Đây cũng là cửa ngõ của vùng đất linh thiêng khi đón du khách trên các chuyến tàu biển trong hành trình du lịch ra Côn Đảo. Nhưng lần này ra cảng Bến Đầm, tôi còn được biết đến những vườn rau xanh mướt, với những đàn gia súc, gia cầm đông đúc của bộ đội Hải đội 33, Vùng Cảnh sát biển 3.
Theo Thiếu tá Lê Tiến Kim, Hải đội trưởng Hải đội 33, việc tăng gia sản xuất (TGSX) của đơn vị không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội mà còn là niềm đam mê trồng cây và chăn nuôi gia súc, gia cầm của cán bộ, chiến sĩ. Chả thế mà cứ vào buổi sáng sớm hay hết giờ huấn luyện, học tập cuối buổi chiều, anh em trong Hải đội lại tập trung ra khu trồng trọt, chăn nuôi của mình. Binh nhất Huỳnh Minh Phúc nói rằng: “Chăm bón vườn rau, chăm sóc đàn gà, đàn vịt không chỉ vơi đi nỗi nhớ nhà mà còn giúp chúng tôi thêm yêu Côn Đảo”.
 |
Chiến sĩ Hải đội 33 chăm sóc vườn rau của đơn vị. |
Nhìn những luống rau muống, rau cải, rau dền, mùng tơi, đậu bắp hay luống rau gia vị xanh tốt, ít ai biết công sức của bộ đội đã phải vất vả, công phu đến nhường nào. Côn Đảo xa với đất liền. Đất ở đây chủ yếu là cát, sỏi, đá san lấp biển nên nhiễm mặn rất nặng. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ phải nghĩ cách cải tạo để có thổ nhưỡng phù hợp với các loại rau xanh, cũng như các loại củ, quả. Để có hơn 300m2 đất trồng rau, anh em phải đến các sườn núi, các rãnh thoát nước thu gom từng xẻng đất mùn, chặt một số cây lúp xúp, cỏ dại mang về đơn vị ủ thành phân hữu cơ cải tạo đất. Khối lượng đất anh em gom về làm vườn rau lên tới 50m3. Côn Đảo cũng là một vùng hễ mưa thì nổi đất, mà nắng thì cũng cháy cây. Muốn vườn rau không bị mưa gió làm giập nát, ngập úng, khô héo, bộ đội đã có sáng kiến làm “nhà màng” rộng gần 400m2 và hệ thống tưới tiêu liên hoàn cho khu tăng gia của mình. Chỉ một thời gian ngắn, khu vực trồng rau bán công nghệ cao đã được hình thành và cho những mùa vụ tốt tươi đầu tiên.
Đi vào trong khu nhà màng của Hải đội 33, tôi đã phải trầm trồ vì màu xanh mơn mởn của các loại rau bên bờ sóng. Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận, Chính trị viên Hải đội 33 giới thiệu: “Đây là thành quả của chúng tôi trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ đấy. Không những vậy, đơn vị còn thành lập tổ TGSX để phát triển vườn và các loại vật nuôi”. Ở Côn Đảo, mùa mưa hay xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, nhất là các loại sâu ăn lá. Có nhiều loại côn trùng, sâu bọ khác biệt so với đất liền nên khả năng phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Để rau không bị ảnh hưởng, anh em đã chế ra các loại thuốc trừ sâu từ tỏi, ớt và các chất hữu cơ khác. Ngoài ra, bộ đội còn dành nhiều thời gian để bắt sâu theo phương pháp thủ công vào các buổi sáng sớm và buổi tối. Trong mùa khô, nắng nóng kéo dài, cán bộ, chiến sĩ đã có sáng kiến tưới cây bằng việc xây dựng hệ thống tích nước. Mùa mưa nước sẽ được tích vào một số bể chứa hoặc hố nhỏ, khi mùa khô đến sẽ có nước để sinh hoạt và TGSX.
Ngoài những vườn rau xanh tốt, xung quanh Hải đội 33 còn có rất nhiều loại cây ăn quả. Thiếu tá Trương Duy Quý, Phó hải đội trưởng về quân sự Hải đội 33 nói với chúng tôi: "Tuy ở bên bờ sóng nơi đảo xa nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm mùa nào, thức ấy. Đơn vị cơ bản tự túc được rau xanh và phần lớn thịt gia súc, gia cầm”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, anh đưa tôi đi một vòng quanh đơn vị. Tôi không thể đếm hết được có bao nhiêu cây đu đủ, xoài, chanh, chuối... Theo thống kê của đơn vị, hiện Hải đội 33 có hơn 500 cây chuối đã cho quả, hơn 100 cây xoài, đu đủ, chanh đang đơm hoa, kết trái. Đến khu chuồng trại rộng hơn 1.000m2, Binh nhất Trần Bảo Ngân cầm cái kẻng nhỏ trong tay gõ mấy tiếng, tức thì đàn gia súc, gia cầm thi nhau kéo đến. Bảo Ngân khoe với tôi: “Đơn vị tôi có hơn 100 con gia súc, gia cầm. Có 5 con lợn rừng nái. Chúng chạy lên rừng phối giống tự nhiên rồi về sinh sản”. Không chỉ có vườn rau, hệ thống chuồng chăn nuôi, Hải đội 33 còn có một số lồng nuôi cá ở gần cảng Bến Đầm. Mỗi tháng, cá nuôi và cá câu cũng nhập vào bếp ăn hơn 100kg.
Hơn một giờ đồng hồ mê mẩn với vườn rau, chuồng trại và lồng cá của Hải đội 33, tôi như lạc vào một khu du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Anh em ở đơn vị nói rằng, tuy mới đưa khu TGSX vào hoạt động, nhưng sản lượng rau các loại nhập bếp đạt hơn 500kg/năm... TGSX hiệu quả đã cải thiện tốt đời sống bộ đội, tăng quỹ vốn đơn vị để tái sản xuất và phát triển TGSX trong thời gian sắp tới. Thiếu tá Lê Tiến Kim còn nói vui rằng: “Lần sau anh ra Côn Đảo, khu tăng gia của Hải đội 33 sẽ trở thành nơi tham quan, du lịch hấp dẫn đấy”. Tôi cũng hy vọng là như vậy. Đời sống vật chất và tinh thần của các chiến sĩ Cảnh sát biển ngày càng được nâng cao, cũng là động lực để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG