Trung tâm có chức năng nghiên cứu khoa học (NCKH); phối hợp hoạt động giữa các tổ chức KH-CN của Việt Nam, Liên bang (LB) Nga và nước thứ 3; ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học kỹ thuật và đào tạo cán bộ. Sau 35 năm xây dựng, TTNĐ Việt-Nga đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển, trở thành tổ chức KH-CN đa ngành về nhiệt đới có uy tín ở Việt Nam và LB Nga.

Trong suốt 35 năm qua, Trung tâm luôn đặt lên hàng đầu công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ khoa học. Đây là nhân tố then chốt, quyết định sự trưởng thành và phát triển của Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm có trên 74% cán bộ có trình độ sau đại học, trong đó gần 30% có trình độ tiến sĩ và chuyên khoa 2, số đào tạo ở nước ngoài đạt tỷ lệ trên 26%.

Đồng thời, Trung tâm đặc biệt coi trọng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ NCKH. Từ những khó khăn khoảng 10 năm sau khi thành lập (Trung tâm phải mượn các doanh trại của Quân khu 5 và Đoàn 871 làm trụ sở đóng quân tạm thời), đến nay Trung tâm có cơ sở đóng quân chính thức ở cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam) và văn phòng đại diện tại Moscow (Nga) cùng hệ thống các trạm nghiên cứu, thử nghiệm, quan trắc trên đất liền và biển, đảo đặc trưng cho các vùng khí hậu nhiệt đới điển hình. Hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư chuyên sâu với các trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

leftcenterrightdel
Lễ ký biên bản Phiên họp lần thứ 33 Ủy ban Hỗn hợp Liên chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, tháng 12-2022. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Từ tiền đề trên, Trung tâm đã triển khai những nghiên cứu đa ngành về nhiệt đới mang tính nền tảng, ngày càng phong phú về nội dung, phạm vi và đối tượng. Sau 35 năm, Trung tâm đã đạt được những thành tựu toàn diện, mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu.

Trên hướng vật liệu học nhiệt đới, nhiều công nghệ, vật liệu do Trung tâm phát triển đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn quân, phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm kỹ thuật. Trung tâm đã nghiên cứu, sản xuất và cung cấp cho các đơn vị Quân đội hơn 30 chủng loại vật liệu, như: Dầu, mỡ bảo quản, chất lỏng chuyên dụng, sơn, keo, cao su kỹ thuật, mastic, chất làm kín, các chế phẩm ức chế ăn mòn bay hơi... Trung tâm đạt được thành tựu đột phá trong nghiên cứu, chế tạo các vật tư đặc thù, điển hình là tấm tái sinh không khí B-64.VN; 4 sản phẩm được phê duyệt nhiệm vụ sản xuất loạt "0"... Một số công nghệ bảo vệ, bảo quản nâng cao độ bền nhiệt đới vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đã được đưa vào ứng dụng, như: Công nghệ nhiệt đới hóa VKTBKT, công nghệ bảo quản bằng chất ức chế bay hơi, công nghệ điện hóa bảo vệ các công trình và tàu biển; công nghệ khí khô; công nghệ tẩy hà bám...

Trong lĩnh vực sinh thái nhiệt đới, Trung tâm tiến hành nghiên cứu đa dạng sinh học, tổ chức cấu trúc chức năng các hệ sinh thái rừng nhiệt đới, hệ sinh thái biển ven bờ, xa bờ phục vụ bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững. Kết quả nghiên cứu đã đóng góp cho khoa học 347 loài mới (tính riêng sinh thái cạn) cùng những hiểu biết về nguồn gen và thông tin về nhiều loài động, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái vùng nhiệt đới; được nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và địa phương sử dụng phục vụ quy hoạch, quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Trung tâm được Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh danh là một trong 8 tổ chức có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020. Chương trình “Nghiên cứu tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật quần đảo Trường Sa phục vụ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với quốc phòng, quân sự” có ý nghĩa như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc dưới góc độ môi trường. Trung tâm đã phân tích hơn 12.000 mẫu dioxin, 7.000 mẫu tương tự dioxin, kim loại nặng, đóng góp rất hiệu quả trong việc triển khai Chương trình nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Một số nghiên cứu sinh thái ứng dụng, như: Tuyển chọn, nhân giống, nuôi dưỡng và huấn luyện chó bản địa có khả năng tìm kiếm, phát hiện bom, mìn, vật liệu nổ, ma túy đạt kết quả tốt. Trung tâm cũng nghiên cứu, tuyển chọn phân lập các loại vi sinh vật phân hủy chất thải hữu cơ trong các môi trường khác nhau, phát triển các chế phẩm vi sinh ứng dụng để chế tạo các loại nhà vệ sinh dội rửa bằng nước biển, nhà vệ sinh cơ động, nhà vệ sinh không dùng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bộ đội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước, các vùng biển, đảo, các chốt, trạm biên phòng...

