Ngoại kể: Năm 1970, khắp Mặt trận phía Nam không nguôi tiếng súng. Bác cả khoác ba lô ra trận, bác hai đang bận học, cũng gác bút nghiên viết đơn tình nguyện theo anh vào miền Nam chiến đấu.
Nơi đầu ngõ, ngoại tiễn hai bác ra đi nhưng ngày hòa bình chỉ có một người trở về là bác cả. Bác cả khoác ba lô con cóc trở về, thân thể đầy thương tích, trong đầu vẫn còn sót một mảnh đạn. Bác nhớ nhớ rồi lại quên quên. Sáng, chiều bác vẫn “hành quân”, “đánh trận”, “xung phong”... Được hai mùa tháng Bảy trôi qua, bác đổ bệnh rồi ra đi, bỏ lại tất cả niềm thương nỗi nhớ cho những người ở lại. Ngoại ngồi buồn đếm hàng cau trước nắng.
Bác hai chiến đấu ở Mặt trận Tây Ninh. Nơi chiến hào, bom đạn, bác gửi về cho ngoại vỏn vẹn đôi lá thư rồi biệt tăm từ đó. Hòa bình, từng dòng người trở về quê hương trong niềm vui rưng rức. Bác hai không về, ngoại ngóng bác rạc cả con ngõ sâu. Chẳng có một dòng thư, cũng không một tờ giấy báo tử, ngoại chọn 27-7 làm ngày giỗ bác, cũng trùng ngày bác cả tìm về với tiên tổ.
Tôi được mẹ sinh ra khi đất nước đã hòa bình và đang trên đà phát triển. Theo thời gian, tôi hiểu được phần nào những giọt nước mắt mặn mòi chảy tràn theo vết chân chim của ngoại. Những giọt nước mắt như những giọt buồn rơi vào cuộc đời ngoại se sắt.
Năm nay, ngày 27-7 sắp về, tôi theo mẹ và ngoại đến nghĩa trang nằm cạnh dòng sông thắp hương cho hai bác. Bác cả ở đây rồi, còn bác hai vẫn đang ở một nơi nào xa lắm. Nhưng tôi tin, chỗ nào bác hai nằm lại cũng đều là quê hương. Khói nhang bay lên trong buổi bình minh cuồn cuộn gió. Cơn mưa rào bất chợt ào qua. Nắng lẩn quất trên đầu, tạnh mưa, cầu vồng bảy sắc hiện lên phía chân trời xanh thẳm. Ngoại bảo, có cầu vồng là điều may mắn. Tôi dõi mắt nhìn theo phía cầu vồng, tự nhủ lòng mình phải luôn sống đẹp, trân trọng hòa bình và nỗ lực góp sức xây dựng quê hương tươi đẹp.
Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
ĐỨC HẠNH