Trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh Quảng Ninh, tôi hoàn toàn nhất trí với kết quả khảo sát, nhận định, đánh giá, phân tích về những khó khăn, bất cập và tổng hợp những giải pháp được đưa ra trong vệt bài; cho thấy sự tâm huyết nghiên cứu, đầu tư trí tuệ, thời gian của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đối với công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (công tác tuyển quân).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Thực tiễn công tác tuyển quân của tỉnh Quảng Ninh cũng gặp những khó khăn chung như vệt bài đã đề cập, như: Công tác quản lý nguồn nhập ngũ; rào cản gia tăng tình trạng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ cận thị; khó khăn với trào lưu xăm hình trên cơ thể; bất cập trong quy định về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và phúc tra sức khỏe sau nhập ngũ; tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự; khoảng trống trong nhận thức pháp luật về nghĩa vụ quân sự…

Năm 2023, số công dân của tỉnh trong độ tuổi nhập ngũ bị loại vì lý do về cận thị chiếm 38,6% tổng số công dân khám sức khỏe của toàn tỉnh, riêng Thành phố Hạ Long tổng số công dân bị loại vì các lý do về mắt lên đến 67,7%. Cùng với đó, số công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ bị loại vì lý do xăm hình, xăm chữ lên cơ thể chiếm 55,2% tổng số công dân bị loại, trong đó, Thành phố Hạ Long xét duyệt tiêu chuẩn chính trị tổng loại vì lý do hình xăm chiếm 90,5%.

Trước thực trạng trên, tôi đồng quan điểm với kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng và cử tri Thành phố Hải Phòng.

Bản thân tôi nhận thấy cần xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, như: Tiêu chuẩn sức khỏe về mắt (đề nghị được tuyển công dân cận thị về mắt đến 2 đi-ốp) và tiêu chuẩn chính trị về hình xăm (tuyển công dân có hình xăm, chữ xăm với diện tích lớn, ở vị trí không lộ như lưng, ngực, bụng, không ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong quân nhân, không mang tính chất kinh dị, kỳ quái, phản cảm hay chống đối chế độ, kích động bạo lực, tình dục) để phù hợp với sự phát triển của xã hội và thực tế công tác tuyển quân của các địa phương cũng như bảo đảm sự công bằng.

Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, cần nghiên cứu thấu đáo chính sách thu hút, bảo đảm cho công dân và gia đình công dân mong muốn có con em nhập ngũ vào quân đội, bảo đảm chất lượng tuyển quân ngày một nâng cao. Đây là giải pháp lâu dài và cần được luật hóa để bảo đảm thực thi hiệu quả.

Tôi cũng mong rằng thời gian tới, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục có nhiều loạt bài về công tác này để tuyên truyền rộng rãi nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, giúp mọi người hiểu rõ hơn, có cái nhìn khách quan về công tác tuyển quân, góp phần tạo lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyển quân những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Quân đội ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá KHÚC THÀNH DƯ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh