 |
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
|
QĐND - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường mà Chính phủ vừa đưa ra trong Nghị quyết 13/NQ-CP là rất cần thiết nhưng có lẽ mới chỉ là giải pháp ngắn hạn, ban đầu. Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch khi thực hiện thì các giải pháp đúng đắn nói trên mới đem lại hiệu quả cao.
Mua nợ xấu, bảo lãnh tín dụng, giải quyết hàng tồn kho
- Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông đánh giá thế nào về gói giải pháp của Chính phủ?
- Chúng tôi cho rằng, việc Chính phủ đưa ra gói giải pháp là hết sức cần thiết, đáp ứng được lòng mong mỏi của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây có lẽ mới chỉ là các giải pháp ban đầu, có tính chất ngắn hạn, chưa phải là những giải pháp cơ bản. Trong gói giải pháp có các biện pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, gia hạn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian (riêng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải đợi sự chấp thuận của Quốc hội - PV), giảm tiền thuê đất... Như thế, chỉ những doanh nghiệp còn đang hoạt động, còn có khả năng đóng thuế thu nhập, còn có lãi mới thuộc diện hưởng những chính sách này. Những doanh nghiệp đã không còn doanh thu, không còn đủ sức hoạt động thì chưa được hưởng gì từ các biện pháp này. Trong khi số lượng các doanh nghiệp thuộc diện nói trên là rất lớn. Vì thế, các cơ quan của Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, đưa ra thêm các giải pháp nhằm cứu được số lượng lớn các doanh nghiệp dạng này.
- Thưa ông, theo quan điểm của một số chuyên gia thì nguồn lực của Nhà nước không đủ để trợ giúp cho tất cả doanh nghiệp khó khăn, mà chỉ hỗ trợ được những doanh nghiệp còn có khả năng tồn tại, sàng lọc, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém. Nếu thế, các doanh nghiệp đã phá sản hoặc sắp phá sản thì liệu có nên được cứu?
- Tôi đồng ý rằng trong kinh tế thị trường, phá sản không phải là tận thế, mà là chuyện bình thường. Lý thuyết về kinh tế cho rằng: Phá sản là "sự tàn phá sáng tạo". Nhà xưởng vẫn còn đó, máy móc vẫn còn đó, công nhân vẫn còn đó. Ông chủ kém thì bị thay thế bằng ông chủ khác, sẽ cho ra cách vận hành khác đem lại hiệu quả cao hơn với bộ máy sẵn có. Chính "sự tàn phá sáng tạo" đó làm cho kinh tế thị trường vẫn luôn phát triển, mặc dù luôn có những doanh nghiệp phá sản.
Nhưng chúng ta cần phải phân loại rõ, trong số những doanh nghiệp đang "hấp hối", thậm chí đã "chết" thì có loại đáng "chết" và loại bị "chết" oan. Ví dụ, trong số các doanh nghiệp xây dựng, xuất khẩu có rất nhiều doanh nghiệp "chết oan" từ những khó khăn chung của thị trường trong nước và thế giới... Vì thế, cần phải đưa ra một bộ tiêu chí, dựa vào đó để phân định xem doanh nghiệp nào là doanh nghiệp tốt (như có hợp đồng, có khách hàng trong nước và quốc tế, suốt quá trình là đơn vị sản xuất, kinh doanh tốt, không nợ thuế, không có nợ xấu ở ngân hàng) nhưng do khó khăn chung nên bị đẩy đến dừng sản xuất, thậm chí phá sản; doanh nghiệp nào yếu kém thật sự (công nghệ lạc hậu, chiến lược bán hàng kém, không có khách hàng, làm ăn chụp giật)... Từ đó, sẽ quyết định xem nên cứu doanh nghiệp nào và doanh nghiệp nào thì phải cho phá sản. Nếu biết cách làm thì việc cứu các doanh nghiệp vừa hỗ trợ được cho nền kinh tế, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội, lại vừa đem lại các khoản lợi trực tiếp cho ngân sách Nhà nước.
