Ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới tới khí tài
Là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đặc biệt quan tâm, hết sức chú ý tới tình trạng bảo quản, bảo dưỡng và sẵn sàng chiến đấu của VKKT, nhiều biện pháp đã được Quân chủng thực hiện đồng bộ. Nhờ vậy, VKKT vẫn ổn định và phục vụ tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, với đặc thù các trận địa cùng VKKT được bố trí ngoài trời, phải chịu tác động trực tiếp của khí hậu, thời tiết, khiến các biện pháp trên vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề "sức khỏe" của khí tài. Một ví dụ cụ thể là tình trạng các chấn tử anten rada YB-12 (trên khí tài tên lửa phòng không S125-2TM) được làm bằng hợp kim nhôm, mặc dù các chấn tử này đã được bảo quản trong tấm che trong suốt điện tử, nhưng từ các khe kẽ, nước và hơi ẩm vẫn lọt vào. Từ đó dẫn đến hiện tượng ăn mòn điện hóa và oxy hóa bề mặt rất mạnh làm ảnh hưởng lớn đến khả năng phát xạ của anten, gây hỏng hóc các thiết bị của máy phát lệnh (có những bộ khí tài hỏng đến 50% số chấn tử).
|
|
Bảo dưỡng VKKT tại Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361.
|
Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 (Quân chủng PK-KQ) là một trong những đơn vị đầu tiên được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Spyder tiên tiến. Thiếu tá Lương Ngọc Trìu, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, đã có 9 năm gắn bó với tổ hợp này cho biết, hỏng hóc thường gặp nhất là bề mặt thiết bị bị hư hại, đặc biệt là các vị trí tiếp xúc và cơ cấu truyền động. Các nhóm vật liệu phi kim loại như gioăng đệm, thân vỏ cáp, các bộ phận bằng cao su cũng xuất hiện tình trạng nứt, gãy và ăn mòn.
Khảo sát ở Tiểu đoàn 118 (Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng PK-KQ), tình trạng còn diễn ra với mức độ còn nghiêm trọng hơn do đơn vị đóng quân gần biển, nơi hơi muối biển cùng với độ ẩm và nhiệt độ cao khiến quá trình ăn mòn diễn ra nhanh hơn. Tuy rất lo lắng cho những tổ hợp tên lửa Spyder nhưng đơn vị không có biện pháp xử lý ngoài các phương pháp bảo quản truyền thống. Bộ đội không có vật tư đặc chủng trong việc khắc phục phá hủy, chống ăn mòn kim loại, dưỡng cao su, nhựa,...
Trước tình trạng trên của khí tài Spyder, những năm vừa qua, Quân chủng PK-KQ đã yêu cầu các chuyên gia của công ty công nghệ RAFAEL (nhà sản xuất khí tài Spyder) đến Việt Nam để thực hiện bảo hành, kiểm tra, hiệu chỉnh và bảo quản. Tuy nhiên, sự có mặt của nhà sản xuất cũng không đưa ra được giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thiếu tá Lê Văn Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 118 cho biết, các chuyên gia của RAFAEL trong tất cả các lần thực địa tại tiểu đoàn (3 lần, vào tháng 9-2017, tháng 10-2019 và tháng 8-2022) đều không đưa ra các hướng dẫn cụ thể nào, cũng như khuyến cáo các loại vật tư nào phục vụ cho công tác bảo quản định kỳ cho khí tài mà chỉ cung cấp bổ sung một ít sơn dự phòng để hỗ trợ đơn vị xử lý tình huống. Điều này dẫn đến việc đơn vị càng lúng túng trong việc tự bảo đảm, tự xử lý và khắc phục các hiện trạng han rỉ, oxy hóa và "lão hóa" của khí tài.
Bảo vệ toàn diện khí tài
Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Tên lửa đã đề xuất với Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân chủng cho ngành Tên lửa phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và Phòng Kỹ thuật tên lửa (Cục Kỹ thuật Binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật) triển khai nhiều đề tài nghiên cứu.
Giải pháp hữu hiệu được đưa ra là ứng dụng công nghệ nano sử dụng vật tư thế hệ mới, kết hợp nhiều giải pháp công nghệ về vật chất bảo vệ tiên tiến (nhiệt đới hóa) để bảo vệ toàn diện thiết bị kỹ thuật. Mỗi loại lại có chức năng riêng (ví dụ: Siêu kỵ nước, tỏa nhiệt, không ảnh hưởng đến khả năng thu-phát tín hiệu, hoặc vừa cách điện, lại vừa dẫn điện,...) được đưa vào ứng dụng với từng loại VKKT. Khi xịt một lớp nano mỏng phủ lên bề mặt VKKT sẽ giúp ngăn chặn sự tác động của môi trường vào thiết bị.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 118, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 tiến hành nhiệt đới hóa VKKT.
|
Công tác nhiệt đới hóa được thử nghiệm lần đầu vào cuối năm 2020. Sau quá trình thử nghiệm và theo dõi nghiêm ngặt, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đã nghiệm thu và kết luận: Nhiệt đới hóa giúp nâng cao tuổi thọ VKKT, ổn định các tham số vận hành và có thể triển khai đồng bộ trên toàn tổ hợp.
Đến nay, ngành Tên lửa đã tiến hành nhiệt đới hóa trên nhiều tổ hợp tên lửa Spyder. Về quy trình mới, mỗi loại VKKT có nhiều công đoạn bảo quản và bảo dưỡng khác nhau, nhưng cơ bản đều qua 4 bước: Kiểm tra tình trạng khí tài, tẩy rửa các tác nhân, sử dụng dung dịch chuyên dụng phun/quét lên bề mặt, cuối cùng là vệ sinh công nghiệp, lắp đặt, thông điện và kiểm tra lại.
Trước những hiệu quả đạt được, ngành Tên lửa đề xuất với Quân chủng PK-KQ thời gian tới được tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác tin cậy, tiến tới làm chủ công nghệ nhiệt đới hóa, đồng thời được áp dụng trên các tổ hợp tên lửa khác trong toàn quân chủng.
Từ khi nhiệt đới hóa được áp dụng, bộ đội yên tâm và tự tin hơn trong công tác bảo quản trang bị. Các cán bộ, chiến sĩ dễ dàng tiếp cận và thành thạo quy trình mới, giúp đơn vị tự chủ khắc phục các hỏng hóc nhỏ. Cùng với đó, chế độ quan trắc và kiểm soát oxy hóa giúp phát hiện sớm hiện tượng oxy hóa, làm cho công tác bảo quản, bảo dưỡng trở nên chặt chẽ, chi tiết và thuận lợi hơn.
HOÀNG VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.