Các dữ liệu địa hình và thông tin địa lý do Cục Bản đồ sản xuất là nền tảng trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là công tác chỉ huy, tham mưu tác chiến và ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, từ năm 1992, Cục Bản đồ đã chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ số hóa bản đồ từ dạng analog sang dạng số, cho ra đời các mảnh bản đồ số đầu tiên. Năm 1995 ứng dụng công nghệ số trong thành lập bản đồ ĐHQS. Từ năm 2005, đã xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý quân sự từ bản đồ số. Nắm bắt xu thế phát triển của khoa học công nghệ địa không gian, năm 2011, Cục Bản đồ chuyển đổi phương thức thành lập CSDL nền địa lý quân sự theo chuẩn quốc gia, sau đó chiết xuất, biên tập ra bản đồ địa hình với chất lượng cao hơn.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Cục Địa hình Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Ảnh: PHÚC THIỆN 

Đến năm 2019, quy trình công nghệ này được phát triển lên mức độ cao hơn đó là việc sản xuất CSDL ĐHQS theo mô hình quản lý tập trung. Đồng thời với đó là việc sản xuất CSDL nền địa lý quân sự, CSDL chuyên đề (GIS mạng giao thông vận tải quân sự, GIS tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ...), thành lập bản đồ 3D các thành phố, xây dựng sa bàn tương tác trong các cuộc diễn tập, bước đầu nghiên cứu, sản xuất bản đồ 4D; thu thập, cập nhật dữ liệu ĐHQS theo thời gian thực, xây dựng hệ thống ngân hàng dữ liệu ĐHQS và cung cấp dịch vụ bản đồ số trực tuyến.

Hiện nay, dữ liệu ĐHQS của Cục và ngành rất lớn, lên tới hàng nghìn Terabytes, gồm: Ảnh vệ tinh, ảnh hàng không, UAV, mô hình số độ cao, CSDL nền địa lý, bản đồ số các dãy tỷ lệ từ 1:10.000 đến 1:1.000.000, bản đồ 3D các thành phố trọng điểm trên phạm vi rộng lớn bao gồm cả khu vực ngoài lãnh thổ.

Những năm tới, yêu cầu đặt ra với Cục Bản đồ và ngành ĐHQS là việc xây dựng các tiêu chuẩn CSDL nền địa lý quân sự, chuyên đề. Việc quản lý, khai thác và cập nhật CSDL nền địa lý, bản đồ số trực tuyến theo thời gian thực là rất quan trọng, đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho các cơ quan, đơn vị trong công tác tham mưu tác chiến trên phạm vi rộng lớn theo thời gian thực, đặc biệt là bảo đảm CSDL địa hình theo chuẩn quy định cho các vũ khí, phương tiện trang bị công nghệ cao.  

Để phát huy vai trò, vị trí của của ngành ĐHQS trong kỷ nguyên số, là nền tảng cho CĐS của các ngành có liên quan, trước hết đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về CĐS đối với cán bộ, nhân viên ngành ĐHQS; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS ngành ĐHQS.

Tạo cơ chế, chính sách phù hợp, trong đó nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh các quy định, quy trình xử lý công việc phù hợp với phương thức làm việc trên môi trường điện tử, môi trường số. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất, yêu cầu của ngành ĐHQS. Tập trung xây dựng, ban hành các quy chế, quy định của ngành ĐHQS để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển CĐS. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng và các dịch vụ phục vụ CĐS ngành ĐHQS. Chủ động liên kết, phối hợp, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phù hợp để huy động, phát huy nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ về CĐS. Tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng các giải pháp, chính sách phù hợp để đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành ĐHQS.

Tập trung phát triển hạ tầng số ngành ĐHQS theo hướng hiện đại, đồng bộ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong khảo sát, đánh giá, quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ phục vụ CĐS. Thực hiện nâng cấp, xây dựng hạ tầng, nền tảng CĐS ngành ĐHQS hiện đại, đồng bộ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, tích cực ứng dụng thành tựu khoa học ĐHQS tương ứng vào lĩnh vực công tác tham mưu và bảo đảm địa hình.

Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hút, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình CĐS của ngành ĐHQS. Gắn việc ứng dụng công nghệ với công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Triển khai các công cụ ký số, mã hóa, bảo mật dữ liệu ĐHQS phục vụ trao đổi trên môi trường mạng và lưu trữ tài liệu điện tử. Xây dựng các giải pháp bảo mật, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trên cơ sở tận dụng hạ tầng công nghệ hiện có, bổ sung trang thiết bị cần thiết. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt an toàn thông tin, an ninh mạng và ứng cứu sự cố khi có tình huống.  

Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong CĐS, các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực địa không gian. Nghiên cứu, ứng dụng nền tảng lưu trữ, phân tích, xử lý, khai thác dữ liệu lớn ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán xử lý dữ liệu địa không gian một cách hiệu quả. Quan tâm công tác huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, nhân viên ngành ĐHQS. Chủ động tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc cả về pháp lý và kỹ thuật để có thể truyền dữ liệu một chiều từ internet sang mạng truyền số liệu quân sự và ngược lại để triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu ĐHQS trực tuyến theo thời gian thực.

Kỷ nguyên số tạo ra nhiều cơ hội phát triển đối với ngành ĐHQS nhưng cũng có nhiều thách thức không nhỏ. Nhiệm vụ của Cục Bản đồ và ngành ĐHQS ngày càng nhiều, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. Điều đó đặt ra cho các cấp ủy, chỉ huy và mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Cục Bản đồ và ngành ĐHQS phải có quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS HOÀNG MINH NGỌC, Cục trưởng Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.