Ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền Xô-viết, V.I.Lenin đã rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cho rằng công tác này có tính chất quyết định đối với sự thành công hay thất bại trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của một đảng, một nhà nước. V.I.Lenin từng viết trong bài “Những nhiệm vụ bức thiết của phong trào chúng ta” (năm 1900): “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(1)

Vận dụng một cách sáng tạo và phát triển những quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng vào điều kiện của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2); “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(3). Người cũng rất coi trọng vai trò của người cán bộ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4)

Để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, ngày 15-4-1945, chấp hành Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ và chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trường Quân chính kháng Nhật-tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay được thành lập. Sự ra đời của Trường Quân chính kháng Nhật đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự, chính trị làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đồng thời đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ Quân đội của Đảng sau này. Cũng từ đây, những nhà giáo đầu tiên của các nhà trường Quân đội đã bắt đầu viết nên những trang sử hào hùng của đội ngũ nhà giáo Quân đội. Gắn liền với sự phát triển của Quân đội, trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) Quân đội đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chính trị ở miền Nam, giữa bộn bề khó khăn chung, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy: “Để huấn luyện quân sự cho cán bộ một cách có hệ thống và chu đáo, cán bộ quân sự đều phải qua luân lưu các trường một thời gian tương đối dài...”, ĐNNG, CBQLGD đã ngày đêm lăn lộn, bám sát các hoạt động quản lý, huấn luyện, dạy và học ở các nhà trường để từ đó tự học, tự tìm hiểu đúc rút thành những lý luận, xây dựng các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị, sát với yêu cầu của chiến trường đặt ra.

 Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo khoa học "Hành trình 40 năm nhà giáo Quân đội - cống hiến và phát triển". Ảnh: MINH ANH 

 

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, bình định ở miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Trước yêu cầu bức thiết của chiến trường và nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương chỉ đạo: “Chuyển hướng mạnh mẽ nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kiểu thời chiến, lấy bồi dưỡng ngắn ngày, tập huấn luyện, kèm cặp trong thực tế chiến đấu và công tác là chủ yếu... Phương châm bồi dưỡng là phải kết hợp học và làm, bồi dưỡng tại trường và rèn luyện, thực tập tại đơn vị, trong chiến đấu... Đưa giáo viên xuống sát với đơn vị, vừa phụ trách vừa huấn luyện, giảng dạy, luân lưu đi rèn luyện chiến đấu...”. Theo đó, ĐNNG, CBQLGD vừa tiếp tục huấn luyện, dạy và học, vừa tích cực chuyển hướng đào tạo từ cơ bản, hệ thống sang đào tạo cấp tốc ngắn ngày xen kẽ với đào tạo hệ thống dài ngày, phù hợp với từng chiến trường và từng giai đoạn cách mạng đặt ra.

“Đưa chiến trường gần với giảng đường”, đó là mệnh lệnh từ trái tim của các nhà giáo quân đội. Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, hàng nghìn nhà giáo từ các nhà trường đã lên đường vào mặt trận, trực tiếp chỉ huy chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nghiên cứu thực tế, phân tích, đánh giá những yêu cầu bức thiết của chiến trường, đúc rút kinh nghiệm thành lý luận để biên soạn tài liệu, đưa vào hoạt động huấn luyện, giảng dạy và học tập. Nhiều người trong số họ đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh, nằm lại nơi chiến trường, máu xương hòa lẫn vào đất trời, núi sông đất nước, vào những trang giáo án để đào tạo cho các thế hệ sau.

Hòa bình lập lại, trước yêu cầu mới của công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch về xây dựng, phát triển ĐNNG, CBQLGD Quân đội như: Đề án “Kiện toàn phát triển ĐNNG Quân đội đến năm 2010”; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 27-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD-ĐT trong tình hình mới; Chiến lược phát triển GD-ĐT trong Quân đội giai đoạn 2011-2020... ĐNNG Quân đội tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng đã được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, nâng cao trình độ để triển khai thực hiện thắng lợi các đề án, chiến lược về GD-ĐT; ngày đêm miệt mài nghiên cứu khoa học, trau dồi đạo đức, tri thức, nghiệp vụ; say mê bên trang giáo án, trên giảng đường, thao trường... vì học viên thân yêu, vì sự phát triển của nhà trường, của Quân đội và đất nước.

Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 27-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là các học viện, nhà trường Quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, kiện toàn phát triển ĐNNG, CBQLGD bảo đảm đồng bộ, cân đối về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nhà khoa học đầu ngành, ĐNNG có trình độ sau đại học, đạt chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, tin học, kiểm định chất lượng đào tạo cho ĐNNG, CBQLGD. Điều động, luân chuyển cán bộ về các nhà trường công tác từ số cán bộ tốt nghiệp ở các nhà trường và cán bộ đơn vị, khắc phục tình trạng thiếu giảng viên, giáo viên, mất cân đối giữa các chuyên ngành và bảo đảm lực lượng kế cận giữa các thế hệ. Trong 15 năm qua, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức 232 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 10.456 nhà giáo, CBQLGD. Các nhà trường cử 57.383 nhà giáo, CBQLGD đi đào tạo, bồi dưỡng; 4.082 lượt nhà giáo, CBQLGD đi thực tế và tham quan thực tế, diễn tập tại các đơn vị và BQP tổ chức.

