QĐND - Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII được tổ chức vào cuối năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định việc nâng trần bội chi ngân sách Nhà nước từ 4,8% lên 5,3%. Các thành viên Chính phủ khẳng định, phần bội chi ngân sách này sẽ chỉ được dùng cho đầu tư phát triển…
Còn nhiều dự án chờ vốn Nhà nước
Thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích xã hội hóa đầu tư ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng không phải lĩnh vực nào nhà đầu tư cũng tham gia vì khả năng sinh lời kém, trong khi thời gian thu hồi vốn rất lâu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu ví dụ trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức chiều 29-9, từ các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho tới những nơi vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng có nhu cầu đầu tư. Chính phủ cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư về điện, đường, trường, trạm, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải theo nhu cầu xã hội, nhưng thực tế những lĩnh vực này rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. “Nếu muốn nhà đầu tư tư nhân làm đường thì mức thu phí đường bộ phải thật cao mới hoàn vốn được. Nhưng nếu phí đường bộ cao thì các công ty vận tải và người dân có chịu được không?”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng. Trong lĩnh vực y tế và giáo dục, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói, chỉ có một số dự án đầu tư ở các thành phố lớn được triển khai. Ở các tỉnh, thành phố còn lại, người dân không thể đủ “lực” để chi trả chi phí cho những bệnh viện, trường học tư.
 |
Một đoạn đường 32 của Hà Nội mới được đầu tư, mở rộng. Ảnh: Chiến Thắng.
|
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng giải thích, ở các nước phát triển, hầu như toàn bộ nguồn thu ngân sách được dùng cho chi thường xuyên. Nhưng do những điểm đặc biệt nêu trên, Việt Nam vẫn phải dành một phần đáng kể từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động đầu tư.
Nói về tỷ lệ đầu tư trong tổng chi ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay: “Năm 2013, nếu ngân sách Nhà nước thu được 100 đồng thì chỉ có 19 đồng được dành cho đầu tư phát triển. Những năm trước đây, chúng ta toàn dành 30 đồng, thậm chí là 40 đồng, cho đầu tư. Chúng ta giảm xuống 19 đồng, trong khi nhu cầu đầu tư thì rất lớn”. Trong khi đó, do thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc giãn, lui một số loại thuế, thì mức tăng thu ngân sách không còn đáp ứng được nhu cầu chi, đặc biệt là cho lĩnh vực đầu tư.
Tăng bội chi chỉ để đầu tư
Do nhu cầu chi, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước còn lớn, nên Chính phủ đang hướng tới việc đề xuất tăng trần bội chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các thành viên của Chính phủ đều khẳng định, toàn bộ phần bội chi trong năm 2014 sẽ chỉ được dùng để chi cho đầu tư phát triển và phải bảo đảm an toàn nợ công.
Một trong những giải pháp để tăng trần bội chi được Chính phủ đưa ra là phát hành trái phiếu Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên kế hoạch phát hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 với tổng mức khoảng 360.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, việc thực hiện kế hoạch trên sẽ vẫn bảo đảm an toàn nợ công.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ, năm 2013, Việt Nam bội chi 4,8%. Tính ra, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch là 185.000 tỷ đồng, cộng với 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác, làm tròn số là khoảng 230.000 tỷ đồng. Năm 2014, để kinh tế tăng trưởng được ở mức hợp lý, khoảng 5,5% và tốt hơn là 5,8%, thì vẫn phải có một phần đầu tư. Mức tối thiểu được tính toán là khoảng 255.000 tỷ đồng. “Cân đối tổng số thu và tổng số chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi lên 5,3%” và “nếu Quốc hội đồng ý cho tăng bội chi lên 5,3%, cộng với toàn bộ thu sử dụng đất, cộng với một phần thu từ khoáng sản, cộng với tiền xổ số kiến thiết, là phải chi cho đầu tư hết”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, toàn bộ phần bội chi trong năm 2013 phải được dùng cho đầu tư phát triển, “dứt khoát không thể dùng để ăn được”. “Tư lệnh ngành giao thông” cũng chỉ ra rằng, nhiều khoản chi không phát huy nhiều tác dụng, như chi cho cán bộ đi tham quan, học tập ở nước ngoài, có thể giảm bớt để giảm sức ép chi cho ngân sách Nhà nước. Tình trạng móc ngoặc giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp để trốn thuế và chia đôi tiền thuế trốn được cũng được Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc tới khi đề cập tới giải pháp chống thất thu thuế cho Nhà nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc tới hiện tượng này bằng từ ngữ thường được dùng trong thực tế là “băm đôi” để chia chác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định sự đồng tình với quan điểm “dứt khoát phải dùng phần bội chi cho đầu tư phát triển, không thể vay để ăn tiêu”.
Sau khi chia sẻ về những khó khăn, sự cần thiết và mục tiêu của việc tăng trần bội chi, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ bày tỏ: “Trong lúc khó khăn như vậy, đấy là giải pháp do Chính phủ đề xuất, tôi cũng mong đại biểu Quốc hội hiểu tình hình này, đặc biệt tình hình nhu cầu vốn đầu tư từ các địa phương”.
Trước đây không lâu, trong một lần diễn thuyết ở Việt Nam, Tiến sĩ Patrick Dixon (Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange) cũng đã từng dự đoán về nguồn lực từ ngân sách đầu tư phát triển ở Việt Nam có thể sẽ có khó khăn, nhưng tốc độ tăng sẽ cao và đó sẽ là cơ hội, là động lực tăng trưởng cho Việt Nam. Ông nói: “Có thể trong một vài năm nữa, Việt Nam không có nhiều tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng hãy tin tôi, chỉ trong 10 năm nữa, chúng ta sẽ thấy có những chi tiêu rất đáng kể vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, sẽ có những cảng biển lớn, sân bay lớn, con đường lớn hoặc những đầu tư trang thiết bị trong bệnh viện. Tất cả những cái đó đều là cơ hội, động cơ cho sự tăng trưởng”.
Nhiều người dự báo, đây sẽ là nội dung dành được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội sẽ là những người đưa ra quyết định về vấn đề quan trọng này trong kỳ họp sắp tới.
MINH THẮNG