QĐND - Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc cuộc họp Hội đồng Nga - NATO tại thành phố Xô-tri (Sochi, Nga), cả Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp (S.Lavrov) và Tổng thư ký NATO A.Ph.Ra-xmu-xen (A.F.Rasmussen) đều khẳng định, hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng về triển vọng thành lập Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD).

Tổng thống Nga Mét-vê-đép (bên phải) và Tổng thư ký NATO Ra-xmu-xen tại Xô-chi. Ảnh: msnbc.msn.com

 

Tổng thư ký NATO cho biết, NATO chưa đồng ý với quan điểm của Nga liên quan đến AMD. Còn Ngoại trưởng X.La-vrốp nhấn mạnh, hai bên có thể tìm kiếm được các hình thức hợp tác cùng chấp nhận và sẵn sàng tiếp tục đối thoại với nhau về vấn đề này. Ngoại trưởng La-vrốp tuyên bố, Nga ủng hộ việc thực hiện các quyết định của cuộc gặp thượng đỉnh Li-xbon (Lisbon, Bồ Đào Nha), nơi nguyên thủ quốc gia của 29 nước tham gia Hội đồng Nga - NATO đã bày tỏ nguyện vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và an ninh ngang nhau. Ngoại trưởng La-vrốp nhắc lại rằng, tại Hội nghị Li-xbon, Nga đã đề nghị mỗi bên bảo đảm thành lập "lá chắn tên lửa" ở một khu vực thuộc lãnh thổ châu Âu - Đại Tây Dương vì lợi ích của tất cả các nước châu Âu.  Trên thực tế, đề nghị này là phương án đối trọng với Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ có kế hoạch thành lập và đang gây ra sự lo ngại sâu sắc cho Mát-xcơ-va. Tại kỳ họp ở Xô-tri lần này, NATO cho rằng không cần thiết phải ký với Nga một cam kết có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến việc hệ thống phòng thủ tên lửa của các bên sẽ không nhằm vào nhau. Ông Ra-xmu-xen đưa ra quan điểm rằng, NATO và Nga từng chính thức tuyên bố không có ý định tấn công nhau, vì vậy không cần phải ký thêm cam kết liên quan đến vấn đề này. Ông cũng bày tỏ hy vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận về AMD trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Chi-ca-gô (Chicago, Mỹ) vào năm 2012.

Một chuyên gia Nga cho rằng, những lo lắng của Nga là có cơ sở. Khi chưa biết AMD sẽ hoạt động như thế nào, nước Nga không thể mạo hiểm trong khi Mỹ tiếp tục triển khai NMD, bởi những hệ thống này có thể sẽ cản trở các tên lửa chiến lược của Nga, thậm chí có thể tấn công các vị trí của Nga. Chuyên gia này nhấn mạnh, những bất đồng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa giữa Nga và NATO thực tế đã nảy sinh từ cuộc họp Hội đồng Nga - NATO cấp Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra đầu tháng 6-2011 tại Brúc-xen (Bỉ). Tại cuộc họp quan trọng này, hai bên cũng đã bế tắc vì không thể tìm được tiếng nói chung. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga, A.Xéc-điu-cốp (A.Serdyukov) khi đó đã bày tỏ quan ngại rằng, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ ở châu Âu thực sự là mối đe dọa lớn đối với an ninh Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đề xuất NATO nên xem xét lại tổng thể kế hoạch này dựa trên cả lợi ích của Mát-xcơ-va. Trong khi đó, Ngoại trưởng La-vrốp cũng từng khẳng định, tương lai quan hệ Nga - NATO phụ thuộc vào sự lựa chọn quan điểm chiến lược của khối này. Ngoại trưởng La-vrốp cho biết, Nga giữ quan điểm phải bảo đảm an ninh ngang nhau cho tất cả các nước, chứ không chỉ cho thành viên các khối quân sự, trong đó có NATO. 

Hoa Huyền