Bài 1: Lãnh đạo chặt chẽ, phối hợp kịp thời
Nhận thức rõ trách nhiệm của đội quân công tác, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 1 đã xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo CTDV theo hướng gần dân, sát dân, phù hợp với từng địa bàn, địa phương, đơn vị.
Chủ trương, giải pháp sát thực tiễn
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu, Phó chính ủy Quân khu 1, cho biết: "Quân khu 1 là địa bàn chiến lược, vùng cao, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, là “phên giậu”, “tấm lá chắn” phía Đông Bắc của Tổ quốc. Bởi vậy, để thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, các đơn vị của Quân khu thường xuyên bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc điểm, tình hình và các quy định của địa phương, nhiệm vụ của đơn vị để xác định nội dung, hình thức CTDV, nhất là trên những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, thực hiện đúng phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đảng ủy Quân khu và cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong Quân khu luôn phát huy tính chủ động, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành CTDV".
Minh chứng điều này, Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu cho chúng tôi xem Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Quân khu về “Tăng cường và đổi mới CTDV của LLVT Quân khu trong tình hình mới”; Quy chế CTDV của LLVT Quân khu; các nội dung lãnh đạo CTDV trong nghị quyết đại hội Đảng bộ Quân khu các nhiệm kỳ gần đây và nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự hằng năm...
Chúng tôi nhận thấy, ngoài chủ trương, biện pháp cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng về lãnh đạo, chỉ đạo CTDV, lựa chọn, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên những lĩnh vực hoạt động, các văn bản đều xác định rõ, CTDV của LLVT Quân khu là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chi bộ, chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị và mọi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong LLVT Quân khu nhằm giữ vững, phát huy bản chất truyền thống Quân đội, Quân khu, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Ở các đơn vị trong LLVT Quân khu chúng tôi tiến hành khảo sát, tìm hiểu, đã quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của cấp trên; hệ thống văn bản (nghị quyết chuyên đề, quy chế, kế hoạch CTDV) đầy đủ, trong đó điểm nổi bật là nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành CTDV rất cụ thể, chi tiết, sát thực tiễn. Ví dụ như ở Sư đoàn 3, kế hoạch kết hợp hành quân dã ngoại với tiến hành CTDV của Sư đoàn đã xác định cụ thể địa bàn thực hiện, nội dung công việc đến cấp phân đội, đồng thời quy định rõ thang bảng điểm thi đua trong thực hiện công việc giúp dân. Ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, kế hoạch tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đóng quân của đơn vị xác định rõ chỉ tiêu thực hiện theo tháng; từng bộ phận, từng cá nhân đăng ký giao ước thi đua. Đối với Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, kế hoạch thực hiện CTDV được xác định cụ thể nội dung công việc trong tham mưu, phối hợp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan.
Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị (Cục Chính trị Quân khu, Cục Hậu cần Quân khu, Sư đoàn 346, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên) có kế hoạch trao đổi nắm tình hình với cấp ủy, chính quyền địa phương, tham mưu, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tham gia xử lý các vấn đề phát sinh trên địa bàn. Đồng thời xác định rõ nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, chiến sĩ, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp về thực hiện CTDV.
Phối hợp sâu rộng
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Trọng Chung, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang vẫn nhớ rất rõ về những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát ở địa phương (năm 2021). Xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tránh tư tưởng chủ quan, hoang mang, dao động trong nhân dân, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về dự kiến diễn biến của dịch, phương pháp phòng, chống. LLVT địa phương phối hợp chốt chặn, kiểm soát đường mòn, lối mở và tổ chức địa điểm cách ly tập trung, phong tỏa, tiêu độc, khử trùng, dập dịch. Đồng thời thành lập các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch, tiếp nhận, vận chuyển, điều trị bệnh nhân F0. Cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo lực lượng dân quân giúp dân thu hoạch vải thiều, giúp gia đình F0 gặt lúa...
Nói về sự phối hợp trong giải phóng mặt bằng xây dựng hồ Tốc Tát bảo đảm nước tưới tiêu cho 22ha lúa ở thôn Đâng Van, xã Thanh Long (Văn Lãng, Lạng Sơn), Đại tá Phạm Đình Chiến, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, cho biết: “Mới đầu chỉ huy Đoàn dự kiến đến cuối năm 2022, dự án hồ Tốc Tát mới có thể thi công, bởi có một số hộ dân trong diện giải tỏa, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng chưa hiểu giá trị của công trình đối với đời sống của bà con. Từ tình hình đó, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, vận động bà con ủng hộ chủ trương của Đoàn. Khi người dân hiểu ra đã cùng nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình”.
 |
Lãnh đạo Quân khu 1 tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh chụp tháng 7-2022). |
Bộ CHQS các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương tuyên truyền cho người dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quốc phòng. Đặc biệt, các đơn vị đã phối hợp tuyên truyền Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, ngày 6-6-2022 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên trang thông tin nội bộ của tỉnh, cổng thông tin phổ biến giáo dục pháp luật của sở tư pháp.
Nói về hiệu quả của sự phối hợp trên, đồng chí Dương Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Bích Động (Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ: “LLVT địa phương phối hợp với gia đình, nhà trường tuyên truyền rất tốt về Luật Nghĩa vụ quân sự và công tác quốc phòng, quân sự, nên ở thị trấn có nhiều trường hợp kể cả công nhân đang làm việc ở các công ty liên doanh với nước ngoài với mức lương 15-20 triệu đồng/tháng vẫn xung phong đi bộ đội. Năm 2022, địa phương có 22 thanh niên nhập ngũ, trong đó có 8 thanh niên viết đơn tình nguyện”.
Tại Hội nghị sơ kết phối hợp chỉ đạo, thực hiện CTDV giữa Cục Chính trị Quân khu 1 với ban dân vận tỉnh ủy 6 tỉnh trên địa bàn (2020-2022) diễn ra tháng 8-2022, các đại biểu nhận định: Các đơn vị của Quân khu 1 tích cực, chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt CTDV trên địa bàn. Phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Hiện nay các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 1 kết nghĩa, tham gia ký kết phối hợp hoạt động với 248 tổ chức đảng, 372 tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nhân đạo ở địa phương. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã cử 112 lượt cán bộ theo dõi, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương hoạt động có nền nếp; phối hợp tham gia củng cố 557 lượt cơ sở chính trị (trong đó có 447 cơ sở vùng đồng bào dân tộc, 69 cơ sở đồng bào tôn giáo, 41 cơ sở vùng biên giới); củng cố 78 tổ chức cơ sở đảng. |
(còn nữa)
Bài và ảnh: THẮNG HẢ - THÀNH MINH