Hội thi được tổng kết, đánh giá, trao thưởng trong chương trình Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 124 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới và 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức ngày 21-7-2023.
Tham dự Hội thi có 123 thí sinh được tuyển chọn từ các đồng chí có thành tích cao trong Hội thi của 59/59 cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương trên địa bàn các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; trong đó, đối tượng trong Quân đội có 99 đồng chí, đối tượng DQTV có 24 đồng chí.
Đối tượng thí sinh trong Quân đội và DQTV tham gia Hội thi rất đa dạng về chức vụ, cấp bậc, trình độ học vấn, giới tính. Về chức vụ: Có 29 đồng chí cán bộ chính trị cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương; 70 đồng chí cán bộ chính trị cấp tiểu đoàn, đại đội, trợ lý cơ quan và tương đương thuộc đối tượng trong Quân đội; 18 đồng chí chính trị viên, 6 đồng chí chính trị viên phó thuộc đối tượng DQTV. Về cấp bậc: Thượng tá, đại tá: 23 đồng chí; thiếu tá, trung tá: 45 đồng chí; thượng úy, đại úy: 23 đồng chí; trung úy: 7 đồng chí; công nhân viên: 1 đồng chí. Về trình độ học vấn: Có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 2 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 85 cử nhân thuộc đối tượng trong Quân đội; 9 thạc sĩ, 15 cử nhân thuộc đối tượng DQTV. Tỷ lệ nữ tham gia Hội thi cao (16/123 = 13%, riêng đối với DQTV 14/24 = 58,33%).
 |
Các thí sinh bước vào vòng thi đầu tiên. |
Ban giám khảo được cơ cấu phù hợp, cân bằng, trong 19 giám khảo, có 6 cán bộ cơ quan, 8 chủ nhiệm khoa, 3 phó chủ nhiệm khoa, 2 giảng viên ở các học viện, nhà trường, bảo đảm có đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để đánh giá chính xác, khách quan kết quả thi của các thí sinh. Giám khảo chấm thi tập trung theo thời gian điều hành của Ban tổ chức. Phần thi thực hành ở vòng chung khảo để chọn thí sinh giải nhất, nhì, ba, “áp lực” để giám khảo quyết định cho điểm là rất lớn, sau khi 5 thí sinh thi đầu tiên hoàn thành, giám khảo phải công bố điểm thi của 5 thí sinh một lần; sau đó thí sinh thi thứ 7 hoàn thành thì công bố điểm của thí sinh thứ 6, cứ như vậy cho đến thí sinh cuối cùng.
Đối tượng tham gia dự thi rất đa dạng, đặc biệt đây là lần đầu tiên tổ chức cho đối tượng là chính trị viên, chính trị viên phó DQTV (thường là Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp ở địa phương có lực lượng tự vệ) tham gia Hội thi cùng đối tượng trong Quân đội; tạo cơ hội để học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nhiều đồng chí khối Quân đội tham quan, giao lưu, học tập khối DQTV, nhiều đồng chí DQTV theo dõi, học tập khối thi của Quân đội. Do vậy, kết quả Hội thi có 100% đạt giỏi.
Có rất nhiều nội dung mới được đưa vào Hội thi như: Những quan điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; nội dung Quy chế công tác GDCT, Quy chế quản lý tư tưởng quân nhân; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; một số hiểu biết về xã hội, pháp luật, kỷ luật, chế độ, chính sách đối với quân nhân và DQTV; vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân”; xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại; xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Hình thức thi đã tổ chức bốc thăm bài, chuyên đề tham gia dự thi của thí sinh, tạo ra tính thực tế trong soạn, thục luyện bài giảng, tạo tiền đề để chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tổ chức, duy trì nghiêm chế độ soạn, thông qua bài giảng ở cơ quan, đơn vị. Thi nhận thức bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính với các câu hỏi nhận thức được phần mềm sinh đề tự động, được Ban tổ chức quản lý chặt chẽ, không để lộ, lọt đề thi. Bài giảng khi chấm được tổ thư ký đánh số phách, phân công ban giám khảo chấm. Quá trình giảng bài thi thực hành, thí sinh vận dụng linh hoạt phương pháp sư phạm, cả truyền thống và hiện đại, kết hợp sử dụng các thiết bị bổ trợ cho phù hợp với đối tượng và xử lý một số tình huống sư phạm do giám khảo hỏi, làm rõ hơn các nội dung xung quanh bài giảng.
Kết quả phần thi soạn bài giảng, các thí sinh đã chuẩn bị bài giảng đúng quy cách, bố cục chặt chẽ, khoa học; sáng tạo trong việc vận dụng lý luận và thực tiễn; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm; thể hiện khái quát, cô đọng theo ý định, mục đích, yêu cầu của bài; những chi tiết cần phân tích làm rõ; có mở rộng, liên hệ thực tiễn có số liệu, ví dụ chứng minh phù hợp, rõ ràng; định hướng nhận thức, hành động sát với tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đối tượng người học; có nội dung hướng dẫn thảo luận nhằm củng cố nâng cao nhận thức. Nhiều thí sinh có bài giảng đạt điểm cao như: Trung tá La Nguyễn Thế Anh (Quân đoàn 4), Thiếu tá Vũ Văn Khương (Quân chủng Hải quân), Thượng tá Phan Kim Toàn (Học viện Hậu cần), đồng chí Trần Thị Huyền Nga (Quân khu 3).
