Đề nghị thành lập ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp xã
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
 |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình của Chính phủ, trong đó có đề xuất tổ chức chính quyền cấp xã mới.
|
Theo tờ trình, cấp xã gồm xã (tổ chức ở nông thôn), phường (tổ chức ở đô thị), đặc khu (tổ chức ở hải đảo).
Hội đồng nhân dân cấp xã được tổ chức 2 ban, gồm Ban Pháp chế và Ban Kinh tế-Xã hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định cứng về số lượng và lĩnh vực phụ trách của các ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp xã, mà chỉ nên quy định về số lượng tối đa của các ban và giao cho Hội đồng nhân dân chủ động thành lập để bảo đảm tính linh hoạt.
Về tên gọi và lĩnh vực phụ trách của các ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp xã, có ý kiến đề nghị nên chuyển thành Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội (tương tự như ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) để bảo đảm tính cân đối về lĩnh vực theo dõi, phụ trách bởi thực tế công tác pháp chế, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không phải là nhiệm vụ trọng tâm ở cấp xã.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. |
Đề nghị tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã
Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu quan điểm, trong bối cảnh sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã và tăng cường thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương cấp xã thì việc xây dựng bộ máy có tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã là cần thiết và phù hợp với kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
 |
Quang cảnh phiên họp. |
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho rằng, quy định về việc thành lập cơ quan chuyên môn như thế nào, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã là bao nhiêu thì cần có sự linh hoạt dựa trên yêu cầu, khối lượng công việc, số biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức (cấp phòng) và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa để tránh tình trạng chia cắt về tổ chức, bộ máy, số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức trực tiếp thừa hành.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, tổ chức bộ phận Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và thực hiện thống nhất ở tất cả các đơn vị hành chính cấp xã mà không nhất thiết phải thành lập các phòng chuyên môn để vừa bảo đảm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, vừa tạo cơ chế quản lý cũng như chế độ, chính sách thống nhất đối với công chức chuyên môn tham mưu, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.