Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) luôn là một trong các hoạt động giữ vai trò trọng yếu và có đóng góp quan trọng góp phần xây dựng Trung tâm thành tổ chức KH-CN đa ngành về nhiệt đới có vị thế, uy tín ở Việt Nam, LB Nga và thế giới.

Có thể khái quát hoạt động CTĐ, CTCT của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (TTNĐ Việt-Nga) trong 35 năm qua thể hiện ở 3 nội dung cốt lõi sau:

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, hoạt động CTĐ, CTCT của TTNĐ Việt-Nga luôn thấm nhuần và quán triệt sâu sắc, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kiên trì Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng và phát triển TTNĐ Việt-Nga.

Sau khi thành lập, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ thuận lợi trong khoảng 3 năm (1988-1990) đúng như Hiệp định đã ký ngày 7-3-1987 là hợp tác trên tinh thần quốc tế vô sản, phía Liên Xô bảo đảm 90% kinh phí hoạt động của Trung tâm. Tuy nhiên, TTNĐ Việt-Xô mới thành lập còn non trẻ đã phải đối mặt với nguy cơ giải thể. Trong bối cảnh ấy, đã xuất hiện tư tưởng có nên duy trì TTNĐ Việt-Xô nữa hay không?

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thăm và kiểm tra TTNĐ Việt-Nga, ngày 26-12-2022. Ảnh: ĐÌNH HỢI

Hơn nữa, một số tổ chức hợp tác chung giữa Việt Nam và Liên Xô đã lần lượt giải thể, chỉ duy nhất còn Vietsovpetro, nhưng Vietsovpetro là tổ chức hợp tác về kinh tế, không giống mô hình hợp tác về KH-CN như TTNĐ Việt-Xô. Những vấn đề trên đã tác động nghiêm trọng và trực tiếp đến tư tưởng của cán bộ, nhân viên của Trung tâm: Một bộ phận dao động về tư tưởng, không yên tâm công tác đã xin chuyển ngành, chuyển đơn vị hoặc xin nghỉ việc. Trước tình hình đó, hoạt động CTĐ, CTCT một mặt đòi hỏi đặt lên hàng đầu công tác chính trị, tư tưởng để ổn định tình hình tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, nhân viên thấm nhuần quan điểm của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về KH-CN...

Trước sau như một tăng cường đoàn kết và hợp tác với Liên Xô, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hợp tác Việt-Xô nhằm đáp ứng lợi ích của mỗi nước”; mặt khác, khẩn trương đề ra các phương án phù hợp, báo cáo Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) kiên quyết không giải thể Trung tâm. Ngày 15-10-1993, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã họp và nghe Thường vụ Đảng ủy TTNĐ Việt-Xô báo cáo tình hình và các đề xuất. Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã thống nhất quyết định báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục duy trì hoạt động của TTNĐ Việt-Xô phù hợp trong điều kiện mới.

Theo đó, tăng cường năng lực phía Việt Nam, kiên trì khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tự lực, tự cường; chuyển cơ sở chính ở TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, giải tán Chi nhánh phía Bắc và thành lập Chi nhánh phía Nam (1992). Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu chung vẫn được cán bộ khoa học phía Việt Nam của Trung tâm độc lập tiến hành nghiên cứu.

Những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam đã làm cho LB Nga thấy rõ thiện chí hợp tác và quyết tâm vượt qua khó khăn vì lợi ích chung của hai nước. Do đó, ngày 11-11-1993, đại diện Chính phủ Việt Nam và LB Nga đã ký Nghị định thư bổ sung Hiệp định ngày 7-3-1987. Trong đó, hai bên khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục duy trì và phát triển Trung tâm; Chính phủ LB Nga kế thừa trách nhiệm về thực hiện các nghĩa vụ của Liên Xô trong Hiệp định về TTNĐ Việt-Xô ký ngày 7-3-1987 và đổi tên Trung tâm Nghiên cứu khoa học và thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt-Xô thành Trung tâm Nghiên cứu khoa học và thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga (gọi tắt là TTNĐ Việt-Nga).

Từ đó đến nay, Chính phủ hai nước Việt Nam và LB Nga đã nhiều lần ký các Nghị định thư bổ sung về việc tiếp tục kéo dài thời hạn hiệu lực Hiệp định liên Chính phủ về TTNĐ Việt-Nga ký ngày 7-3-1987. Gần đây nhất, trong Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước ngày 30-11-2021 về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Nga đến năm 2030 tiếp tục khẳng định: “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Trung tâm nghiên cứu KH-CN nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga, không ngừng củng cố tiềm năng của Trung tâm”.

Như vậy, có thể khẳng định, CTĐ, CTCT là bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc trước thử thách sống còn của Trung tâm, góp phần quyết định giúp Trung tâm vượt qua thời kỳ khó khăn nhất để đứng vững, tiếp tục ổn định lâu dài và phát triển bền vững.

Cùng với đó, đặt lên hàng đầu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tự lực, tự cường, kiên trì hiệp định vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Như trên đã đề cập, sau khi thành lập, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ thuận lợi trong khoảng 3 năm đầu, song từ khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991) đến nay thì khó khăn kéo dài cả phía ta và phía bạn. Trung tâm chuyển cơ sở chính từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội phải mượn doanh trại của Đoàn 871 để làm trụ sở làm việc tạm thời, đến năm 1998, Trung tâm mới chính thức có trụ sở làm việc của chính mình tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; Chi nhánh Ven biển từ khi thành lập (năm 1988) vẫn phải mượn doanh trại của Quân khu 5 (đến ngày 15-11-1996 mới chính thức có quyết định vị trí đóng quân tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Về phía Nga, do bị bao vây, cấm vận nên công tác bảo đảm nhất là về tài chính, cán bộ cho nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đầu tư bảo đảm và các mặt khác của phía Nga cho nghiên cứu tại TTNĐ Việt-Nga.

Trước thực tế đó, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Trung tâm và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi cán bộ, nhân viên của Trung tâm thường xuyên nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, khắc phục những biểu hiện giáo điều, rập khuôn; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, khắc phục tư tưởng ỷ lại và ảo tưởng. Có thể khẳng định: Phát huy nội lực, tự lực, tự cường, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ KH-CN là một trong những nhân tố quyết định để Trung tâm có thể đứng vững trước thử thách của lịch sử và phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Đồng thời tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

TTNĐ Việt-Nga được đánh giá là mô hình hợp tác đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và LB Nga, không có mô hình nào tương tự trên thế giới và cũng không giống bất kỳ đơn vị nào trong toàn quân. Để tổ chức, triển khai hoạt động CTĐ, CTCT đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả, thực chất không phải là điều đơn giản, dễ làm.

Vì vậy, tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp phần xây dựng và phát triển Trung tâm là chủ trương lớn của Thường vụ Đảng ủy và Ban Tổng giám đốc Trung tâm trong suốt những năm qua. Nội dung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đặc biệt là năng lực lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KH-CN...

35 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, TTNĐ Việt-Nga đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng của hai nước Việt Nam và LB Nga. Trong thành tựu chung đó, hoạt động CTĐ, CTCT vinh dự đã cùng đồng hành và đóng góp công sức đáng trân trọng và tự hào trong suốt chặng đường vẻ vang 35 năm qua của TTNĐ Việt-Nga.

Đại tá TRẦN VĂN DUY, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga