồ làm bằng chứng. Ông đánh giá như thế nào về phương diện này?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Xét về mặt pháp lý thì những bản đồ được một bên đưa ra một cách đơn phương có tính pháp lý thấp, trong khi những bản đồ nằm trong các hiệp ước, hiệp định được hai bên ký kết sẽ có tính pháp lý cao hơn. Sức nặng làm bằng chứng của các bản đồ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tỷ lệ vẽ theo kiểu của phương Tây, có độ chính xác càng cao thì có khả năng được tham  khảo nhiều hơn. Các bản đồ này, kể cả của Trung Quốc, đều cho thấy một điều là trước năm 1932, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo xuống đến đảo Hải Nam là hết. Chính sử của Trung Quốc cũng ghi như vậy. Những bằng chứng mà phía Trung Quốc đưa ra, theo tôi mang tính ngụy tạo nhiều hơn. Chính Trung Quốc cũng thừa nhận rằng “đường lưỡi bò” đã lần đầu xuất hiện trong một bản đồ tư nhân năm 1947, Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch xuất bản năm 1948; họ xuất bản đơn phương, khi xuất bản cũng chẳng công bố với thế giới.

PV: “Đường lưỡi bò” là một đường vẽ trên bản đồ, không có tọa độ. Vậy liệu có khả năng Trung Quốc sẽ xúc tiến việc lập tọa độ cho cái “đường lưỡi bò” này để mưu toan hiện thực hóa nó không thưa ông?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Dù Trung Quốc có đặt ra các tọa độ cho “đường lưỡi bò” của họ thì nó cũng không có ý nghĩa pháp lý quốc tế vì tọa độ là một chuyện, nhưng những yêu sách về lãnh thổ phải được các quốc gia khác thừa nhận. Như mọi người đều đã thấy, từ khi Trung Quốc chính thức đưa cái “đường lưỡi bò” này ra vào ngày 6-5-2009, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều đã lên tiếng phản đối. Khi Trung Quốc đơn phương đưa ra một yêu sách như thế thì nó không được cộng đồng quốc tế chấp nhận vì nó không có cơ sở pháp lý nào cả. Như trong vụ kiện của Phi-líp-pin, phía Phi-líp-pin cũng nói rõ rằng cái “đường lưỡi bò” này đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc cơ bản của Công ước LHQ về Luật Biển, là nguyên tắc “đất thống trị biển”. Trung Quốc cho rằng với sức mạnh hiện tại, họ có khả năng hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò” bất chấp luật pháp quốc tế mà việc họ ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một minh chứng.

PV: Vậy theo ý kiến của ông, khả năng Việt Nam đưa vụ việc ra tòa theo vụ việc này ở mức độ nào và ông đánh giá thế nào về sách lược đấu tranh của Việt Nam kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Cá nhân tôi cho rằng việc kiện là cần thiết, nhưng chỉ là một trong số nhiều biện pháp đấu tranh với phía Trung Quốc để họ tôn trọng, không xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Một phiên tòa sẽ kéo dài nên phải có thêm các biện pháp đấu tranh khác. Trên thực tế, cuộc đấu tranh của các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay đang diễn ra trên vùng biển Hoàng Sa là điều hết sức cần thiết. Việt Nam có sức mạnh của chính nghĩa, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh với hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài và phải tính đến những diễn biến có thể xảy ra để có các biện pháp đấu tranh hiệu quả với hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!    

VĂN YÊN (thực hiện)