Phần thi kiến thức được thực hiện bằng hình thức thi trắc nghiệm trên phần mềm cài đặt sẵn trong máy tính. Đây là phần thi có ý nghĩa thiết thực, sát với yêu cầu của thực tiễn công tác GDCT hiện nay, nhất là qua 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Mã đề thi kiến thức có sự sàng lọc khá công phu, có nhiều câu hỏi để phân loại trình độ của thí sinh; phản ánh được khách quan kết quả thi thực hành; tuy nhiên hầu hết thí sinh nắm chắc nội dung, lựa chọn được phương án đúng, nhiều đồng chí có kết quả thi nhận thức cao như: Thượng tá Nguyễn Thiện Đức (Tổng cục II), Thượng úy Nguyễn Anh Quý (Trường Sĩ quan Chính trị), Thượng tá Phan Kim Toàn (Học viện Hậu cần), Thiếu tá Lê Đức Linh (Quân đoàn 1); đồng chí Trần Thị Huệ (Quân khu 4).
Phần thi thực hành, để tránh “áp lực” thí sinh thi theo chỉ định của ban giám khảo, Ban tổ chức thống nhất cho thí sinh tự chọn nội dung tâm đắc nhất để thi ở cả hai vòng, qua đó giúp thí sinh tự tin, tỏa sáng. Hầu hết thí sinh có tác phong điều lệnh chính quy, thống nhất, kỹ năng sư phạm chuẩn mực; chủ động thời gian, nắm chắc nội dung, yêu cầu của bài học, thực hiện đúng quy trình lên lớp; biết vận dụng và kết hợp nhiều phương pháp giáo dục như: Quy nạp, thuyết trình, diễn giải, gợi mở, nêu vấn đề...; tập trung phân tích làm rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm, giải quyết vấn đề khoa học, sâu sắc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ghi chép. Các thí sinh đã làm chủ được phương tiện, lấy ví dụ, dùng hình ảnh, video clip minh họa, liên hệ, vận dụng sát với tình hình thực tiễn Quân đội và đơn vị, làm cho bài giảng phong phú, thu hút, hấp dẫn, người học dễ tiếp thu. Nhiều đồng chí mạnh dạn trong phê phán quan điểm, biểu hiện sai trái, gắn với định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động cho người học. Phần trả lời câu hỏi phụ của ban giám khảo để làm rõ nội dung bài giảng, đa số thí sinh nắm chắc, trả lời tự tin, chính xác.
Công tác chuẩn bị, bảo đảm phục vụ Hội thi mặc dù điều kiện còn khó khăn song Học viện Hậu cần, đơn vị đăng cai địa điểm Hội thi, đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức, chuẩn bị đầy đủ nơi ăn, nghỉ, hội trường, giảng đường, phương tiện phục vụ Hội thi, đưa, đón đại biểu; hiệp đồng với các lực lượng chức năng thuộc Quân khu 2 tổ chức cho đại biểu, thí sinh tham quan, học tập tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng chặt chẽ, an toàn tuyệt đối; các lực lượng bảo đảm phục vụ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình, chu đáo, không quản ngại khó khăn, vất vả, bảo đảm các điều kiện phục vụ tốt nhất, góp phần vào thành công của Hội thi.
Căn cứ thành tích của tập thể và cá nhân trong Hội thi, Ban tổ chức đề nghị thủ trưởng Tổng cục Chính trị tặng cờ 3 tập thể đoạt giải nhất, gồm: Đoàn cán bộ Quân đoàn 2, Quân đoàn 1 đoạt giải nhất khối Quân đội; đoàn cán bộ Quân khu 4 đoạt giải nhất khối DQTV và 4 tập thể đoạt giải nhì, 7 tập thể đoạt giải ba. Cấp chứng nhận “Cán bộ GDCT giỏi cấp toàn quân” cho 123/123 thí sinh tham gia Hội thi đạt loại giỏi. Tặng giấy khen 49 thí sinh đoạt giải khuyến khích; Tặng bằng khen 34 thí sinh đoạt giải ba, 17 thí sinh đoạt giải nhì. Đặc biệt Hội thi đã tôn vinh 5 thí sinh đoạt giải nhất, gồm Thượng tá Lê Sĩ Toản, Chính ủy Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân; Thiếu tá Lê Đức Linh, Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1; Thiếu tá Vũ Văn Khương, Chính trị viên Tiểu đoàn 563, Vùng 5, Quân chủng Hải quân; đồng chí Trần Thị Huyền Nga, Chính trị viên phó Ban CHQS Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định; đồng chí Trần Thị Huệ, Chính trị viên Ban CHQS xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, thủ trưởng Tổng cục Chính trị tặng bằng khen 6 tập thể, 17 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm phục vụ, góp phần vào thành công của Hội thi.
Hội thi cán bộ GDCT trong Quân đội và DQTV cấp toàn quân năm 2023 đã thành công tốt đẹp, rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong tổ chức, điều hành, gắn kết phản biện và đánh giá kết quả Hội thi; để lại nhiều dấu ấn nổi bật, nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó có cả sự nuối tiếc, niềm hân hoan, những giọt nước mắt và nụ cười hạnh phúc; song tựu trung lại là sự đoàn kết, tinh thần giao lưu, học hỏi lẫn nhau, sự hài lòng của các đoàn và thí sinh về sự khách quan, công tâm, chính xác, kịp thời của Hội thi. Đây là cơ sở quan trọng nhất để các đơn vị trong toàn quân và lực lượng DQTV tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở và các xã, phường trong cả nước.
Thiếu tướng ĐỖ THANH PHONG, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam,Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức hội thi
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.