Khi quay lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này, gia cố, xây thêm nhiều công sự kiên cố, nhằm bảo vệ đường bộ và đường sắt qua đèo. Đây là cứ điểm lẻ, lực lượng địch đồn trú không nhiều, địa hình rất hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, đường độc đạo đi qua, là nơi “dễ thủ, khó công”, lực lượng ta ít hoạt động nên quân địch càng chủ quan. Tiến công Đồn Nhất nhằm mục tiêu thu hút sự chú ý của địch để lực lượng tham gia chiến dịch Hè Thu rút về hậu phương an toàn, đồng thời làm rối loạn hậu phương của chúng.

Đại đội 6 (Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu 5) đã vượt chặng đường dài, qua núi đèo hiểm trở, bí mật tiếp cận mục tiêu mà địch không hay biết. 1 giờ 30 phút ngày 25-9-1952, trận tiến công Đồn Nhất được mở màn bằng tiếng nổ của khối bộc phá nặng 20kg nhưng lô cốt địch không sập vì quá kiên cố. Vận dụng chiến thuật đánh tháp canh, ta dùng thang tre leo lên đỉnh để đánh thủ pháo vào bên trong. Sau hai giờ chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch tại Đồn Nhất, thu nhiều súng và quân trang, quân dụng của địch.

Khẩu đội Tên lửa A72, Lữ đoàn Pháo phòng không 573 (Quân khu 5) huấn luyện bắn máy bay bay thấp. Ảnh: VIỆT HÙNG 

Chiến thắng Đồn Nhất là điểm nhấn trong thắng lợi của Chiến dịch Hè Thu 1952. Trong chiến dịch ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên địch, san bằng 7 cứ điểm, 5 tháp canh, phá vỡ hệ thống bảo vệ vòng ngoài căn cứ liên hiệp Đà Nẵng của chúng. Vùng du kích Bắc Quảng Nam được mở rộng đến sát ngoại ô TP Đà Nẵng và Hội An.

Thắng lợi Chiến dịch Hè Thu 1952 và trận tiến công Đồn Nhất để lại một số kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 5 hiện nay. Trước hết, xây dựng lực lượng vũ trang quân khu vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, lấy vững mạnh về chính trị làm cơ sở, theo tư tưởng “người trước, súng sau”, trong đó, yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu. Chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, ý chí cách mạng kiên cường bất khuất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử của trận Đồn Nhất-Hải Vân Quan, xuất phát từ nền tảng chính trị vững vàng, tinh thần kiên cường, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết chặt chẽ của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6. Dù vũ khí, trang bị của ta còn thô sơ và thiếu thốn nhưng vẫn quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng huấn luyện nói chung, huấn luyện chiến thuật nói riêng, gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, tăng cường bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Chiến thuật là nội dung quan trọng trong huấn luyện chiến đấu. Huấn luyện chiến thuật căn cứ vào điều lệnh, điều lệ, mệnh lệnh và các chỉ lệnh huấn luyện; đối tượng tác chiến; biên chế vũ khí, trang bị; nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội, đặc điểm khu vực địa hình tác chiến; kinh nghiệm thực tế chiến đấu, bảo đảm theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu. Từ huấn luyện đến thực hành chiến đấu giành thắng lợi, xuất phát từ thực tiễn lịch sử trận đánh Đồn Nhất, cần đặc biệt chú ý đến công tác trinh sát, phải nắm chắc tình hình địch, xác định rõ tính chất mục tiêu, bảo đảm đầy đủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật để đơn vị chiến đấu nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế thấp nhất tổn thất xương máu của bộ đội.

Trung tướng THÁI ĐẠI NGỌC, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5