LTS: Vừa qua, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là khả năng ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên và một số khu vực lân cận dự án. Nhóm phóng viên của Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành xác minh, tìm hiểu cụ thể, nhằm làm rõ hơn tính khả thi của dự án để thông tin đầy đủ đến bạn đọc.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 (ĐN6) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Văn bản số 1483/CP-CN ngày 19-11-2002, với công suất lắp máy là 180MW, sản lượng điện bình quân là 773,6 kWh/năm. Vào thời điểm phê duyệt, hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai có 16 dự án, gồm: 5 thủy điện đã đưa vào vận hành, 3 thủy điện đang xây dựng và chuẩn bị xây dựng, 8 thủy điện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Thủy điện ĐN6 thuộc nhóm các công trình chuẩn bị đầu tư.

Nhóm phóng viên đi khảo sát vị trí khảo sát xây dựng đập thủy điện Đồng Nai 6

Dựa trên cơ sở cập nhật các kết quả điều tra, khảo sát và nghiên cứu lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình, ngày 30-12-2008, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long-Gia Lai (CTCPTĐ ĐL-GL) – đơn vị chủ đầu tư có tờ trình số 994/TTr-ĐLGL trình Bộ Công Thương, đề nghị xem xét điều chỉnh sơ đồ khai thác bậc thang đoạn tuyến của thủy điện ĐN6 trên sông Đồng Nai và báo cáo đầu tư xây dựng công trình thủy điện ĐN6. Theo tờ trình, bậc thang thủy điện ĐN6 được chia thành hai bậc thang thủy điện có tổng công suất là 241MW. Bậc thang thứ nhất có công suất 135MW (thủy điện ĐN6) nằm trên địa bàn hai tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông. Bậc thang thủy điện thứ hai - Đồng Nai 6A (ĐN6A) có công suất 106MW, nằm trên địa bàn hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước. Tổng sản lượng điện hằng năm của hai bậc thang là 997,2 triệu kWh (công suất tăng thêm 61MW, sản lượng điện hằng năm tăng thêm 223,6 triệu kWh so với phương án quy hoạch năm 2002), nhưng diện tích chiếm đất công trình và lòng hồ giảm từ 1.954ha xuống còn 372,23ha.

Được sự chấp thuận, đề xuất của các bộ, ngành của Trung ương, cùng UBND các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông, ngày 21-8-2009, Bộ Công Thương có Tờ trình số 8281/BCT-NL, gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hiệu chỉnh và bổ sung thủy điện ĐN6 và ĐN6A vào Quy hoạch phát triển nguồn điện năng của Quốc gia. Căn cứ vào tờ trình của Bộ Công Thương, ngày 8-9-2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6163/VPCP-KTN thông báo ý kiến của  Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc bổ sung thủy điện ĐN6 và ĐN6A vào quy hoạch phát triển điện năng quốc gia. Tại công văn này, Phó thủ tướng chỉ đạo:

1- Bộ Công Thương thực hiện phê duyệt hiệu chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai trong đoạn tuyến thủy điện Đồng Nai 6 theo Văn bản số 5250/VPCP-KTN ngày 3-8-2009 của Văn phòng Chính phủ.

2- Đồng ý về nguyên tắc bổ sung các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và thủy điện Đồng Nai 6A vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI.

3- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long-Gia Lai lập Dự án đầu tư các dự án thủy điện nêu trên, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và về quản lý đất đai trình duyệt theo đúng quy định hiện hành.

