Chính vì vậy, đơn vị có nhiều tổ, đội sản xuất đóng quân phân tán giúp bà con phát triển nhiều mô hình kinh tế phù hợp. Thực tế, nhiều cán bộ có kinh nghiệm là người ở địa phương nên am hiểu đặc điểm, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đã giúp bà con phát triển sản xuất, có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dự án thời gian qua. Tuy nhiên, hằng năm, số lượng cán bộ nghỉ chờ hưu từ 3 đến 5 đồng chí, đây là sự thiệt thòi lớn trong sử dụng “chất xám” của đơn vị.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Cư M’gar (Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc) trao đổi với người dân về kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Để tiếp tục nhận được sự cống hiến của cán bộ nghỉ chờ hưu, đơn vị luôn động viên anh em gương mẫu trong phát triển kinh tế nơi cư trú; tham gia các tổ, hội, hợp tác xã để đồng hành với chính quyền địa phương, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, phát triển tiểu thủ công nghiệp... theo khả năng của mình. Đồng thời, khi triển khai dự án hoặc mô hình kinh tế, đơn vị tham khảo ý kiến của lực lượng này, xem đây là nhân tố tích cực trong giúp đỡ đội ngũ cán bộ kế cận và công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Từ đó, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa... góp phần làm đổi thay diện mạo của địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Thượng tá NGUYỄN VĂN ĐỜI
(Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 959, Quân khu 9)
-----------
Sâu nặng tình đồng đội, tình quân dân
Tôi nhập ngũ tháng 9-1990. Đến tháng 9-1995 thì thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, tôi được điều động về công tác ở một số đơn vị. Đến năm 2014, tôi về nhận nhiệm vụ trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2). Vốn là người dân tộc Tày nên tôi khá hiểu văn hóa, tập tục cũng như tiếng nói của bà con nơi đơn vị đóng quân, thực hiện nhiệm vụ. Tôi cũng tự học thêm tiếng của bà con dân tộc Mông, Thái, Dao làm vốn sống, phục vụ công tác. Trước lúc nghỉ chờ hưu, tôi đề xuất với thủ trưởng đơn vị tổ chức một số lớp dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Tôi cũng chia sẻ với anh em các phong tục và kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con để họ làm tốt hơn công tác dân vận, nắm và quản lý chắc tình hình địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
32 năm công tác trong quân đội thấm thoắt trôi qua, tháng 10-2021, tôi được đơn vị cho nghỉ chờ hưu. Tình cảm đồng chí, đồng đội và kỷ niệm mỗi lần xuống các địa bàn cơ sở, tiếp xúc với chính quyền, bà con vùng biên huyện Bát Xát (Lào Cai) là những điều tôi nhớ mãi. Vui hơn nữa đó là anh em trong đơn vị và bà con vẫn thường xuyên điện thoại hỏi thăm, chia sẻ buồn vui.
Trung tá HOÀNG VĂN NẾU
(nguyên trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345, Quân khu 2)
-----------
Vài kinh nghiệm để làm tốt chức trách tiểu đội trưởng
Chỉ còn ít tháng nữa là chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Cùng với duy trì, thực hiện nghiêm kỷ luật, mệnh lệnh, nền nếp sinh hoạt, nội vụ vệ sinh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tôi biết mình cần có trách nhiệm bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho đồng chí đảm trách nhiệm vụ tiểu đội trưởng kế tiếp. Công tác ở đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở địa bàn biên giới nên chúng tôi thường xuyên thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen với cường độ hoạt động cao. Để tránh bỏ sót việc, hằng ngày giao ban trung đội, đại đội tôi thường mang theo sổ tay và ghi chép kế hoạch chi tiết, đầy đủ. Trên cơ sở nhiệm vụ cấp trên giao, tôi phân công cụ thể cho từng đồng chí, từng tổ, trong đó chỉ rõ việc cần phải làm và thời gian hoàn thành. Là tiểu đội trưởng nhưng tôi tuyệt đối không "khoán trắng" việc cho chiến sĩ mà luôn sâu sát kiểm tra, tham gia làm cùng với anh em.
Ngoài những nhiệm vụ được xác định trong kế hoạch, chúng tôi còn thường xuyên thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính đột xuất. Điều này đòi hỏi người tiểu đội trưởng phải luôn chủ động, bao quát được công việc chung của tiểu đội và linh hoạt điều chỉnh quân số hợp lý để tham gia làm những việc đột xuất khi chỉ huy cấp trên yêu cầu; kịp thời báo cáo chỉ huy những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Thời điểm cùng lúc tiểu đội phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, tôi sẽ ưu tiên quân số vào thực hiện những công việc cấp thiết, quan trọng trước. Nhờ đó mà tiểu đội tôi luôn hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, được chỉ huy các cấp ghi nhận, thường xuyên biểu dương.
Hy vọng rằng, những kinh nghiệm từ thực tiễn gần hai năm công tác trong quân ngũ của tôi có thể giúp các đồng đội nhập ngũ sau vận dụng tốt vào quá trình công tác tại đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy các cấp giao cho, xây dựng trung đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Trung sĩ BÙI THÀNH ĐẠT
(Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3)