QĐND - Tham gia bảo hiểm là cách để khách hàng được chia sẻ rủi ro khi gặp chuyện không may. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm không được hưởng quyền lợi chính đáng và phải tự mình bỏ tiền túi ra đền bù. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số doanh nghiệp bảo hiểm chậm trễ hoặc phớt lờ việc bồi thường cho khách hàng với nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, nhiều người tham gia bảo hiểm chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi và quy tắc bảo hiểm.

Xe ô tô được công ty bảo hiểm BVI Bến Thành chi trả sửa chữa

 

Sản phẩm nhiều, khiếu nại tăng

Trong lúc thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm, thì thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Theo báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 9.788 tỷ đồng, tăng 15,26% so với cùng kỳ năm 2010. Mục tiêu đến cuối năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành ở cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ sẽ đạt 35.290 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2010.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư tốt. Với dân số hơn 87 triệu người, cùng với nhu cầu tham gia bảo hiểm tăng cao và sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo vẫn phát triển mạnh trong những năm tới. Hiện tại, có hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đưa ra hơn 800 sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.

Mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm đang cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm, nhưng khiếu nại của người tham gia bảo hiểm vẫn tăng trong thời gian gần đây. Theo ông Nguyễn Tường Minh, Tổng Thư ký Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, số người tìm đến Hội nhờ giúp đỡ và khiếu nại các công ty bảo hiểm ngày càng nhiều. Ông Minh cho biết, Hội cũng thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại phản ánh về chất lượng dịch vụ và công tác giải quyết bồi thường yếu kém của các công ty bảo hiểm.

Gần đây, Công ty Bảo vệ Đất Việt, có trụ sở tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cũng đã nhờ đến Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh khiếu nại Công ty bảo hiểm SHB Vinacomin về việc từ chối chi trả bảo hiểm cho 6 vụ việc, trong đó có vụ xảy ra từ tháng 2-2010. Ông Trần Văn Thụ, đại diện Công ty Bảo vệ Đất Việt rất bức xúc: “Thời gian giải quyết đền bù quá lâu do công ty bảo hiểm yêu cầu chúng tôi phải tự đi thu thập hết chứng cứ này đến chứng cứ khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của chúng tôi”.

Trong buổi làm việc tại văn phòng Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, đại diện công ty bảo hiểm SHB Vinacomin đã viện dẫn nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc giải quyết đền bù chậm như: Nhân viên xử lý vụ việc đã điều chuyển công tác khác, thiếu hồ sơ giấy tờ cần thiết và từ chối chi trả cho Công ty Bảo vệ Đất Việt. Không đạt được mong muốn, Công ty Bảo vệ Đất Việt quyết định khởi kiện ra tòa án.

Khách hàng mệt mỏi, doanh nghiệp làm ngơ

Với số tiền chi trả bảo hiểm trung bình mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như: thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là công tác giải quyết bồi thường còn phức tạp, gây nhiều phiền toái cho khách hàng, hồ sơ giải quyết chậm dẫn đến xảy ra nhiều khiếu nại.

Khi giải quyết đền bù cho khách hàng, không ít công ty bảo hiểm tìm mọi cách để kéo dài thời gian bằng việc yêu cầu người mua bảo hiểm phải cung cấp nhiều loại giấy tờ và chứng nhận khác nhau. Việc tự mình đến các cơ quan chức năng thu thập hồ sơ, giấy tờ đã khiến khách hàng tốn nhiều thời gian, công sức và bức xúc. Trong khi đó, theo hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải có nghĩa vụ giúp đỡ khách hàng hoàn thành hồ sơ bồi thường. Trong hành trình đòi tiền bồi thường của khách hàng, nếu có bất kỳ một lỗi nhỏ nào, công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu khách hàng làm lại hoặc từ chối đền bù.

Mặt khác, nhiều người mua bảo hiểm không hiểu đầy đủ về quyền lợi và các quy tắc trong hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, một số nhân viên bán bảo hiểm trình độ yếu kém đã không giải thích rõ ràng cho khách hàng và chỉ muốn sớm ký được hợp đồng. Nhiều người trong cuộc cho rằng, đây là một loại giao dịch đặc biệt mà khi chưa tham gia khách hàng là “thượng đế” nhưng khi hợp đồng đã trao tay thì người mua bảo hiểm trở thành “thường dân”. Đặc biệt, khi gặp chuyện không may, không ít người mua bảo hiểm đã phải ngậm ngùi và đành phải "tự bỏ" quyền lợi chính đáng của mình.

Chị Nguyễn Hoàng Hương, sống tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai mua đầy đủ các loại bảo hiểm xe cơ giới cho chiếc xe Toyota Vios. Khi nhân viên bán bảo hiểm tư vấn mua bảo hiểm xe hai chiều, chị chỉ hiểu đơn giản là sẽ được công ty chi trả đầy đủ khi xe gặp tai nạn. Mới đây, chị lái xe va vào tường nhà, làm hỏng cửa xe bên phải. Gọi cho nhân viên bảo hiểm không được, chị liền mang xe đi sửa và mất hơn 3 triệu đồng. Đến khi trình bày sự việc với công ty bảo hiểm thì chị mới biết quy định phải giữ nguyên hiện trường để công ty giám định thiệt hại mới được bồi thường. Dù mất số tiền không lớn nhưng chị vẫn rất bức xúc vì không nhận được tư vấn đầy đủ của nhân viên bán bảo hiểm.

Theo luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, khách hàng gặp “bất lợi” ngay khi cầm bản hợp đồng bảo hiểm, bởi hầu như họ không có quyền yêu cầu công ty sửa đổi mà chỉ phải ký vào đó. Mặt khác, nhiều nhân viên bán bảo hiểm đã không giải thích cụ thể các điều khoản, bộ quy tắc bảo hiểm cũng như cách thức đòi đền bù cho khách hàng. Theo ông Hải, khách hàng nên tham vấn những người có chuyên môn bảo hiểm trước khi ký hợp đồng và khi giải quyết rủi ro. Ông cũng cho biết, khách hàng nên đưa vụ việc ra tòa nếu không được công ty bảo hiểm đền bù thỏa đáng vì phần lớn các vụ khởi kiện, khách hàng đều đã thắng.

Bài và ảnh: Duy Minh