QĐND - Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp quân đội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong hơn 10 năm qua, thực hiện chủ trương này, nhiều doanh nghiệp quân đội đã được cổ phần hóa và hiệu quả sau cổ phần hóa đã được khẳng định. Tuy nhiên, cũng còn có doanh nghiệp gặp khó khăn sau khi cổ phần và việc tiếp tục cổ phần hóa phải xét tới các yếu tố đặc thù...

Chậm nhưng chắc

Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam được khởi nguồn từ năm 1990, sau khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 143/HĐBT lựa chọn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa để thử chuyển đổi thành công ty cổ phần. Hơn 10 năm sau, các doanh nghiệp quân đội mới bắt đầu được thí điểm CPH khi Bộ Quốc phòng ban hành Văn bản số 2891/QP ngày 24-9-2001. Đến đầu năm 2002, bốn doanh nghiệp đầu tiên của quân đội đã được cổ phần là Công ty Gốm sứ 51-Bát Tràng (Binh chủng Công binh), Công ty Thuốc bảo vệ thực vật (Tổng cục Hậu cần), Nhà máy Nhựa bao bì Vinh (Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4) và Xí nghiệp xốp nhựa thuộc Công ty Điện tử Sao Mai (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Từ đó đến nay, đã có thêm hàng chục doanh nghiệp khác của Bộ Quốc phòng được CPH. Một số doanh nghiệp quân đội sau CPH đã được chuyển ra ngoài quân đội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và thành viên Ban đổi mới doanh nghiệp Trung ương, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội được tiến hành chậm hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước ngoài quân đội, nhưng đại đa số các doanh nghiệp quân đội sau CPH đều làm ăn có hiệu quả.

Tổng công ty 36 đã sẵn sàng cổ phần hóa. (Trong ảnh: Tổng công ty 36 sử dụng thiết bị hiện đại trong thi công đường Đông Trường Sơn). Ảnh: Nguyên Minh

Những mảng màu sáng, tối

Theo đánh giá của Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), một trong những đơn vị sáng giá nhất của các doanh nghiệp quân đội sau CPH là Tập đoàn Hà Đô. Tiền thân của tập đoàn này là Xí nghiệp Xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự được thành lập vào tháng 10-1990 với nhiệm vụ gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ làm kinh tế. Năm 1993, Xí nghiệp Xây dựng được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển thành Công ty Xây dựng Hà Đô. Năm 2005, Hà Đô được cổ phần hóa thành 9 công ty con và 3 công ty liên doanh có phần vốn góp của Công ty CP Hà Đô. Hà Đô hoạt động theo mô hình Tập đoàn (công ty mẹ, công ty con). Công ty mẹ chủ yếu kinh doanh bất động sản, các công ty con chủ yếu nhận thầu xây lắp. Trong khi các doanh nghiệp xây lắp và kinh doanh bất động sản khác vô cùng khó khăn phải giải thể, hoặc rút gọn thì Hà Đô vẫn nỗ lực tái cấu trúc, phát triển thêm nhiều dự án mới, mở rộng ngành kinh doanh, tuyển dụng bổ sung nhân sự và năm 2013 này có bước tăng trưởng khá so với năm 2012.

Ngoài những doanh nghiệp được chuyển sang mô hình cổ phần hóa, trong quân đội còn có một số doanh nghiệp được thành lập mới theo mô hình cổ phần bằng sự góp vốn của các đơn vị quân đội như Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC)… Các doanh nghiệp này đều làm ăn có hiệu quả, đúng pháp luật, trở thành những điểm sáng trong khối các doanh nghiệp cổ phần. Đặc biệt, MB sau gần 20 năm hoạt động đã có bước phát triển vững chắc. Ngân hàng này đang hướng tới một tập đoàn tài chính-ngân hàng mạnh. Mấy năm gần đây, MB luôn nằm trong top những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) cũng có bước tăng trưởng khá nhanh sau CPH. Công ty này vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập công ty và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Một số doanh nghiệp quân đội sau CPH cũng đã gặt hái thành công, giám đốc doanh nghiệp được bình chọn là doanh nhân tiêu biểu năm 2013 như Công ty cổ phần ACC243 (Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC, Quân chủng Phòng không-Không quân), Công ty cổ phần May 19 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Công ty cổ phần Than Sông Hồng (Tổng công ty Đông Bắc), Công ty cổ phần 32 và Công ty cổ phần 26 (Tổng cục Hậu cần).

