CNN ngày 14-10 dẫn tuyên bố của Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông chiến lược Mỹ John Kirby cáo buộc Saudi Arabia đã đẩy các quốc gia thành viên OPEC+ vào tình thế phải cắt giảm sản lượng dù không muốn: “Một số thành viên OPEC không đồng ý với việc Saudi Arabia thúc đẩy cắt giảm sản lượng và cảm thấy bị ép buộc trong cuộc bỏ phiếu”. Việc cắt giảm sản lượng sẽ “giúp Nga tăng nguồn thu từ dầu và làm giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt đối với Moscow”, vẫn theo lời ông Kirby. Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng vọt. Theo giới phân tích, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng của Đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ ngày 8-11 tới.
Cáo buộc trên là động thái mới nhất cho thấy cuộc “đấu khẩu” giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan tới quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hồi tuần trước vẫn đang hồi gay cấn.
 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến công du tới Saudi Arabia, ngày 15-7. Ảnh: Reuters
|
Trước những cáo buộc này, một số quốc gia Trung Đông cho rằng Mỹ đang tiến hành một chiến dịch truyền thông gay gắt nhắm vào Saudi Arabia, nhằm “chính trị hóa các quyết định đơn thuần về kinh tế cần thiết cho sự ổn định của nền kinh tế thế giới trước những thách thức nguy hiểm hiện nay”, theo lời Tổng thư ký Liên đoàn Arab Aboul-Gheit. Trước đó, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais cũng đã lên tiếng bảo vệ quyết định cắt giảm của OPEC+ bởi theo ông, có nhiều chỉ dấu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và quyết định này mang tính dự trù cho những bất trắc.
Về phía mình, Saudi Arabia cho hay yêu cầu của Mỹ đề nghị OPEC+ hoãn cắt giảm sản lượng “trong một tháng” sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế. Tiết lộ của Riyadh về việc chính quyền Mỹ yêu cầu Saudi Arabia trì hoãn việc cắt giảm cho đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã khiến những người chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden càng thêm tức giận. Đáp lại, Nhà Trắng tuyên bố Riyadh đang cố gắng “lật ngược” vấn đề. Phát biểu với phóng viên CNN, ông John Kirby cho biết Mỹ đang “đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia dựa trên những hành động này” và cân nhắc biện pháp đáp trả thích hợp.
Trong các biện pháp đang được Mỹ cân nhắc, có thể kể đến việc chính quyền Mỹ có khả năng ủng hộ dự luật NOPEC của lưỡng đảng, khiến các nước thành viên OPEC+ có thể vướng vào các vụ kiện chống độc quyền bằng cách thu hồi quyền miễn trừ đối với các công ty dầu mỏ đa quốc gia. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez thì kêu gọi đóng băng ngay lập tức quan hệ Mỹ-Saudi Arabia, chấm dứt việc bán vũ khí cho quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, điều này có thể đẩy Riyadh ngày càng xa khỏi tầm ảnh hưởng của Washington. Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với doanh thu xuất khẩu vũ khí đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm tài chính 2021.
Theo báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Saudi Arabia là khách hàng chủ chốt, chiếm 24% tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Tất nhiên, việc thay thế cơ sở hạ tầng quốc phòng của Mỹ là không khả thi trong trung hạn, song sự gia tăng các hạn chế của Washington đối với Riyadh, nếu có, lại tạo cơ hội cho các nhà cung cấp khác “hớt tay trên” của Mỹ thị trường béo bở này. Lâu nay, kể từ khi mối quan hệ với Washington lên xuống thất thường theo đồ thị hình sin, Riyadh đã và đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu vũ khí từ các đối tác Anh, Pháp, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi... Các chính sách hạn chế chỉ càng làm Riyadh thấy rõ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Washington.
Tuần trước, 3 nhà lập pháp Đảng Dân chủ còn đưa ra đề xuất “chấm dứt sự bảo vệ của Mỹ đối với các đối tác Vùng Vịnh” bằng cách rút quân khỏi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một thành viên khác của OPEC+. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc rút quân của Mỹ khó có thể xảy ra, vì nó sẽ để lại khoảng trống trong khu vực có thể bị lấp đầy bởi các đối thủ của Mỹ như Iran, Trung Quốc và Nga.
Dù là gì đi chăng nữa thì các biện pháp “ăn miếng trả miếng” đều chỉ làm suy giảm nghiêm trọng mối quan hệ đối tác kéo dài 8 thập kỷ giữa Mỹ với Saudi Arabia. Các chuyên gia cho rằng những biện pháp nêu trên nhằm trừng phạt Saudi Arabia là phi thực tế. Thay vào đó, Nhà Trắng có thể chọn thực hiện một biện pháp ít căng thẳng hơn, giúp Mỹ giữ thể diện, như lên tiếng khiển trách và tạm dừng các cuộc họp cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Saudi Arabia.
HÀ PHƯƠNG