Khi người dân tại nhiều nơi trên thế giới ở nhà, hạn chế tập trung đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì tại Zimbabwe, người dân vẫn phải đổ ra đường để lấy... nước. Khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt đã cản trở nỗ lực chống Covid-19 không chỉ của riêng Zimbabwe.
Theo tờ South China Morning Post, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại Zimbabwe buộc người dân ở nhiều thành phố của quốc gia châu Phi này phải mạo hiểm ra đường lấy nước ở các giếng công cộng, bất chấp virus SARS-COV-2 đang tấn công “lục địa đen”. Nói về việc làm cực chẳng đã này, bà Marian Chiroodza, sống ở thị trấn Chitungwiza, cách thủ đô Harare của Zimbabwe 30km về phía đông nam than thở:“Nếu ở nhà mà không có nước, tôi vẫn có thể chết vì dịch tả hoặc thương hàn. Tôi cần nước để nấu ăn và sinh hoạt. Vì vậy, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đến giếng công cộng mỗi ngày để lấy nước vì nước máy tại nhà rất ít khi có”.
 |
Trẻ nhỏ ở Zimbabwe đi lấy nước. Ảnh: dantri.com.vn. |
Việc người dân Zimbabwe, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bỏ qua các quy định giãn cách xã hội để đi lấy nước khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tại đây gia tăng. Có lẽ, mối lo ngại hiện tại của không chỉ riêng người dân Zimbabwe mà còn của nhiều người dân các quốc gia châu Phi nghèo khó khác là làm thế nào để duy trì cuộc sống hằng ngày chứ không phải là dịch bệnh.
Ngay từ khi Covid-19 lan ra các quốc gia ngoài Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã vô cùng lo lắng về kịch bản châu Phi sẽ không miễn nhiễm trước dịch bệnh này. Các chuyên gia y tế cho rằng, tại “lục địa đen”, Covid-19 sẽ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn ở các châu lục khác, bởi hầu hết các quốc gia ở khu vực này đều nghèo và phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tại châu Phi cũng thường xuyên xảy ra dịch bệnh khác như bệnh sởi, sốt rét và nhiều bệnh dễ lây nhiễm.
Những người nghèo, người yếu thế trong xã hội là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi dịch bệnh hoành hành. Với họ, sự sợ hãi trước virus gây dịch bệnh đã bị nỗi lo về miếng cơm manh áo hằng ngày lấn át. Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù đã nhận được nhiều gói hỗ trợ lớn cùng các cam kết về giãn, giảm, xóa các khoản nợ, nhưng châu Phi vẫn cần thêm 44 tỷ USD để đối phó với Covid-19.
THÙY LINH