- Ông nói các biện pháp được đưa ra hiện nay mới là các giải pháp ban đầu, ngắn hạn. Vậy theo ông, các giải pháp nên được đưa ra tiếp theo là gì?
- Có ba việc cần làm: Mua nợ xấu, bảo lãnh tín dụng và giải quyết hàng tồn kho. Nhà nước nên đứng ra mua nợ xấu của một số công ty "tốt" thuộc dạng tôi đã nói ở trên. Khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp làm ăn có lãi, Nhà nước bán lại khoản nợ đã mua, sẽ có lãi. Trong thời gian này, Chính phủ nên đẩy mạnh giải ngân vốn cho các công trình ODA, công trình đầu tư công để giúp các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất xi măng, sắt thép có thể hoạt động lại được.
Nhân dịp được giảm thuế, những doanh nghiệp đang bị tồn kho nên giảm giá bán, đưa hàng về nông thôn... Ngoài ra, lãi suất phải tiếp tục giảm và ngân hàng phải tăng khả năng cho vay. Tuy nhiên, muốn tăng khả năng cho vay của ngân hàng thì phải xây dựng được quỹ bảo lãnh tín dụng để tránh rủi ro cho ngân hàng. Vì thực chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu buộc ngân hàng phải cứu doanh nghiệp mà không có các biện pháp kèm theo thì khác nào đẩy ngân hàng vào cuộc chơi rủi ro.
Muốn giải cứu doanh nghiệp hiệu quả, cần phải có bộ tiêu chí
- Ông nghĩ thế nào về vai trò của tính minh bạch trong khi triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp?
- Qua việc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Binhanfishco) vừa được "cứu", một số doanh nghiệp đang khó khăn cũng sẽ băn khoăn, không hiểu mình có được "cứu" như thế không? Tính minh bạch, sòng phẳng trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, nếu không thì nguồn lực từ gói giải cứu sẽ dễ bị thao túng bởi các mối quan hệ cá nhân, các nhóm lợi ích. Nếu tiêu chí không cụ thể, công ty bất động sản có thể mua lại công ty thủy sản để lấy danh nghĩa công ty này hưởng trợ giúp. Như vậy, trợ giúp có thể không đúng địa chỉ, hiệu quả của việc giải cứu sẽ không được như mong đợi.
Nhìn lại gói hỗ trợ lãi suất như đã từng làm năm 2009, chúng tôi thấy nhiều chỗ không ổn. Gói hỗ trợ lãi suất ấy là một sự can thiệp làm méo mó thị trường tín dụng, sinh ra tiêu cực. Có những doanh nghiệp được vay ưu đãi 4% đến mấy lần, còn nhiều doanh nghiệp lại không được. Việc hỗ trợ lãi suất lúc đó đã không được làm công khai minh bạch.
- Ông vừa nhắc đến việc phải có bộ tiêu chí để từ đó xác định đúng đâu là doanh nghiệp tốt, đâu là doanh nghiệp yếu kém? Vậy theo ông, nên để cơ quan nào đưa ra bộ tiêu chí đó?
- Bộ tiêu chí phải được xây dựng bởi 3 đầu mối, đó là: Các hiệp hội, ngành hàng; các ngân hàng và cơ quan thuế. Đây là những đơn vị sâu sát nhất, biết thực chất của doanh nghiệp.
- Gói giải cứu được tính toán có trị giá tương đương 29.000 tỷ đồng. Theo ông, mức đó đã đủ để giải quyết các khó khăn hiện nay của doanh nghiệp hay chưa?
- Cách làm quan trọng hơn là việc cần bỏ ra bao nhiêu tiền. Nếu làm khéo thì không tốn kém. Để giải cứu nền kinh tế, chính phủ một số nước cũng đã mua nợ xấu, cử người vào hội đồng quản trị của công ty để giám sát việc cải cách. Khi cổ phiếu của công ty đó tăng lại thì chính phủ bán, hoàn vốn, thậm chí thu lãi. Vốn bảo lãnh tín dụng, mua lại nợ xấu là vốn "mồi", hay là vốn bắc cầu.
