“Có thời điểm, làng nghề Bát Tràng có tới 700 lò gốm hoạt động. Chỉ cần mỗi ngày 100 lò nổi lửa dưới cái nóng 35 độ C thì đủ thấy không khí ở đây oi nồng và môi trường bị ô nhiễm như thế nào”. Đó là phát biểu của ông Trần Minh Phất, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tại cuộc tọa đàm “Cựu chiến binh thành phố Hà Nội tham gia bảo vệ môi trường” vừa được tổ chức cuối t
QĐND - “Có thời điểm, làng nghề Bát Tràng có tới 700 lò gốm hoạt động. Chỉ cần mỗi ngày 100 lò nổi lửa dưới cái nóng 35 độ C thì đủ thấy không khí ở đây oi nồng và môi trường bị ô nhiễm như thế nào”. Đó là phát biểu của ông Trần Minh Phất, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tại cuộc tọa đàm “Cựu chiến binh thành phố Hà Nội tham gia bảo vệ môi trường” vừa được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua.
Câu chuyện quanh 700 lò gốm mà ông Phất nhắc đến là chuyện của hơn 10 năm trước, khi mà các lò gốm ở Bát Tràng được sản xuất chủ yếu theo công nghệ đun gốm bằng than. Tính ra, hằng tháng người dân phải dùng tới hàng nghìn tấn than củi làm nhiên liệu cho các lò gốm hoạt động. Ngoài ra, để có những màu men rực rỡ trên các sản phẩm gốm sứ, người dân Bát Tràng đã phải “đổi” lấy sự thiệt thòi là môi trường sinh hoạt bị ô nhiễm khá nặng. Trời nắng, các hộ gia đình phải chịu đựng không khí ô nhiễm do nóng bức, khói bụi, tiếng ồn của xe công nông, của các loại máy móc... Trời mưa lại càng ngột ngạt do lượng khói và khí than độc hại không thể bốc hoặc thoát lên được... Để giải quyết vấn đề ô nhiễm từ khói than, từ năm 2000, Hội Cựu chiến binh xã Bát Tràng đã vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong việc đổi mới công nghệ: Chuyển từ lò đốt bằng than sang lò đốt gas. Việc thực hiện ở thời điểm ấy gặp khá nhiều vướng mắc do khâu đầu tư dây chuyền mới cần số vốn lên tới hàng trăm triệu đồng và không phải hộ gia đình nào cũng có thể đáp ứng ngay được. “Hồi đó, các hội viên cựu chiến binh chúng tôi xác định mình ít vốn thì lắp đặt lò gas nhỏ, dần dà nhiều hộ thấy hợp lý nên đã làm theo phương án này. Bây giờ thì toàn xã đã có tới 400 lò đốt bằng gas trong tổng số hơn 530 lò gốm đang hoạt động”, Cựu chiến binh Trần Minh Phất nhớ lại. Theo ông, sở dĩ hiện nay vẫn còn các hộ sử dụng công nghệ nung gốm bằng than củi là do mặt bằng cơ sở sản xuất chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn để lắp đặt lò gas.
Câu chuyện người Bát Tràng nung gốm bằng gas đã được nhiều làng nghề khác trên địa bàn Hà Nội tới học tập kinh nghiệm. Tại đây, họ được chứng kiến đường làng ngõ xóm ở Bát Tràng không còn ồn ã tiếng xe công nông vận chuyển than củi, các loại rác thải tại nguồn đã được UBND xã Bát Tràng phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Gia Lâm tổ chức phân loại, thu gom và chuyển về bãi rác tập trung để xử lý. Môi trường làng nghề đã có những tín hiệu khả quan ngay sau khi thực hiện bước chuyển đổi về công nghệ sản xuất và sự góp sức của các hội viên cựu chiến binh - những người luôn gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bùi Vũ Minh