(Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)

Trên bàn nghị sự của Kỳ họp, vấn đề ngân sách đã được đặt ra. Trong bức tranh của nền kinh tế Việt Nam năm 2008, dự kiến tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ lên đến 4,95% GDP, sát ngưỡng cho phép là 5%. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đang tìm lời giải cho bài toán này. Đây là bài toán khó trong khi diễn biến của tình hình kinh tế-xã hội đất nước cũng như ảnh hưởng từ thế giới chưa thể lường hết được.

Năm 2009, bội chi ngân sách nhà nước: Tỉ lệ giảm, số tuyệt đối tăng?

Tình hình bội chi NSNN đã được thể hiện khá rõ trong báo cáo của Chính phủ.

Còn lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, mức bội chi năm 2008 là 62.200 tỷ đồng, bằng 4,95% GDP. Một điều đáng lo ngại là trong vài năm gần đây, mức bội chi liên tục tăng, năm 2007 bội chi 56.500 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2006; năm 2008 bội chi cho tăng 17,1% so với năm 2007 và năm 2009 dự kiến bội chi 87.300 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2008.

Về dự kiến khả năng cân đối NSNN năm 2009, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng thu cân đối NSNN là 418.000 tỷ đồng, tăng 4,8%; tổng chi khoảng 509.400 tỷ đồng, tăng 18,5%. Bội chi NSNN năm 2009 dự kiến khoảng 87.300 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Như vậy, về tỉ lệ bội chi NSNN dự kiến giảm 0,15% so với năm 2008 nhưng con số tuyệt đối lại cao hơn, lên đến hơn 25.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu giữ phương án như dự kiến của Chính phủ thì một lượng lớn tiền sẽ đưa vào lưu thông, trong khi mức bội chi cao liên tục trong nhiều năm qua cũng được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao. Vì vậy, nếu giữ phương án này sẽ mâu thuẫn với chính sách tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát. Từ đó, Ủy ban Kinh tế đưa ra kiến nghị tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2009 thấp hơn 4,8%. Cùng với quan điểm này, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị không nên quy định mức bội chi theo số tuyệt đối và tương đối cứng mà nên xây dựng là không quá 4,8%.

Cần quản lý tốt vốn đầu tư công

Trong phương án cân đối NSNN của Chính phủ năm 2009, những yếu tố tác động đến nguồn thu, chi đã được tính toán khá kỹ. Theo đó, nguồn thu nội địa sẽ tăng lên 233.000 tỷ đồng, tức là tăng 13,7%, việc tăng thêm nguồn thu từ thuế, lệ phí... đã được Chính phủ tính đến. Một trong những nguồn đóng góp quan trọng vào ngân sách là xuất khẩu tài nguyên, chủ yếu là dầu thô, đang có xu hướng giảm mạnh, Chính phủ đã tính đến trường hợp này, nên dự kiến thu từ dầu thô sẽ là 81.400 tỷ đồng, giảm 4,2%. Đối với chi NSNN, chủ yếu được sử dụng cho chi thường xuyên khoảng 318.000 tỷ đồng, tăng 18,5%. Rõ ràng cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2009 sẽ làm cho số chi thường xuyên tăng cao. Năm 2008, Chính phủ đã thực hiện cắt giảm 10% chi thường xuyên đối với các Bộ, ngành, địa phương nhằm giảm chi NSNN, từ đó giảm bội chi. Chính phủ cũng cố gắng cắt giảm những dự án đầu tư kém hiệu quả, năm 2008, đã chỉ đạo đình hoãn, ngừng triển khai, giãn tiến độ 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch vốn năm 2008. Mặc dù vậy, trong dự toán NSNN năm 2009, chi cho đầu tư phát triển dự kiến là 118.800 tỷ đồng, tăng 0,7%. Để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng 7% như mức đề nghị của Chính phủ, thì không thể giảm chi đầu tư phát triển trong dự toán. Chính vì vậy, dự kiến cân đối NSNN năm 2009 vẫn cho thấy mức bội chi còn rất cao.

Chia sẻ với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thì điều quan trọng là Chính phủ phải giải quyết được những vấn đề đang tồn tại hiện nay đối với chi tiêu, đặc biệt là quản lý nguồn vốn đầu tư công. Ví dụ như trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng chung là giải ngân chậm, đầu tư dàn trải, phân giao vốn không đúng quy định, vi phạm trong đầu tư xây dựng vẫn khá phổ biến, hiệu quả chưa cao... Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản đến hết tháng 9-2008 mới đạt xấp xỉ 52% dự toán. Hơn nữa cũng cần nhận rằng, với tình hình kinh tế toàn cầu đang diễn biến khó lường như hiện nay thì mức độ rủi ro đối với nền kinh tế còn cao. Nguy cơ về khủng hoảng tài chính vẫn còn hiện hữu, giá dầu thô còn có thể giảm nữa, vì vậy quan điểm của Quốc hội ưu tiên trước hết vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi NSNN có quan hệ mật thiết đến lạm phát, muốn chỉ số tăng giá năm 2009 không quá 15%, thì hạn chế bội chi NSNN là một trong những điều kiện quan trọng.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, việc lựa chọn các giải pháp nhằm cân đối NSNN năm 2009 phụ thuộc nhiều vào dự báo những vấn đề kinh tế-xã hội có thể xảy ra trong thời gian tới. Để phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm tăng trưởng dài hạn, rất cần phải hạn chế bội chi NSNN. Muốn vậy cần có những giải pháp tổng hợp, trong đó xét đến tổng thể các yếu tố.

ĐỖ MẠNH HƯNG