Những ngày đầu, tôi gặp không ít khó khăn về công tác quản lý tư tưởng bộ đội bởi không được đào tạo chuyên sâu, trong khi đó, thực tiễn đơn vị cơ sở luôn vận động, phát triển. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, chúng tôi luôn cố gắng gần gũi, hiểu bộ đội và tự học, tự rèn nâng cao kỹ năng công tác Đảng, công tác chính trị, trong đó tập trung vào các kỹ năng nắm bắt, quản lý tư tưởng bộ đội.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 4, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 141) tranh thủ chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: NGỌC LÂM 

Cán bộ trung đội là người gần gũi chiến sĩ nhất, cùng bộ đội “từ vươn thở tới tiếng thơ”, là nơi anh em chiến sĩ dễ dàng bộc bạch tâm tư, nguyện vọng và tình cảm như những người bạn, người anh. Vì thế, để làm tốt vai trò này, tôi rất mong muốn cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường các biện pháp bồi dưỡng nội dung, phương pháp nắm, quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ trung đội. Đặc biệt là hiểu rõ quy trình, các khâu, các bước trong tiến hành công tác tư tưởng; phương pháp nắm, quản lý tư tưởng, đưa ra các tình huống tư tưởng nảy sinh trong đơn vị để xử lý; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ trung đội trưởng cống hiến và trưởng thành.

Trung úy NGÔ QUỐC ANH

(Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1)

------

Vài kinh nghiệm để tròn cả “hai vai”

Là đơn vị thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ với cường độ cao, tôi xác định, cần phải làm tốt công tác tư tưởng để bộ đội cảm thấy thoải mái, chuyên tâm phấn đấu. Mặc dù không được đào tạo bài bản, chuyên sâu về quản lý, nắm bắt tư tưởng bộ đội nhưng với nhiệm vụ được phân công và sự hướng dẫn, giúp đỡ của cấp trên, tôi luôn quan tâm, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, giải đáp thấu tình đạt lý các thắc mắc. Những vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, tôi báo cáo cấp trên giải đáp thỏa đáng nhu cầu chính đáng của bộ đội. Để làm tốt việc này, tôi rút ngắn khoảng cách cán-binh bằng cách tham gia tích cực các hoạt động chung của bộ đội như thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ; tuyệt đối không được gia trưởng, áp đặt, quân phiệt với chiến sĩ; đồng thời, lấy giáo dục, thuyết phục là chính song cũng cần nghiêm khắc với những trường hợp quân nhân chấp hành nền nếp, chế độ chưa nghiêm, vi phạm kỷ luật nhằm răn đe những đồng chí khác.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242) giải lao trên thao trường. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Đối với nhiệm vụ huấn luyện, tôi luôn kiểm tra kỹ công tác chuẩn bị giáo án, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập. Quá trình thực hành huấn luyện thực hiện đúng thứ tự, không cắt bớt nội dung, gắn lý thuyết với thực hành, đồng thời tăng cường sử dụng hình ảnh trực quan như đội mẫu, sơ đồ, biểu đồ, mô hình để bộ đội tiếp thu bài nhanh hơn. Những nội dung thực hành như chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, điều lệnh đội ngũ cần ưu tiên dành thời gian tổ chức luyện tập. Trung đội trưởng không phó mặc cho tiểu đội trưởng duy trì tập luyện mà phải kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, kịp thời phát hiện, uốn nắn động tác cho bộ đội. Những đồng chí tiếp thu bài chậm, trung đội trưởng phải trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng hoặc phân công tiểu đội trưởng kiên trì giúp đỡ. Kết hợp huấn luyện nội dung mới với kiểm tra bài cũ, tổ chức hội thao thường xuyên giữa các tổ, tiểu đội để nâng cao ý thức tự học cho bộ đội... Nhờ vậy, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 162, Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) luôn đạt kết quả tốt trong huấn luyện, rèn luyện, bản thân tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2022.

Trung úy PHẠM THẾ DUYỆT

(Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 162, Lữ đoàn 242, Quân khu 3)

--------

Nhiều giải pháp giúp “cán bộ tư tưởng” không chuyên

Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với cường độ cao, căng thẳng; điều kiện học tập, sinh hoạt, hậu phương gia đình một số đồng chí còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tư tưởng, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trong điều kiện ấy, để góp phần giúp chỉ huy đơn vị làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, tâm lý bộ đội, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 118 luôn quan tâm tới việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trung đội-những người trực tiếp quản lý, huấn luyện, thực hiện “4 cùng” với bộ đội hằng ngày. Đây được xem là một trong những biện pháp có ý nghĩa quan trọng, mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trung đội là những cán bộ mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, không được đào tạo chuyên sâu về việc tiến hành công tác tư tưởng cho bộ đội, kinh nghiệm quản lý, nắm bắt tư tưởng, tâm lý bộ đội chưa nhiều, từ đó đặt ra yêu cầu rất lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ là người “cán bộ tư tưởng” không chuyên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để khắc phục khó khăn trên, Tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc thường xuyên bồi dưỡng về hình thức, phương pháp, kinh nghiệm trong tiến hành công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ trung đội, nhất là cán bộ trung đội mới ra trường. Thông qua hoạt động của Tổ tư vấn “Tâm lý, sức khỏe, pháp luật”, Tiểu đoàn đã tạo điều kiện cho các đồng chí là cán bộ trung đội tham gia tư vấn cho quân nhân trong đơn vị để có nhiều cơ hội hơn trong việc rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống tư tưởng thường xảy ra trong đơn vị. Bên cạnh đó, đơn vị phân công cán bộ Tiểu đoàn phụ trách kèm cặp, giúp đỡ, bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới trong các nhiệm vụ. Từ đó, không chỉ giúp đội ngũ cán bộ trung đội nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tư tưởng bộ đội mà còn nâng cao năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong một cách toàn diện, làm tròn cả “hai vai” trong quá trình công tác.

Đại úy ĐÀNG LƯU TRỌNG AN

(Chính trị viên Tiểu đoàn 118, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân)