QĐND - Theo các nhà khoa học, động đất kích thích (ĐĐKT) ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc lý giải và tìm ra giải pháp khắc phục. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Giáo sư, TSKH Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, hiện chúng ta chỉ có tiêu chuẩn cho động đất kiến tạo nhưng chưa có tiêu chuẩn cho ĐĐKT, vì vậy, cần lập Ban soạn thảo gồm những nhà khoa học có trình độ chuyên môn liên quan lĩnh vực trên để nghiên cứu, đưa ra Bộ tiêu chuẩn ĐĐKT, làm cơ sở đánh giá an toàn các công trình thuộc hồ chứa thủy lợi và thủy điện ở Việt Nam.

Giáo sư, TSKH Vũ Trọng Hồng. Ảnh: Xuân Đức

- Thưa Giáo sư, trong trường hợp Việt Nam chưa tìm được tiêu chuẩn kỹ thuật về ĐĐKT trên thế giới, thì liệu  các nhà khoa học trong nước có đủ trình độ để nghiên cứu, đưa ra Bộ tiêu chuẩn này hay không?

- Theo tôi được biết, hiện chưa có nhà khoa học nào trong nước được đào tạo kỹ vấn đề này. Do đó, cần phải mời các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia đánh giá. Theo Luật Quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam, để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật mới trong điều kiện không có tiêu chuẩn nước ngoài tham khảo, thì phải thông qua tổng kết các công trình thực tế đã xảy ra ĐĐKT. Tức là tổng kết các thông tin, dữ liệu khoa học từ chính công trình Thủy điện Sông Tranh 2, thậm chí phải tìm lại dữ liệu liên quan đến ĐĐKT xảy ra ở Hòa Bình cách đây 20 năm trước. Đây là cái khó cho các nhà khoa học Việt Nam khi nghiên cứu về vấn đề này. Muốn có Bộ tiêu chuẩn về ĐĐKT, chúng ta phải có thời gian, vì động đất mới chỉ xảy ra ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, chúng ta còn phải chờ theo dõi Thủy điện Sơn La (vì thủy điện này đang trong quá trình tích nước) hoặc một vài công trình nào khác có xảy ra hiện tượng trên, để thu thập số liệu phục vụ cho việc xây dựng tiêu chuẩn. Đồng thời, các nhà khoa học của các chuyên ngành như địa chất, vật lý địa cầu, kỹ thuật công trình, phải ngồi lại với nhau phân tích, nghiên cứu thì mới có thể ra được Bộ tiêu chuẩn về ĐĐKT.

-  Theo Giáo sư, chúng ta cần bao nhiêu thời gian cho công việc này?

- Theo tôi, cần ít nhất là 3 năm và phải có 2 đến 3 công trình xảy ra hiện tượng như Thủy điện Sông Tranh 2 để các nhà khoa học thu thập số liệu thực tế, phục vụ cho xây dựng tiêu chuẩn. Vì thế,  ngay bây giờ phải lắp đặt ngay hệ thống quan trắc để đo các trận động đất ở các hồ chứa có đập dâng thuộc loại cao (xấp xỉ 100m). Muốn rút ngắn thời gian hoàn thành Bộ tiêu chuẩn thì cần phải có chuyên gia nước ngoài giúp chúng ta trong việc thực thi phần việc này. Tôi xin nói thêm, trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng Thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư đã không tính đến tâm động đất kích thích có thể xảy ra. Do đó, họ đã không tính đến khoảng cách an toàn cho các khu vực dân cư lân cận. Nay, khi động đất xảy ra, chủ đầu tư phải đền bù cho người dân. Theo tôi, trong việc đền bù phải theo nguyên tắc hỏng thì nâng thêm một cấp. Ví dụ, nhà đất thì phải nâng cấp lên thành nhà gạch, nhà gạch phải nâng cấp lên nhà xi măng.   

Toàn cảnh Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Tiến Dũng

- Thủy điện sông Tranh 2 đang cần có Bộ tiêu chuẩn về ĐĐKT. Nếu lâu quá, mọi chuyện "đã rồi" thì liệu Bộ tiêu chuẩn này ra đời còn có ý nghĩa gì, thưa Giáo sư?

- Điều đầu tiên vẫn phải xúc tiến mọi công việc để xây dựng được Bộ tiêu chuẩn về ĐĐKT do hồ chứa nước gây ra. Mặt khác, lấy các số liệu thực tế về ĐĐKT của công trình Thủy điện Sông Tranh 2 kết hợp với những tài liệu về an toàn hồ đập do các Bộ đã ban hành để có phương án cảnh báo và phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho người dân ở hạ du công trình. Hội khoa học địa vật lý Việt Nam đã xuất bản dạng tờ rơi nhằm hướng dẫn người dân tự bảo vệ khi động đất xảy ra, cũng như Quân khu 5 đã lên phương án giúp dân sơ tán khi hồ chứa Thủy điện sông Tranh 2 có khả năng bị vỡ đều là những việc làm tốt.

Theo tôi nghĩ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nên đứng ra để lập Ban soạn thảo xây dựng “Tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về ĐĐKT do hồ chứa nước gây ra”. Hiện VUSTA đã tiến hành họp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này để chuẩn bị nội dung trình lên Quốc hội.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!   

Theo Giáo sư Vũ Trọng Hồng, thời gian tới cơ quan chức năng cần giám sát tình trạng rung động nền đất ở các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chứ không chỉ dừng ở Thủy điện Sông Tranh 2, như lắp trạm quan trắc tại đập Thủy điện Sông Bung và Thủy điện A Vương, để xem quá trình tích nước ở đó có xảy ra ĐĐKT hay không, rồi so sánh với hiện tượng của Thủy điện Sông Tranh 2. Từ đó, chúng ta mới có thể tổng kết, nghiên cứu và đưa ra Bộ tiêu chuẩn về ĐĐKT ở Việt Nam.

Lê Xuân Đức (thực hiện)