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao sau CPH, vẫn còn có không ít doanh nghiệp của quân đội sau CPH trở nên khó khăn hơn do nhiều cán bộ quân đội rút khỏi doanh nghiệp, mô hình tổ chức mới chưa được vận hành tốt bởi đội ngũ cán bộ mới. Công ty cổ phần 565 của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là một ví dụ điển hình. Trước khi CPH, Công ty cổ phần 565 là Công ty xây dựng 565, một trong những doanh nghiệp mạnh nhất của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, liên tục là đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn. Đoàn 565 (phiên hiệu quân sự của Công ty xây dựng 565) đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động. Thế nhưng, sau khi CPH, do không được biên chế, nhiều sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp là cán bộ, nhân viên kỹ thuật; cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị đã xin phục viên, chuyển ngành, chuyển đơn vị… nên đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị bị hẫng hụt, đơn vị rơi vào tình trạng khó khăn. Một số doanh nghiệp quân đội khác sau CPH cũng rơi vào tình trạng bị thiếu hụt nguồn nhân lực như Công ty cổ phần 565.

Cần có lộ trình và bước đi thích hợp

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp thì việc tiếp tục CPH một số doanh nghiệp quân đội là cần thiết, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc điểm các doanh nghiệp quân đội có những đặc thù riêng, nên việc CPH các doanh nghiệp quân đội cần có lộ trình và bước đi thích hợp.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục CPH doanh nghiệp quân đội, mới đây, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 56/2013/TT-BQP hướng dẫn chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trong quân đội thành công ty cổ phần. Trước mắt sẽ có hai doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả của quân đội thực hiện CPH là Tổng công ty 36 và công ty TNHH một thành viên Trường An.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết: Được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng công ty 36 đang nghiên cứu thực hiện lộ trình cổ phần hóa. Sau 17 năm ra đời, phát triển với giai đoạn 7 năm đầu chỉ là một xí nghiệp thua lỗ, nợ nần, giai đoạn 10 năm (2003-2013), Tổng công ty 36 đã có sự phát triển vượt bậc, là đơn vị đầu tiên trong toàn quân thí điểm thành công mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên từ năm 2006. Hiện nay, với thương hiệu mạnh, bao gồm 11 công ty con và 6 đầu mối trực thuộc, hơn 2000 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và gần 10.000 lao động trong hợp đồng, nếu thực hiện thành công cổ phần hóa, Tổng công ty 36 sẽ mở ra một mô hình mới trong quản lý các doanh nghiệp quân đội. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, việc CPH theo Thông tư 56/2013 vẫn còn có không ít khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, vì thế rất cần cơ chế thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khi CPH và bảo đảm doanh nghiệp hoạt động ổn định sau CPH.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi tại các doanh nghiệp quân đội đã CPH và các doanh nghiệp quân đội đang trong lộ trình CPH thì có 4 vấn đề lớn cần phải được tiếp tục tháo gỡ cho các doanh nghiệp quân đội CPH, đó là chính sách đối với người lao động là quân nhân trong doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phần, công tác quản lý đối với đội ngũ cán bộ, sĩ quan và quyền bình đẳng giữa các công ty cổ phần với các doanh nghiệp Nhà nước khác.

Mặt khác, do tính đặc thù của doanh nghiệp quân đội, nên một số doanh nghiệp sau khi CPH vẫn là nơi dự trữ tiềm lực quốc phòng, khi cần thiết thì có thể chuyển ngay thành đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Do vậy, trong tổ chức biên chế rất cần đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng với tỷ lệ thích hợp để sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc phòng.

ĐỖ PHÚ THỌ