Căn cứ Sắc lệnh số 121/SL ngày 11-7-1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, ngày 20-7-1950, Tổng Quân ủy, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Ngô Minh Loan tuyển chọn cán bộ, thành lập Cục Bảo vệ (tiền thân của Cục BVAN Quân đội ngày nay).

Kể từ đó, Quân đội có một đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng của cơ quan công tác Đảng, công tác chính trị, tiến hành bằng các biện pháp tư tưởng và tổ chức, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và quần chúng, phát huy tính tích cực của mọi người tham gia công tác phòng gian, giữ bí mật, bảo đảm an ninh, an toàn cho Quân đội, phòng, chống địch phá hoại; thực hiện chức năng của cơ quan nghiệp vụ an ninh tiến hành bằng các biện pháp trinh sát, điều tra, khám phá những vụ án phản cách mạng, những phần tử gián điệp xâm nhập nội bộ Quân đội và đấu tranh với những phần tử bất lương, bảo đảm cho tổ chức đảng, tổ chức Quân đội trong sạch, vững mạnh.

Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, kiểm tra đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ an ninh Quân đội. Ảnh: TRUNG HIẾU

Ngay sau khi thành lập, Cục Bảo vệ đã nhanh chóng xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu, ghi dấu ấn đặc biệt trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Cục Bảo vệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan làm tốt công tác BVAN, tham gia nhiều chiến dịch lớn, như: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Thượng Lào... Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thủ trưởng Cục Bảo vệ đã nhận diện đúng tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Đảng ủy mặt trận những cơ sở “quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến”, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, tạo ra sự bất ngờ về chiến thuật, cơ sở quan trọng để quân và dân ta giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ đã chủ trì thực hiện tốt công tác bảo vệ các an toàn khu, căn cứ địa cách mạng, Bộ Tổng Tư lệnh, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến và đặc biệt là bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội; giải quyết một số vụ việc phức tạp, làm trong sạch nội bộ, giúp cho Quân đội ổn định, giữ vững sức mạnh chiến đấu. Đánh giá tầm quan trọng của “đội quân thầm lặng”, tại Hội nghị công tác bảo vệ toàn quân lần thứ nhất (tháng 2-1954), đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh: “Công tác bảo vệ là một công tác quan trọng trong việc xây dựng Quân đội, là một thứ công tác chính trị bảo vệ Đảng, bảo vệ Quân đội, nó nhằm đề phòng và tiêu diệt kẻ địch bí mật chui rúc và phá hoại nội bộ ta... Tiến hành công tác bảo vệ là nhằm làm cho Quân đội được vững mạnh và trong sạch về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, củng cố và không ngừng tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cục Bảo vệ đã chủ động tham mưu cho Tổng Quân ủy (từ năm 1961 là Quân ủy Trung ương), Bộ Tổng Tư lệnh, Tổng cục Chính trị chỉ đạo công tác bảo vệ trong toàn quân một cách toàn diện, xây dựng hệ thống cơ quan bảo vệ trong toàn quân khá hoàn chỉnh, đào tạo được đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ bước đầu đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh và ổn định tình hình chính trị-xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị các điều kiện để quân và dân ta sẵn sàng đối phó với âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ.

Đẩy mạnh chống chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý, phá hoại, giữ vững an ninh chính trị trong Quân đội; bảo đảm an toàn tuyệt đối bí mật, nhất là các chủ trương, kế hoạch chiến lược của Đảng, Quân đội và cơ quan đầu não Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng-Tổng tư lệnh, các đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu ở chiến trường; bảo vệ Chiến dịch Đường 9-Bắc Quảng Trị, mặt trận B4, B5, B2. Phối hợp với lực lượng cảnh vệ, Bộ Công an bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi thăm hỏi, động viên các đơn vị LLVT chiến đấu; chủ động đấu tranh chống các phần tử thoái hóa, biến chất trong Đảng và thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là tham gia bảo vệ và giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời. Chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị ban hành các chỉ thị, hướng dẫn về công tác bảo vệ để chỉ đạo kịp thời các tình huống phức tạp xảy ra trong chiến tranh; đấu tranh chống địch hoạt động thâm nhập, cài cắm vào nội bộ ta.