Tổ chức xét, đề nghị công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS, danh hiệu NGND, NGƯT, giảng viên giỏi các cấp đúng quy định, trong 15 năm đã xét, đề nghị công nhận 50 GS, 708 PGS, 20 NGND, 172 NGƯT, 1.374 giảng viên giỏi cấp BQP; 202 giảng viên, giáo viên cao cấp, 1.721 giảng viên, giáo viên chính. Chất lượng ĐNNG, CBQLGD được nâng lên rõ rệt. Cơ bản ĐNNG, CBQLGD có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, có trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng và phương pháp sư phạm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, ĐNNG, CBQLGD các nhà trường đã có 94,22% trình độ đại học trở lên, trong đó 45,6% trình độ sau đại học (34,69% thạc sĩ, 10,91% tiến sĩ). Riêng ĐNNG có trình độ sau đại học đạt 62,13%, tăng 24,43% so với năm 2007.

Công tác chính sách đối với ĐNNG, CBQLGD được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp và các nhà trường quan tâm. Hằng năm, Bộ Quốc phòng đều tổ chức lễ tôn vinh, khen thưởng các nhà giáo đạt chuẩn chức danh GS, PGS, danh hiệu NGND, NGƯT, nhà giáo giỏi cấp BQP. Các nhà trường tổ chức tốt việc gặp mặt, tôn vinh nhà giáo, CBQLGD nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Hỗ trợ kinh phí đối với GS, PGS, tiến sĩ trực tiếp tham gia nghiên cứu, giảng dạy. Tích cực, chủ động xây nhà công vụ, tham gia các dự án nhà ở theo chỉ tiêu của BQP; kịp thời giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ; tổ chức an dưỡng, nghỉ dưỡng cho cán bộ bảo đảm chu đáo, đúng chế độ, tiêu chuẩn.

Trong thời gian tới, GD-ĐT cùng với khoa học và công nghệ tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Quân đội được xây dựng, tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với công tác GD-ĐT.

Để phát huy truyền thống vẻ vang của ĐNNG, CBQLGD và xây dựng ĐNNG, CBQLGD Quân đội trong thời kỳ mới góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội về xây dựng ĐNNG, CBQLGD, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11-2-2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt là triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết mới của Quân ủy Trung ương về GD-ĐT thay thế Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW. Thực hiện có hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của bản thân ĐNNG, CBQLGD; đồng thời phải làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp từ các học viện, trường, cấp quản lý trường và cấp BQP.

Thứ hai, xây dựng ĐNNG, CBQLGD phải có quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; thông qua các chương trình mục tiêu, đề án, dự án của Nhà nước và BQP triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 5, 10 năm. Tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng ĐNNG và CBQLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong Quân đội giai đoạn 2021-2030”. Trên cơ sở kế hoạch kiện toàn, phát triển ĐNNG, các cấp quản lý, các học viện, trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của BQP để triển khai, thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo có trình độ sau đại học, đặc biệt là nhà giáo có khả năng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và danh hiệu NGND, NGƯT.

Thứ ba, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng ĐNNG, CBQLGD phải kết hợp chặt chẽ các vấn đề: Đào tạo, bồi dưỡng dài hạn với ngắn hạn; đào tạo học vấn với đào tạo theo chức vụ; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng về công nghệ thông tin; năng lực ngoại ngữ thường xuyên ở cơ sở với bồi dưỡng chuyên sâu ở cấp BQP. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, bổ sung nhà giáo, CBQLGD; xây dựng ĐNNG, CBQLGD có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh; có kiến thức, năng lực toàn diện, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng về công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kiến thức thực tiễn, đạt chuẩn theo quy định; có sức khỏe, độ tuổi phù hợp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Coi trọng tập huấn, bồi dưỡng, bổ sung các nội dung mới, các vấn đề mới xuất hiện trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như “giáo dục thông minh”, “chuyển đổi số”... cho nhà giáo và CBQLGD.

Thứ tư, xây dựng ĐNNG, CBQLGD phải gắn với yêu cầu xây dựng nhà trường, tiêu chuẩn chức vụ quản lý giáo dục, chức danh giảng dạy của nhà giáo; các chế độ chính sách thu hút, khuyến khích nhà giáo yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy của BQP về xây dựng, quản lý, phát triển ĐNNG, CBQLGD quân đội phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà giáo Quân đội được tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ. Ngoài đầu tư kinh phí cho tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo còn phải tăng cường đầu tư hiện đại hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho nhà giáo ở các học viện, trường.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý, đào tạo, bồi dưỡng ĐNNG, CBQLGD; thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên thỉnh giảng. Kết hợp chặt chẽ giữa GD-ĐT với nghiên cứu khoa học trong các nhà trường Quân đội.

Thứ sáu, ĐNNG, CBQLGD trong Quân đội cần phát huy truyền thống vẻ vang của đội ngũ, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng nhà trường Quân đội thực sự chính quy, mẫu mực, nhà trường phải đi trước, đi đầu trong phong trào thi đua của các đơn vị.

Các nhà giáo, CBQLGD cần phải nỗ lực, cố gắng không ngừng để nâng cao trình độ, nhất là về ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng sư phạm, kiến thức thực tiễn... thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" để học viên noi theo. Tích cực quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho học viên, đội ngũ cán bộ trẻ nhằm bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận để Quân đội có nhiều GS, PGS, NGND, NGƯT, giảng viên dạy giỏi, giáo viên dạy giỏi hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng ĐNNG, CBQLGD Quân đội là nhiệm vụ thường xuyên; là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cũng là trách nhiệm cao cả của mọi nhà giáo, CBQLGD trong sự nghiệp GD-ĐT Quân đội nói riêng, cho sự nghiệp GD-ĐT của đất nước nói chung. Thực hiện tốt các nội dung trên một cách đồng bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ĐNNG, CBQLGD Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT, nghiên cứu khoa học trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

------------------------------

(1) V.I. Lenin: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, t.4, tr.473

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309

Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng