Không phải là diễn đàn hòa bình đầu tiên cho Syria nhưng hội nghị ở Sochi lần đầu tiên tập hợp được một lực lượng khá hùng hậu đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội, các nhóm sắc tộc, tôn giáo, gồm cả các phe nhóm đối lập bên trong và bên ngoài Syria. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Syria hơn 7 năm trước, đại diện chính quyền và các phe nhóm đối lập đã đối thoại trực tiếp với nhau mà không phải thông qua trung gian hòa giải. Qua đó thúc đẩy lòng tin, tạo dựng môi trường cởi mở, thay vì đối đầu trên chiến trường bằng súng đạn, người dân Syria có thể ngồi lại cùng bàn thảo về tương lai đất nước.

Cho dù không có sự hiện diện của phái đoàn chính thức đại diện cho tất cả phe phái đối lập ở Syria, hội nghị ở Sochi đã góp phần thu hẹp dần những mâu thuẫn vốn chất chồng giữa các bè phái, sắc tộc và tôn giáo ở quốc gia này. Các bên đã nhất trí về một giải pháp chính trị được cho là phù hợp với tình hình thực tiễn ở Syria hiện nay. Đáng kể nhất là việc đạt được Tuyên bố chung gồm 12 điểm, trong đó đặt ra những nguyên tắc cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Một trong những nguyên tắc được nêu bật là “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái… không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính”, góp phần truyền đi bức thông điệp về ý nguyện hòa giải của người dân Syria.

Các đại biểu tham dự Đại hội ở Sochi ngày 30-1. Ảnh: TTXVN

Hội nghị ở Sochi thực sự là diễn đàn thúc đẩy hòa giải dân tộc, được tổ chức kịp thời và rất cần thiết cho Syria trong bối cảnh xung đột và bạo lực đang có nguy cơ leo thang trở lại ở quốc gia này. Đây có thể coi là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở Syria sau rất nhiều nỗ lực bất thành của cộng đồng quốc tế suốt nhiều năm qua.

Hội nghị ở Sochi vạch ra lộ trình cho tương lai của Syria với việc xây dựng một hiến pháp cải tổ mà dựa vào đó, quốc gia này có thể tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Một trong những văn kiện quan trọng được đồng thuận tại hội nghị là việc thành lập Ủy ban soạn thảo hiến pháp gồm 150 thành viên với đại diện của cả chính quyền và phe đối lập.

Và trên tất cả là nguyên tắc có thể coi là chủ đạo và xuyên suốt nêu rõ quan điểm “chỉ người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai đất nước” thông qua bầu cử, các phương thức dân chủ mà không bị áp lực hay can thiệp từ bên ngoài. Trước thực tế đất nước Syria luôn nằm trong tầm ngắm lợi ích địa chiến lược của một số nước trong và ngoài khu vực cùng những động thái được cho là chỉ khiến tình hình Syria thêm phức tạp, đây là một nguyên tắc rất cần được đề cao cũng như cần sự tôn trọng của các bên liên quan.

Như vậy có thể khẳng định: Hội nghị ở Sochi vượt lên được những nghi kỵ liên quan đến sự chi phối về lợi ích của các bên ở Syria. Những nguyên tắc cơ bản đạt được tại hội nghị cho thấy đây thực sự là diễn đàn đối thoại của người dân Syria chứ không phải là nơi để các nước bên ngoài bảo vệ lợi ích của mình. Nó thực sự được tổ chức là vì quyền lợi của người dân Syria, vì tương lai hòa bình và ổn định cho đất nước Syria.

Cho dù những kết quả đạt được ở Sochi là đáng khích lệ, nhưng để thực hiện được những gì đã vạch ra lại là một câu chuyện dài. Một trong những khó khăn có thể thấy rõ là các bên vẫn chưa đồng thuận về những mâu thuẫn then chốt. Điểm bế tắc mấu chốt vẫn nằm ở số phận của Tổng thống Syria Al-Assad. Vấn đề nhạy cảm này không được đề cập tại hội nghị ở Sochi bởi nếu động đến, nguy cơ thất bại là khó tránh khỏi. Trong khi phe đối lập một mực đòi ông Al-Assad từ bỏ quyền lực và coi đây là điều kiện tiên quyết để mang lại hòa bình cho Syria thì Chính phủ Syria nhất định không chấp nhận. Chính mâu thuẫn dai dẳng này là một trong những nguyên nhân khiến các vòng hòa đàm vừa qua do Liên hợp quốc bảo trợ liên tục bế tắc.

Ngoài ra, sự thiếu vắng đại diện của nhiều phe đối lập chủ chốt ở Syria, bao gồm đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD), cũng khiến việc thực hiện các mục tiêu đề ra ở Sochi trở nên khó khăn hơn. Việc hội nghị diễn ra trong bối cảnh xung đột vẫn diễn ra ác liệt tại một số nơi ở Syria là bằng chứng rõ nhất cho thấy các mục tiêu hòa bình cho Syria không dễ gì đạt được. Bởi không phải phe đối lập nào ở Syria cũng sẵn sàng lựa chọn đối thoại thay vũ khí để hóa giải bất đồng cho đến khi họ đạt được các mục tiêu chính trị và lợi ích đang theo đuổi.

Mặc dù được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, hội nghị ở Sochi không nhận được sự đồng tình của Mỹ và một số nước phương Tây vốn ràng buộc lợi ích ở Syria. Việc thực thi giải pháp chính trị cho Syria khó lòng thực hiện nếu không có sự hợp tác của các nước này, bởi họ cũng không dễ gì để các đối thủ khác vượt lên giành lợi thế trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Syria cũng như khu vực Trung Đông.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, Staffan de Mistura, hoan nghênh kết quả của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, coi đây là một đóng góp quan trọng đối với tiến trình hòa đàm Syria do Liên hợp quốc bảo trợ. Tuy nhiên, những trở ngại có thể lường trước được cho thấy, dù kết quả đạt được ở Sochi là đáng khích lệ, nhưng việc lạc quan về triển vọng chấm dứt cuộc xung đột ở Syria lúc này là quá sớm. Đích hòa bình cho Syria vẫn còn xa vời bởi những trở ngại gặp phải ngay từ những bước khởi động đầu tiên.

MỸ HẠNH