Trên hướng y sinh nhiệt đới, đã khảo sát dịch tễ hơn 30.000 lượt người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, tham gia lập hồ sơ phục vụ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Trung tâm đã phối hợp với các chuyên gia Nga đẩy mạnh hướng nghiên cứu bảo đảm sức khỏe nghề nghiệp cho các lực lượng đặc thù quân sự...

Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với các viện nghiên cứu thuộc Cơ quan liên bang giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor, Viện Nghiên cứu dịch tễ Trung ương Nga nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc khác nhau. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Trung tâm đã sử dụng hiệu quả xe xét nghiệm lưu động do phía Nga tài trợ trong việc hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, các điểm nóng về dịch Covid-19, góp phần quan trọng cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Một số sản phẩm y-dược được Trung tâm nghiên cứu thành công và có tiềm năng ứng dụng lớn, như: Thuốc axizol phòng, chống nhiễm độc khí carbon monoxide; chế phẩm cầm máu khẩn cấp nhằm sơ cứu kịp thời các vết thương lớn; bột khử mùi hôi chân cho bộ đội; chế phẩm flagellin tái tổ hợp dùng trong điều trị nhiễm xạ cấp; các loại kit phát hiện nhanh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...

Không chỉ đạt được thành tựu nổi bật trong NCKH, chuyển giao công nghệ, Trung tâm còn tham gia tích cực, hiệu quả công tác đối ngoại nhà nước, đối ngoại quốc phòng. 35 năm qua, Trung tâm luôn là điểm đến ưu tiên của các đoàn lãnh đạo cấp cao như thủ tướng chính phủ, quốc hội, các bộ, ngành của LB Nga và một số nước.

Trong những tuyên bố chung nhân các chuyến thăm hữu nghị chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước đều đánh giá cao hiệu quả hoạt động và cam kết cùng bảo đảm cho Trung tâm phát triển lâu dài. Trung tâm được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 1 Huân chương Quân công hạng Ba và 1 Huân chương Lao động hạng Nhất; Tổng thống Nga tặng bằng tri ân, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng LB, Quốc hội LB Nga tặng bằng khen.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được sau hơn 3 thập kỷ hoạt động và những đổi mới trong cơ chế quản lý KH-CN của LB Nga, ngày 6-9-2018, hai nước đã ký Nghị định thư bổ sung hiệp định ngày 7-3-1987 và quy chế mới về TTNĐ Việt-Nga ký tháng 11-2019.

Nghị định thư ngày 6-9-2018 và quy chế tháng 11-2019 có nhiều điểm mới so với các văn bản pháp lý trước đó mà hai nước ký về Trung tâm. Đây là tiền đề để Trung tâm mở rộng hợp tác, hướng tới xây dựng Trung tâm trở thành cơ sở nghiên cứu các vấn đề KH-CN nhiệt đới mang tầm khu vực và quốc tế, với vai trò nòng cốt là hợp tác Việt Nam-LB Nga.

Thành tựu và những đột phá mới về cơ sở pháp lý đã mở ra tầm nhìn và triển vọng nâng tầm TTNĐ Việt-Nga. Đó là thời cơ, vận hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đòi hỏi Trung tâm phải không ngừng nỗ lực bứt phá, tự đổi mới để vượt lên chính mình trong giai đoạn tiếp theo.

Thiếu tướng ĐẶNG HỒNG TRIỂN, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga