leftcenterrightdel
Thủ tướng N.Mô-đi đón Hoàng thái tử M.Na-hi-an tại sân bay. Ảnh: AP 
Tạp chí trên cho rằng, Ấn Độ không chỉ có thế mạnh về dân số, nền kinh tế đa dạng và đang phát triển nhanh mà còn là quốc gia giữ vai trò quan trọng về mặt địa chính trị, một cường quốc khu vực đang ngày càng lớn mạnh, nhận được sự quan tâm của không chỉ Nga, Mỹ, Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới...

Thế mạnh kinh tế

Ấn Độ được đánh giá là một nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chững lại trong thời gian qua, Ấn Độ đang dần trở thành đầu tàu và động lực của kinh tế châu Á. Năm 2015, với gần 30 tỷ USD nhận được từ cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới. Những chỉ số lạc quan này là thành quả của chương trình Công nghiệp hóa quan trọng “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) mà Thủ tướng N.Mô-đi (Narendra Modi) đưa ra vào năm 2014, theo đó Ấn Độ quyết tâm thực hiện những cải cách mạnh bạo để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp sản xuất nội địa.

Không chỉ vậy, lần đầu tiên trong 150 năm qua, Ấn Độ đã vượt qua Anh-"mẫu quốc" trước đây của nước này, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp. Năm 2016 vừa qua được xem là năm thành công đối với Ấn Độ về kinh tế. Trong tháng 2-2016, nước này đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Vào tháng 10-2016, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ danh hiệu này trong tương lai gần và dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ tăng 7,6% năm 2017.

Chìa khóa của Thủ tướng Mô-đi

Ngoài thế mạnh kinh tế, Ấn Độ còn có một nền quốc phòng lớn mạnh và một chính sách ngoại giao văn hóa gần gũi với nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi văn hóa truyền thống Ấn Độ tạo được ảnh hưởng đậm nét trong nhiều thế kỷ qua và các kiều dân gốc Ấn hiện diện đông đảo tại nhiều quốc gia. Tất cả những điều này tạo cho Ấn Độ một biên độ hành động rộng lớn trong các chính sách ngoại giao-quốc phòng của mình tại châu Á-Thái Bình Dương.

Đương nhiên khi tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, “gã khổng lồ” này cũng nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều của những cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) từng nhận định, Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng và xây dựng về giải quyết những vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự của khu vực và quốc tế, đồng thời tuyên bố mối quan hệ đối tác đặc biệt, đặc quyền với Ấn Độ là một ưu tiên không thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nga. Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ để tạo một trật tự trong cấu trúc an ninh châu Á theo mong muốn của những nước này, một số quốc gia châu Á khác lại trông đợi Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng lớn và độc lập hơn trong khu vực. Họ muốn chứng kiến một Ấn Độ mạnh mẽ hơn, với khả năng vận dụng tầm ảnh hưởng của mình để hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược.

Là một nhà lãnh đạo có năng lực ngoại giao khéo léo, Thủ tướng Mô-đi hiểu rằng, khái niệm “lớn hơn” và “độc lập” chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa hướng tới những mục tiêu mà ông đang tìm cách thúc đẩy. Bởi vậy, trong chính sách ngoại giao của mình, ông Mô-đi duy trì việc đẩy mạnh và củng cố quan hệ với cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như các quốc gia EU, đồng thời hướng tới việc mở rộng các kết nối khu vực. Với mỗi nước, Ấn Độ lại linh hoạt trong cách điều khiển các mối quan hệ. Thủ tướng Mô-đi cho rằng, đây là một chiến lược dài hạn để có thể giúp Ấn Độ vượt qua các lực cản đối với việc tăng cường vai trò, tầm ảnh hưởng tại khu vực và trên thế giới.

“Thành tố vùng Vịnh”

Trong chiến lược dài hạn đó đáng chú ý là việc Niu Đê-li “nối vòng tay lớn” với các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Hoàng thái tử UAE Mô-ha-mét Bin Day-ép An Na-hi-an (Mohammed bin Zayed Al Nahyan) tháng 1 vừa qua. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận mới về láng giềng mở rộng, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh của Niu Đê-li. Trong chuyến thăm này của Hoàng thái tử, Ấn Độ và UAE đã ký 14 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hoàng thái tử UAE cũng được mời làm khách chính trong Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ.

Trên thực tế, các quốc gia vùng Vịnh-một thành tố quan trọng trong chính sách láng giềng mở rộng của Ấn Độ-có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của nước này. UAE là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu và là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 5 cho Ấn Độ. UAE cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ (sau Trung Quốc và Mỹ). Thương mại hai chiều hằng năm đạt khoảng 50 tỷ USD. Khu vực tự do Jebel Ali của UAE là nơi “đóng đô” của hơn 800 công ty Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng xem UAE là một trong những điểm đến chính cho việc xuất khẩu vũ khí trong tương lai.

Còn đối với UAE, Cộng hòa Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định trong khu vực và trên thế giới. UAE mong muốn, Ấn Độ đóng góp có hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức và hiểm nguy mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt, tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho các vấn đề, khủng hoảng và tình trạng căng thẳng ở Trung Đông. Trong khi đó, Thủ tướng Mô-đi cho rằng, các mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước có tầm quan trọng không chỉ cho hai nước mà còn cho toàn bộ khu vực lân cận. Ông khẳng định những gì hội tụ giữa hai nước có thể giúp làm ổn định khu vực, và mối quan hệ đối tác kinh tế có thể là nguồn gốc cho thịnh vượng khu vực và toàn cầu.

Theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức, song Ấn Độ đang tìm mọi nỗ lực để vượt qua, nhằm nâng cao tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình đối với cấu trúc an ninh khu vực. Với những nỗ lực đó, Ấn Độ sẽ cần “thành tố vùng Vịnh” để tiếp tục khẳng định vai trò ngày càng lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn và sự phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á.

HÀ LAN