Thiếu tướng Bùi Trọng Vĩnh, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trao quà tặng các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Định Hóa (nay là xã Định Hóa), tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cục Bảo vệ đã chỉ đạo bảo đảm an toàn tuyệt đối bí mật về ý đồ, quy mô, lực lượng, thời gian... tiến hành các chiến dịch; bảo đảm giữ bí mật các cuộc họp quan trọng trong thời gian chuẩn bị và triển khai lực lượng; tăng cường các biện pháp nắm tình hình hoạt động điều tra, thu thập tin tức của địch; đồng thời cử cán bộ tăng cường đến các đơn vị, địa bàn chiến lược quan trọng để nắm tình hình, trực tiếp tham gia thực hiện phòng gian, giữ bí mật; tham gia bảo đảm an toàn cho thông tin liên lạc, các sở chỉ huy mặt trận, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đầu năm 1979, theo yêu cầu nhiệm vụ quốc tế, Cục Bảo vệ đã cử một số cán bộ sang làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia thực hiện công tác BVAN quân đội, chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary và tiến hành công tác bảo vệ cho các lực lượng chuyên gia công tác tại Campuchia; tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác BVAN trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; tăng cường điều tra các vụ án gián điệp, phản cách mạng và các vụ án xảy ra trong Quân đội; thực hiện tốt công tác bảo vệ nội bộ Đảng trong Quân đội.

Vào những năm đầu của thập niên 2010, tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đất nước ta từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc phòng song phương và đa phương được mở rộng đã tạo ra cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác BVAN Quân đội, ngày 6-6-2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1955/QĐ-BQP về việc đổi tên Cục Bảo vệ thuộc Tổng cục Chính trị thành Cục BVAN Quân đội; kiện toàn tổ chức, biên chế (10 phòng, 2 ban, 6 đoàn, 2 trung tâm).

Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác BVAN Quân đội trong xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, từ năm 2014 đến nay, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn của trên, Cục BVAN Quân đội đã nghiên cứu, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị và lãnh đạo, chỉ huy các cấp những chủ trương, giải pháp tiến hành công tác BVAN Quân đội. Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên và trực tiếp ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác BVAN phù hợp với tình hình thực tiễn đơn vị. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội trong trao đổi thông tin tình hình và thực hiện các nhiệm vụ, phục vụ hiệu quả công tác BVAN quốc gia, an ninh Quân đội. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan BVAN các cơ quan, đơn vị thực hiện có nền nếp chế độ thông tin, thông báo tình hình, giáo dục nâng cao cảnh giác, giúp cán bộ, chiến sĩ nắm chắc âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch để chủ động trong công tác phòng ngừa.

Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân đội về bảo vệ chính trị nội bộ; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ động phối hợp, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội, làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quân. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan BVAN các đơn vị nắm, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề phát sinh trong nội bộ, nhất là các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, quần chúng và các tác động tiêu cực ngoài xã hội vào nội bộ Quân đội. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị, phục vụ các nhiệm vụ. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác bảo vệ bí mật.

Cục Bảo vệ an ninh Quân đội hành quân về nguồn tại khu di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và ngành Bảo vệ an ninh Quân đội (20-7-1950 / 20-7-2025). Ảnh: TRUNG HIẾU

Thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng Tổng cục Chính trị những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực an ninh đối ngoại, an ninh kinh tế; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương, đa phương, các đoàn ngoại giao quân sự, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin tài liệu trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng và hợp tác trong lĩnh vực thương mại quân sự.

Thực hiện tốt chức năng cơ quan đầu ngành an ninh điều tra trong Quân đội, Cục BVAN Quân đội đã khởi tố, điều tra, làm rõ nhiều vụ xâm phạm an ninh Quân đội. Thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và tổ chức đấu tranh, làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; chủ động tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, Cục BVAN Quân đội còn thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển phong trào nghiên cứu khoa học và từng bước nâng cao chất lượng cán bộ toàn ngành BVAN, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục BVAN Quân đội và ngành BVAN Quân đội đã xây dựng nên truyền thống “Trung thành, tận tụy, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, kỷ luật, hiệp đồng, tích cực bảo vệ mình, chủ động tiến công địch”; được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: 01 Huân chương Quân công hạng Nhất; 01 Huân chương Quân công hạng Nhì; 03 Huân chương Quân công hạng Ba; 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 02 Huân chương Chiến công hạng Ba; 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do hạng Nhì. Ngày 9-8-2000, Cục BVAN Quân đội được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới. Nhiều đơn vị trong Cục được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý; nhiều lượt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc Cục nói riêng và toàn ngành BVAN Quân đội nói chung được khen thưởng thành tích chiến đấu, học tập, công tác và xây dựng đơn vị, nhiều đồng chí được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”.

Những chiến công thầm lặng trong 75 năm qua là niềm vinh dự, tự hào và là động lực để các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục BVAN Quân đội, ngành BVAN Quân đội hôm nay và mai sau phát huy truyền thống, xung kích, sáng tạo, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng ngành BVAN Quân đội ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cùng với toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Thiếu tướng BÙI TRỌNG VĨNH, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.