Theo tính toán, gói cứu trợ vừa được công bố trị giá 29.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước sẽ chỉ trực tiếp giảm thu khoảng 9000 tỷ đồng, còn những khoản khác chỉ là tạm tính, thật ra Nhà nước không "mất". Nếu để hệ thống doanh nghiệp ốm yếu như tình trạng hiện tại thì đất nước còn mất nhiều hơn nữa. Bởi vì, nếu không được cứu thì doanh nghiệp không hoạt động được nữa, lấy gì để Nhà nước thu? Vì thế, phải làm sống lại doanh nghiệp, có tăng trưởng thì mới có nguồn thu. Và quan trọng hơn, những tác động xấu cho xã hội do doanh nghiệp phá sản, đình đốn sản xuất là rất nghiêm trọng. Thất nghiệp sẽ đi kèm với mất an ninh, bất ổn xã hội.
Nên giảm thuế để dưỡng sức cho nền kinh tế
- Nhiều người đã kêu gọi Chính phủ miễn thuế cho doanh nghiệp trong thời gian này. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Theo tôi, không nên miễn thuế. Bởi miễn thuế thì Nhà nước lấy đâu ra ngân sách để chi. Có thu, có chi mới tạo ra sự cân bằng. Nghĩa vụ của người dân là có thu nhập thì phải đóng thuế. Đó là triết lý bất di bất dịch.
Theo tôi, nên giảm thuế. Giảm thuế không những không giảm thu mà có thể còn làm tăng thu. Bởi việc giảm thuế sẽ dưỡng sức cho doanh nghiệp, kích thích sản xuất. Một mức thuế vừa phải, kỷ luật thuế nghiêm minh là điều cần hướng tới.
Đường cong Laffer chỉ ra rằng: Nếu thuế suất bằng không thì Nhà nước không thu được đồng nào. Nếu thuế suất bằng 100% thì Nhà nước cũng không thu được đồng nào (vì không ai dại gì mà làm bao nhiêu, Nhà nước thu hết). Số tiền thuế tối đa thu được không phải đến từ việc đánh thuế quá cao, mà đến từ mức thuế người ta sẵn sàng chấp nhận, nếu không thì người ta sẽ trốn thuế. Kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy, khi giảm thuế suất, Nhà nước thu được nhiều tiền thuế hơn.
Mức thuế của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực rất nhiều. Mức thuế giá trị gia tăng cao nhất ở Hồng Công chỉ 15%, mà tại Việt Nam có loại lên tới 25%. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam lên tới 28%, trong khi mặt bằng các nước trong khu vực là 15%... Như thế, doanh nghiệp sẽ rất khó để cạnh tranh.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải là ưu tiên số 1
- Mối lo lạm phát vẫn còn thường trực, gây ra sự dè dặt nhất định cho việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Ông đánh giá thế nào về mối lo này?
- Hiện nay, mối lo lạm phát đã trở thành thứ yếu so với mối lo kinh tế trì trệ, không tăng trưởng được. Vì thế, cần kết hợp khéo léo và hài hòa giữa việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và giảm lạm phát. Trong đó, vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục được những trì trệ của nền kinh tế đang phải là ưu tiên số 1.
Doanh nghiệp đang không dám vay. Ngân hàng đang không cho vay được, có nguy cơ bị ứ vốn. Nếu tiếp tục kéo dài, nền kinh tế sẽ bị trì trệ. Nhiều ngân hàng ngồi trên "đống" tiền mà không cho vay được, thế thì ngân hàng cũng khó khăn vì không trả được lãi suất huy động.
Chính phủ cần phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Bây giờ chưa gặp đã là hơi muộn. Sau khi thực hiện các giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp, thì cần tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, cải cách thuế.
- Xin cám ơn ông.
HỒ QUANG PHƯƠNG (thực hiện)