Cùng với các đơn vị chức năng, BĐBP thành phố luôn chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống, tuần tra kiểm soát khép kín, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. BĐBP thành phố đã phối hợp với lực lượng chức năng của các địa phương lân cận như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang... trao đổi thông tin, tuần tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với “cát tặc”, Thượng úy Vũ Hồng Lâm, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Long Hòa chia sẻ: "Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng của đồn đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ việc vi phạm với nhiều phương tiện. Các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, thường lựa chọn thời điểm khai thác cát vào ban đêm hoặc những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh để trốn tránh lực lượng chức năng". 

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh tạm giữ phương tiện khai thác cát trái phép. Ảnh: NGUYỄN LƯƠNG 

Vừa qua, trong lúc tuần tra, tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa đã phát hiện, tạm giữ 3 phương tiện đang thực hiện hành vi bơm hút cát do các đối tượng: Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1989, thuyền trưởng), Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1985), Vũ Văn Chiến (sinh năm 1995), cùng ngụ tại Nam Định. Ðể bắt quả tang các đối tượng và phương tiện thực hiện các hành vi khai thác cát trái phép không hề đơn giản. 3 phương tiện này nằm cách xa nhau, khi lực lượng chức năng giữ được phương tiện đầu tiên thì các tàu khác lợi dụng đêm tối bỏ chạy. Các lực lượng phải truy đuổi, tiếp cận, yêu cầu thuyền trưởng dừng tàu, hợp tác xử lý vụ việc.

Để thu lợi bất chính, các đối tượng khai thác cát trái phép đã đầu tư phương tiện khai thác hiện đại, công suất lớn, sẵn sàng phi tang vật chứng, quanh co chối tội với lực lượng tuần tra kiểm soát khi bị phát hiện. Do vậy, quá trình trinh sát, phát hiện và bắt giữ người, phương tiện khai thác cát trái phép mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi công tác nắm thông tin, phối hợp triển khai đánh án chặt chẽ. 

Thiếu tá Nguyễn Hoàng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa chia sẻ: "Đấu tranh với "cát tặc" ngay trên biển rất nguy hiểm, do điều kiện đêm tối, sóng to, nhiều đối tượng manh động, có hành vi chống đối người thi hành công vụ. Các tàu khai thác cát trái phép đều từ địa phương khác đến, người trên tàu chỉ là lực lượng làm thuê nên để đấu tranh hiệu quả cần điều tra tận gốc".

Ở các luồng sông lớn của TP Hồ Chí Minh, các phương tiện khai thác cát trái phép luôn có lực lượng cảnh giới, khi bị phát hiện sẵn sàng để lại phương tiện rồi nhảy xuống sông bỏ trốn hoặc nhấn chìm phương tiện (đối với tàu nhỏ), gây khó khăn trong điều tra, xử lý. Để ngăn chặn "cát tặc", BĐBP thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, chủ động phối hợp phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc. Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang quyết liệt triển khai Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh"...

TRẦN TUYẾT