Gần đây, ngày 21-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện năng quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Theo đó, thủy điện ĐN6 được đưa vào danh mục công trình vận hành vào năm 2015 và thủy điện ĐN6A được đưa vào danh mục Công trình vận hành năm 2016. Như vậy, về mặt chủ trương xây dựng thủy điện ĐN6 và ĐN6A do CTCPTĐ ĐL-GL làm chủ đầu tư đã được Chính phủ chấp thuận. Hiện chủ đầu tư đang cùng các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng và Bình Phước thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và về quản lý đất đai, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc CTCPTĐ ĐL-GL cho rằng: “Với tổng công suất 214MW, khi được đưa vào vận hành, công trình thủy điện có thể đáp ứng đủ lượng điện tiêu thụ cho các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông”. Cũng theo ông Dũng, mỗi năm các nhà máy này sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, vị trí xây dựng hai công trình thủy điện gần trung tâm phụ tải lớn và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ đáp ứng đáng kể nhu cầu về điện năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện trầm trọng hiện nay. Mặt khác, trong quá trình thi công cũng như vận hành sau này của các nhà máy thủy điện ĐN6 và ĐN6A, CTCPTĐ ĐL-GL cam kết sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là người địa phương. Việc xây dựng thủy điện ĐN6 và ĐN6A còn góp phần điều tiết lũ trên sông Đồng Nai về mùa mưa lũ, tăng mực nước ngầm cho khu vực phụ cận, giảm tác động tiêu cực của hạn hán về mùa khô, tăng diện tích mặt nước và giảm nguy cơ cháy rừng Vườn quốc gia Cát Tiên.

Nhận định về hiệu quả kinh tế của thủy điện ĐN6 và ĐN6A, tại Văn bản số 8281/BCT-NL ngày 21-8-2009 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc hiệu chỉnh và bổ sung thủy điện ĐN6 và ĐN6A vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nêu rõ: “Tổng vốn đầu tư thủy điện ĐN6 là 3.215 tỷ đồng và thủy điện ĐN6A là 3.232 tỷ đồng. Kết quả phân tích cho thấy cả hai dự án có tính khả thi về kinh tế, trong đó thủy điện ĐN6 có hiệu quả cao hơn thủy điện ĐN6A và cao hơn một số dự án thủy điện đang triển khai ở nước ta”.

Công trình thủy điện ĐN6 được xây dựng trên địa phận xã Hưng Bình, huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông (thuộc bờ phải sông Đồng Nai) và xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng (thuộc bờ trái sông Đồng Nai); thủy điện ĐN6A xây dựng trên địa phận xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước (thuộc bờ phải sông Đồng Nai) và xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng (thuộc bờ trái sông Đồng Nai). Sau khi hoàn thành, các công trình thủy điện này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông đi lại giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắc Nông, giúp cho Vườn quốc gia Cát Tiên mở mang và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái gắn khai thác văn hóa bản địa, nhân dân các xã trong khu vực mở mang ngành nghề dịch vụ và nuôi trồng thủy sản. Vị trí công trình thủy điện ĐN6 và ĐN6A nằm ở ranh giới vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hồ chứa nhỏ, dạng dải hẹp chạy dọc theo một phần đoạn sông Đồng Nai cũng là ranh giới của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Khoảng cách của hồ chứa từ ranh giới vườn vào trong vườn xa nhất là 300m

Ngày 28-7-2011, trao đổi với chúng tôi, anh Điểu K’giá, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên khẳng định: “Việc đầu tư xây dựng thủy điện ĐN6 góp phần tích trữ nguồn nước mặt, tăng mực nước ngầm sẽ giảm tình trạng thiếu nước về mùa khô lâu nay thường xảy ra trên địa bàn”. Đồng Nai Thượng là xã khó khăn, được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Hiện toàn xã đang sản xuất 860ha điều, cà phê, ca cao và cao su, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 50%, do thường xuyên xảy ra khô hạn. Ngay cả giếng sinh hoạt bà con phải đào, khoan sâu tới 40-50m mà về mùa khô vẫn thiếu nước. Phó bí thư thường trực Huyện ủy Cát Tiên Nguyễn Văn Sơn nói: “Mặc dù chúng tôi chưa được nghiên cứu kỹ dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A, cũng như các văn bản, hồ sơ liên quan, nhưng phát triển nguồn điện cho đất nước là rất cần thiết. Chúng tôi chỉ mong dự án này sẽ được khảo sát quy hoạch kỹ lưỡng, giảm thấp nhất những ảnh hưởng cho môi trường và đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và bảo tồn thiên nhiên”.

Bài và ảnh: Bình Định – Phi Hùng

(Bài 2: Giải bài toán “Đổi rừng lấy điện”)