 |
Thiếu tướng Võ Trọng Hệ |
QĐND - “Tôi đã không cầm được nước mắt khi gặp lại các tướng lĩnh, cựu chiến binh (CCB) Quân đoàn 4 qua các thời kỳ. Nhiều cụ phải ngồi xe lăn nhưng vẫn đau đáu với nhiệm vụ của thế hệ hôm nay, luôn dõi theo từng bước đi của Quân đoàn. Điều đó khiến chúng tôi cảm động, tự nhủ phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với máu xương của thế hệ cha anh…”. Thiếu tướng Võ Trọng Hệ, Tư lệnh Quân đoàn 4 tâm sự với chúng tôi như vậy.
Phóng viên (PV): Thưa Tư lệnh, đồng chí vừa nói đến tình cảm và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đối với Quân đoàn. Đồng chí có thể cho biết truyền thống nổi bật của Quân đoàn 4?
Thiếu tướng Võ Trọng Hệ: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, chúng tôi đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống; làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa; tổ chức họp mặt ở hai địa điểm, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, CCB của Quân đoàn trên mọi miền đất nước, tiếp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay.
Quân đoàn 4 được mệnh danh là “Quả đấm thép” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Danh hiệu này do nhân dân yêu quý tặng cho Quân đoàn 4 sau khi đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc của chính quyền Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975. Đây là tuyến phòng thủ cửa ngõ Sài Gòn, được quân đội Mỹ và Sài Gòn tự hào gọi là “Cánh cửa thép”. Với sự tiến công thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng, các lực lượng của Quân đoàn 4 đã kết thành “Quả đấm thép” phá tan “Cánh cửa thép”.
Như vậy là chưa đầy 1 năm sau ngày thành lập, Quân đoàn 4 đã lập chiến công vang dội. Truyền thống ấy là một giá trị truyền đời, là bệ đỡ sức mạnh của Quân đoàn hôm nay và mai sau. Để khắc ghi chiến công, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định xây dựng thêm một công trình phù điêu nghệ thuật tại khu vực Quân đoàn bộ, nhằm tái hiện những mốc son chói lọi của Quân đoàn suốt 40 năm qua.
PV: Chúng tôi đã được nghe nhiều tướng lĩnh nói về khả năng cơ động, tiến công thần tốc của Quân đoàn 4 trong tác chiến trước đây. Còn hiện nay ra sao, thưa Tư lệnh?
Thiếu tướng Võ Trọng Hệ: Khả năng cơ động, tiến công thần tốc, chiến đấu dũng cảm là những đặc điểm nổi bật của các đơn vị Quân đoàn 4 trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; làm nên 12 chữ vàng truyền thống “Trung thành đoàn kết, anh dũng sáng tạo, tự lực quyết thắng”. Trong nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ hiện nay, Quân đoàn đặc biệt coi trọng rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng chiến đấu, tăng sức bền cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu làm chủ địa bàn, cơ động nhanh chóng, linh hoạt trong mọi tình huống, trên mọi địa hình, trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới, đòi hỏi Quân đoàn phải đạt được tính đồng bộ, toàn diện trong các tiêu chí, nội dung huấn luyện. Chúng tôi đã nghiên cứu, vận dụng, kế thừa những tinh hoa nghệ thuật quân sự của Quân đoàn 4 trong chiến tranh, đúc kết thành giáo trình, bài giảng, đưa vào huấn luyện. Những đổi mới trong nội dung, phương pháp huấn luyện, giáo dục, quản lý bộ đội của Quân đoàn 4 được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị ủng hộ và đánh giá cao.
PV: Tư lệnh có thể nói cụ thể hơn về những đổi mới ấy?
Thiếu tướng Võ Trọng Hệ: Như các đồng chí đã biết, Quân đoàn 4 là quân đoàn chủ lực, làm nhiệm vụ cơ động SSCĐ và phối hợp hiệp đồng tác chiến trên địa bàn Nam Bộ. Đặc thù của địa bàn Nam Bộ là địa hình tổng hợp, vừa có rừng núi cao nguyên, nhiều đèo dốc, vừa là địa hình sông nước miệt vườn, sông, kênh, rạch chằng chịt; lại là vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, nhiều đô thị lớn và các khu công nghiệp, khu chế xuất, mật độ dân cư đông. Điều này đòi hỏi Quân đoàn phải chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị bạn và sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân trong các nhiệm vụ. Vì thế, cùng với huấn luyện cơ bản, thống nhất theo nội dung của Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi chú trọng huấn luyện chuyên sâu, chuyên ngành, phối hợp hiệp đồng quân-binh chủng nhịp nhàng, hiệu quả. Những năm gần đây, Quân đoàn tăng cường thời gian và cường độ huấn luyện đêm, hành quân dã ngoại, mang vác nặng trên mọi địa hình, huấn luyện sát thực tế chiến đấu, tăng cường diễn tập hiệp đồng chiến đấu nhằm rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, kỹ thuật, chiến thuật, tăng sức bền cho bộ đội. Đặc biệt những năm gần đây, chúng tôi đặt ra yêu cầu rất cao trong huấn luyện ở địa hình sông nước. Các đợt diễn tập tổng hợp, diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân -binh chủng đều có nội dung vượt sông cho cả bộ binh và hỏa lực, phương tiện cơ giới quân sự. Trước đây, các đơn vị chỉ thực hành vượt sông ở những khúc sông nhỏ, hẹp; bây giờ chúng tôi tổ chức vượt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, là những con sông lớn nhất Nam Bộ, nước rất sâu và chảy mạnh. Tất cả đội hình diễn tập đều phải vượt sông, thay vì hỏa lực cơ động đường bộ như trước đây.
Trong huấn luyện, diễn tập, Quân đoàn luôn chú trọng và đặt yêu cầu cao việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người và vũ khí trang bị, nhất là khi vượt sông trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Năm 2012, khi chúng tôi báo cáo kế hoạch đưa đội hình diễn tập vượt sông Sài Gòn, xin ý kiến chỉ đạo của trên, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu cũng đặc biệt lưu ý, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới thực hiện. Chúng tôi đã chọn Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) làm điểm. Nhờ huấn luyện chu đáo, đơn vị đã vượt sông thành công. Từ đó, Quân đoàn tổ chức luân phiên hàng năm cho các đơn vị. Đáng chú ý là, Quân đoàn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương đùm bọc, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất; có những hộ dân còn tình nguyện hiến tặng cả héc-ta đất để xây dựng công trình huấn luyện, giáo dục truyền thống. Điều đó góp phần giúp Quân đoàn chủ động, tích cực triển khai các hình thức, biện pháp nâng cao chất
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)