Đến đơn vị vào cuối giờ làm việc buổi sáng nhưng trên thao trường, bãi tập, khu kỹ thuật, nhà xưởng của bộ đội xe tăng vẫn diễn ra các hoạt động trao đổi, học tập, huấn luyện sôi nổi. Có mặt bên kíp xe 415, Tiểu đoàn 1, chúng tôi được chứng kiến bộ đội đang tập trung thảo luận nội dung “Thực hành sử dụng thiết bị ổn định trên xe tăng T54”.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Tuấn, lái xe tăng T54 chia sẻ: “Việc thường xuyên trao đổi, phát huy trí tuệ tập thể trong quá trình huấn luyện giúp không khí buổi học có thêm động lực, tạo tâm lý thoải mái, tự tin cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, từ đó tìm ra nhiều biện pháp hữu hiệu trong khai thác, sử dụng, hiệp đồng tác chiến giữa các thành viên kíp xe, tạo tiền đề nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của lữ đoàn”.

Sau giờ huấn luyện chỉ huy kỹ thuật xe tăng của cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn 1.

Ở khu kỹ thuật của đơn vị, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 đang thực hiện nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị. Trong đó, đáng chú ý có việc ứng dụng sáng kiến “Giá quay sửa chữa, bảo dưỡng kính Tê-sa và kính MK4 trên xe tăng T54” của Thiếu tá Nguyễn Quang Hào, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. Trước đây, khi tiến hành bảo quản kính xe tăng T54, đơn vị tốn rất nhiều công sức, thời gian mà hiệu quả mang lại không cao. Sau khi “đứa con tinh thần” của Nguyễn Quang Hào ra đời, bài toán này đã được giải quyết. “Sáng kiến của đồng chí Hào góp phần rút ngắn một nửa thời gian bảo dưỡng vũ khí trang bị, lại tiết kiệm đáng kể về kinh phí. Trước đây, quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị phải huy động từ 5 đến 7 cán bộ, nhân viên, thì nay chỉ cần 2 người mà vẫn bảo đảm chất lượng”, Trung tá Nguyễn Xuân Việt, Chủ nhiệm Kỹ thuật lữ đoàn khẳng định. Rồi anh cho biết thêm, sáng kiến này từng đoạt giải ba “Hội thi tuổi trẻ sáng tạo toàn quân” năm 2015 và đang được ứng dụng rộng rãi trong các đơn vị tăng thiết giáp của quân khu.

Chúng tôi được biết, những năm gần đây, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở lữ đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia. Từ phong trào này, có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chất lượng cao, mang tính đột phá, ứng dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị tại đơn vị. Theo Đại tá Nguyễn Văn Chính, Chính ủy lữ đoàn, để có được kết quả đó, từ đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đến cấp ủy, chỉ huy phân đội đều dành sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa về thời gian, kinh phí cho hoạt động sáng tạo của bộ đội; coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, nhất là các đồng chí có sáng kiến đạt giải cao, ứng dụng hiệu quả vào quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị cũng chú trọng gắn khen thưởng thường xuyên với khen thưởng đột xuất, giữa bình xét thi đua với đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng, quần chúng, nhận xét cán bộ, đoàn viên, hội viên hằng năm...

Ngoài ra, để không ngừng nâng cao chất lượng công tác TĐ-KT và Phong trào TĐQT, lữ đoàn còn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến; nuôi dưỡng phong trào, phát huy vai trò của điển hình trong thực tiễn, tạo điều kiện cho các đồng chí này được thử thách ở môi trường khó khăn, phức tạp, đi đầu giải quyết việc khó, việc mới để không ngừng khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân.

Có thể khẳng định, chính sự nỗ lực, cố gắng cùng thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua đã trở thành động lực quan trọng tạo nên sức bật mới cho công tác TĐ-KT và Phong trào TĐQT ở Lữ đoàn Xe tăng 406 anh hùng.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG