QĐND - Năm ngoái, tôi có may mắn được tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đến thăm giàn khoan công nghệ trung tâm số 2 của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Thời gian ở trên giàn khoan dầu khí giữa biển khơi chỉ vẻn vẹn có ba giờ nhưng đã để lại cho tôi và các thành viên trong đoàn công tác nhiều ấn tượng khó quên. 

Giàn khoan công nghệ trung tâm số 2.

Chiếc máy bay trực thăng của Công ty bay Dịch vụ miền Nam (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam-Bộ Quốc phòng) xuất phát từ sân bay Vũng Tàu, sau chừng 40 phút đã đáp nhẹ nhàng xuống giàn khoan công nghệ trung tâm số 2 (mỏ Bạch Hổ). Đây là giàn khoan hiện đại nhất và cho sản lượng dầu thô lớn nhất của Vietsovpetro. Với tôi, người đầu tiên được ra thăm giàn khoan thì chặng đường bay ra thật thú vị. Được thỏa sức ngắm nhìn thành phố Vũng Tàu từ trên cao với vẻ đẹp kỳ vĩ, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của biển cả với những ánh nắng như rắc bạc trên những con sóng ngoài khơi. 

Thế nhưng với những cán bộ, công nhân công tác trên giàn khoan thì mỗi lần bay ra nơi làm việc là một lần họ phải đối mặt với những thử thách mới, phải gác hết mọi chuyện riêng tư, gia đình để dồn sức vào công việc. 

Vào thời điểm chúng tôi đến thăm, trên giàn khoan có hơn 100 lao động của Việt Nam và Liên bang Nga. Cuộc sống trên giàn khoan giữa biển không có khái niệm ngày và đêm. Ba ca, bốn kíp cứ chia ra liên tục vận hành. Người ngủ, người thức, người làm việc, người giải trí, cứ tuần tự luân phiên, tất cả đều vì một mục tiêu, duy trì và khai thác ngày càng nhiều dầu, khí cho đất nước. 

Trên giàn khoan, giữa biển khơi mênh mông, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc “tiếp xúc với các cử tri đặc biệt” như cách gọi của đồng chí. Sau khi tìm hiểu đời sống của công nhân Việt Nam và Nga trên giàn khoan, lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của họ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói chuyện thân mật với các cán bộ, công nhân trên nhà giàn. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Vietsovpetro và anh chị em lao động trên giàn khoan. Đồng chí cho rằng, sự lao động với ý thức kỷ luật và cường độ lao động đặc biệt cao của những người công nhân giàn khoan dầu khí đã góp phần làm giàu cho đất nước và khoản tiền lương được tính bằng hàng chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng đối với họ là hoàn toàn xứng đáng. Đồng chí cũng động viên cán bộ, công nhân viên trên giàn khoan tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển dầu khí nước nhà. 

Tìm hiểu cuộc sống của công nhân trên giàn khoan dầu khí, tôi có cảm giác họ rất giống với cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các đảo chìm. Cũng phải xa gia đình, cũng phải sống trong không gian ồn ào giữa biển và đặc biệt là giống nhau bởi kỷ luật rất nghiêm minh. Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, 41 tuổi, quê ở Thái Bình cho biết: Làm việc trên giàn khoan, chỉ sơ suất một chút thôi là có thể xảy ra mất an toàn cho bản thân và cho cả giàn khoan. Kỹ sư Hùng thách tôi tìm ra được một giọt rượu, bia trên nhà giàn. “Ngay cả khi lễ tết, chúng tôi cũng tuyệt đối cấm bia, rượu” - kỹ sư Hùng khẳng định. 

Trước kia, việc liên lạc với đất liền rất khó khăn, bây giờ thì sóng Viettel đã phủ kín các nhà giàn. Nhưng việc gọi điện thoại cũng chỉ được phép thực hiện ở một số nơi, có khu vực cấm gọi điện thoại vì có thể sóng điện thoại ảnh hưởng đến thiết bị và gây mất an toàn.

Gọi là “công nhân giàn khoan”, nhưng phần lớn những người ra giàn khoan đều đã tốt nghiệp đại học, nhiều người có trình độ trên đại học. Với máy móc hiện đại, không học hành cơ bản, không thể làm việc được. Cậu “em út” của giàn khoan được phân công phụ giúp tôi trong chuyến công tác tên là Nguyễn Đức Hậu quê ở Hưng Yên, 25 tuổi, chưa vợ, nhưng đã có hai bằng đại học, trong đó có một trường đại học ở Ru-ma-ni.

Ba giờ trên giàn khoan trôi đi rất nhanh, chúng tôi phải chia tay các anh chị công nhân giàn khoan trở về đất liền. Từ trên máy bay nhìn xuống, giữa biển cả mênh mông, giàn khoan hiện lên sừng sững như một pháo đài.

Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