"161/183 doanh nghiệp được kiểm toán duy trì tốt hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, còn một số tổng công ty đã không những không phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chưa tương xứng với lợi thế và đầu tư của Nhà nước mà còn chịu thua lỗ lớn. Đáng báo động là tình trạng "lãi giả, lỗ thật". Đây là ý kiến của Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái tại cuộc họp báo công khai Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009 diễn ra tại Hà Nội trong ngày hôm qua (29-7).
 |
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thua lỗ nhưng chưa được kiểm toán. Ảnh: Internet
|
Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, trong năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của 183 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 31 tổng công ty Nhà nước và các tổ chức tài chính-ngân hàng. Theo kết quả kiểm toán, tuy chịu tác động của suy thoái kinh tế, nhưng có đến 161/183 số doanh nghiệp được kiểm toán vẫn duy trì tốt hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao. Tuy nhiên, còn một số tổng công ty đã không những không phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chưa tương xứng với lợi thế và đầu tư của Nhà nước mà còn chịu thua lỗ như Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Bộ Xây dựng) lỗ lũy kế 39 tỷ đồng; Tổng công ty Công trình giao thông 6 (Bộ Giao thông Vận tải) lỗ trong năm 2008 gần 68 tỷ đồng, lỗ lũy kế 149 tỷ đồng.
Cũng theo kết quả kiểm toán, về cơ bản, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã phản ánh đúng đắn tình hình tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh. Thế nhưng, vẫn còn một số doanh nghiệp còn thiếu trung thực trong báo cáo, công tác hạch toán kế toán còn nhiều sai sót phải điều chỉnh. Điển hình là Tổng công ty Cà phê Việt Nam tuy báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng thực chất lại lỗ lũy kế đến 525 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng "lãi giả, lỗ thật" như trên là do quản lý tài chính ở nhiều tổng công ty còn yếu kém. Rất nhiều tổng công ty lớn để tồn tại các khoản nợ khó đòi cao như Tổng công ty Lương thực miền Nam có khoản nợ khó đòi 56 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác là do tồn tại tình trạng thiếu minh bạch trong việc kiểm tra, kiểm soát nội
"Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính để Bộ Tài chính chỉ đạo Hội đồng Quản trị của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) kiểm tra làm rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục những tồn tại, sai sót trong công tác quản lý tài chính kế toán, xây dựng đơn giá, quyết toán và phân phối quỹ tiền lương; cơ chế điều tiết thu nhập từ các khoản thù lao, phụ cấp, thưởng của người đại diện vốn Nhà nước của SCIC; quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước". (Nguồn: Kiểm toán Nhà nước)
|
bộ của một số doanh nghiệp xây dựng thực hiện cơ chế khoán dẫn đến nhiều khoản phải thu, tạm ứng không quyết toán. Hậu quả không thể tránh khỏi là để tồn những khoản nợ lớn, khó có khả năng thu hồi, tiềm ẩn gây lỗ lớn trong tương lai cho chính các doanh nghiệp này. Tổng công ty Cơ khí Xây dựng có tổng nợ khó đòi lên tới 118,6 tỷ đồng trong đó có rất nhiều khoản tạm ứng vượt tỷ lệ khoán nội bộ do nhiều cán bộ đã chuyển công tác, không còn khả năng thu hồi. Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 cũng để nợ khó đòi lên đến 46,4 tỷ đồng và đã buộc phải trích lập dự phòng gần 28 tỷ đồng…
Công tác quản lý vật tư, hàng hóa tại các tổng công ty cũng còn nhiều bất cập. Một số đơn vị không kiểm kê hàng hóa tồn kho khi khóa sổ kế toán, không trích hoặc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không đủ căn cứ, chưa tuân thủ quy định về mua vật tư, hàng hóa. Trong lĩnh vực xây dựng, "lãi giả, lỗ thật" còn là do sự thiếu trách nhiệm trong kiểm kê, đánh giá giá trị sản phẩm dở dang cuối năm và trong kiểm kê các khoản chi phí lớn phát sinh ở một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy điện nước (30 tỷ đồng) hay Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy điện nước số 3 (25,8 tỷ đồng).
Có 10 tổng công ty đầu tư tài chính ra ngoài ngành vào các lĩnh vực: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư. Có nhiều ưu đãi trong việc góp vốn song một số tổng công ty như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, giao dịch trên sàn chứng khoán thua lỗ dẫn đến phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đến gần 60 tỷ đồng.
Một vấn đề đáng báo động nữa là việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (nộp thuế) ở khối doanh nghiệp Nhà nước. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều kê khai thiếu thuế và các khoản phải nộp về ngân sách Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách 548 tỷ đồng (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp 346 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 111,7 tỷ đồng…).
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) không phải là đối tượng kiểm toán trong hai năm qua. Song hơn một nửa số câu hỏi mà các nhà báo đặt ra cho Kiểm toán Nhà nước hôm qua đều xoáy vào câu chuyện thua lỗ, nợ nần của tập đoàn này. Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc thanh tra Vinashin, vì vậy để tránh chồng chéo, sẽ không đưa tập đoàn này vào kế hoạch kiểm toán ngay năm nay. Đại diện cho Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - Phó chủ nhiệm Đinh Trịnh Hải cũng cho biết: Quốc hội rất quan tâm tới câu chuyện Vinashin và liên tiếp tổ chức những buổi chất vấn Chính phủ, thành viên Chính phủ về vấn đề này. Năm ngoái, Quốc hội đã có báo cáo giám sát về tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinashin và đưa ra cảnh báo với Chính phủ. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động giám sát, Quốc hội không thể trực tiếp đi sâu, đi sát từng vấn đề cụ thể.
Đỗ Hải Hà