QĐND - Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong thời gian qua đã không được như mong đợi. 

Đối thoại với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần “chọn mặt gửi vàng” trong đầu tư phát triển kinh tế biển.

Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội

PV: Thưa đồng chí! Quan điểm của đồng chí về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia?

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý: Đó là mối quan hệ biện chứng trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Chúng ta chỉ có thể khai thác hiệu quả kinh tế biển khi giữ gìn được an ninh biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngược lại, kinh tế biển phát triển sẽ tạo nguồn lực để củng cố, phát triển quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Phát triển kinh tế biển gắn với củng cố thế trận quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia là một đòi hỏi tất yếu, khách quan của đất nước trong tiến trình phát triển và hội nhập. 

Để thực hiện được ba vấn đề nói trên, có nhiều việc phải làm, trong đó, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được cơ sở pháp lý và tổ chức thực thi một cách hiệu quả. Tiềm năng thế mạnh của biển chỉ được đánh thức và phát huy tác dụng khi có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế chính sách phù hợp.

PV: Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đồng chí đã có bài phát biểu về đầu tư phát triển kinh tế biển. Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến kinh tế biển của chúng ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng?

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý: Phải khẳng định rằng, trên thế giới không có nhiều quốc gia có lợi thế về tài nguyên biển như Việt Nam. Thế nhưng, cho đến nay, kinh tế biển của chúng ta vẫn phát triển chưa đúng tiềm năng và thế mạnh. Theo đánh giá của một số chuyên gia, dù có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển, nhưng năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc, 1/94 của Nhật Bản. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kinh tế biển phát triển và khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, trong đó có nguyên nhân từ sự yếu kém về năng lực và buông lỏng quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Sự yếu kém đó đã dẫn đến thất thoát, lãng phí, làm cho một số lĩnh vực trong kinh tế biển như công nghiệp đóng tàu, vận tải biển… có những bước thụt lùi.

PV: Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây đã xem xét đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Vậy theo đồng chí, với các doanh nghiệp Nhà nước gắn với kinh tế biển, nên tái cơ cấu theo hướng nào?

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý: Theo tôi, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước lần này, cần xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước làm đầu tàu phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có thể cân nhắc san sẻ nhiệm vụ của các đơn vị đã bộc lộ những yếu kém, bất cập trong thời gian qua cho các đơn vị khác có năng lực tốt hơn, nhằm hiện thực hóa được mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

PV: Có nghĩa là chúng ta cần phải “chọn mặt gửi vàng” trong đầu tư phát triển kinh tế biển?

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý: Một trong những nhiệm vụ trước mắt của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 là phát triển công nghiệp đóng tàu; tạo các điều kiện cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai…

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay quân đội có nhiều doanh nghiệp, nhà máy có thương hiệu lớn trên thị trường, như: Công ty đóng tàu Hồng Hà, Công ty TNHH một thành viên Ba Son, Công ty TNHH một thành viên Sông Thu, Công ty 189... Các doanh nghiệp trên không chỉ đóng mới và sửa chữa được các tàu chiến với đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, công nghệ, mà còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền của khách hàng trong và ngoài nước.

Bản thân tôi có gần 30 năm công tác trong quân đội, trong đó có nhiều năm công tác trong lĩnh vực kinh tế quốc phòng, tôi cho rằng, các doanh nghiệp trong quân đội hiện nay  không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới mà còn có hệ thống quản trị tốt, chặt chẽ, khắc phục những bất cập nhanh chóng và hiệu quả. Nếu được lựa chọn và đầu tư hợp lý, các doanh nghiệp đóng tàu trong quân đội không chỉ đáp ứng nhu cầu đóng tàu quân sự với kỹ thuật, công nghệ cao, mà còn hoàn toàn có thể đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển gắn liền với an ninh biển, đảo và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả theo các nguyên tắc sau đây:

1 - Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước;

2 - Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển;

3 - Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển;

4 - Gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo. 

Điều 4 Luật Biển Việt Nam

ĐỖ PHÚ THỌ (thực hiện)