Cán bộ ham nghiên cứu, chiến sĩ say đọc sách

Vừa cùng bộ đội trở về từ thao trường, chưa vội thay bộ quân phục dã ngoại, Trung úy Phạm Văn Pháp, Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 434 (Quân đoàn 4) tranh thủ đọc nốt những trang cuối cuốn “100 tình huống tư tưởng có thể nảy sinh ở đơn vị và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở”. Mặc dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng anh vẫn muốn nghiên cứu kỹ từng tình huống tư tưởng ghi trong cuốn sách, làm cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ huy bộ đội.

Chiến sĩ trẻ Lữ đoàn Pháo binh 434 (Quân đoàn 4) trao đổi thông tin bổ ích từ sách. 

Trung úy Phạm Văn Pháp có niềm đam mê đọc sách đến cháy bỏng và có phương pháp đọc sách khoa học. Anh thường đọc vào buổi tối, sau giờ sinh hoạt đơn vị. Quá trình đọc, nội dung nào tâm đắc, một mạch anh đọc đi đọc lại để lưu vào bộ nhớ, một mặt anh ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay. Không ít lần cán bộ, chiến sĩ đơn vị chứng kiến Trung úy Phạm Văn Pháp ngồi như bất động trước một sách hay, có lúc đến quên ăn. Anh tâm sự: “Đọc sách cần sự tập trung cao độ, thái độ nghiêm túc, bởi nếu ta đọc qua loa, hời hợt, các thông tin trong sách sẽ chẳng đọng lại gì”.

Không biết từ bao giờ, tinh thần ham đọc, say mê nghiên cứu của Trung úy Phạm Văn Pháp lan tỏa một cách tự nhiên đến mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mỗi khi rảnh rỗi, mọi người thường chủ động lên phòng Hồ Chí Minh đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Đặc biệt, ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu bất kỳ cuốn sách, tờ báo nào đó, đều được đồng chí Chính trị viên đại đội chỉ dẫn chính xác từng vị trí trưng bày, chẳng khác nào một thủ thư chuyên nghiệp.

Tham quan hệ thống doanh trại của các chiến sĩ "chân đồng vai sắt", phòng ở của họ không chỉ tạo ấn tượng với chúng tôi bởi những hàng chăn, hàng chiếu vuông vắn, sạch sẽ, chính quy, thống nhất, mà còn bởi hình ảnh những cuốn sách được sắp đặt gọn gàng trên các giá ba lô. Đó là tổng hợp các mẩu chuyện viết về Bác, sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký của các tướng lĩnh; văn hóa ứng xử trong giao tiếp, từ điển tiếng Anh...

Chiến sĩ trẻ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) chia sẻ kinh nghiệm đọc sách. 

Thấy có khách ghé thăm đơn vị, Binh nhất Dương Hạo Duy, chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 1, Tiểu đoàn 1 tạm dừng truyền đạt kiến thức tiếng Anh cho các đồng đội, lễ phép đứng dậy chào hỏi. Trước khi nhập ngũ, Duy tốt nghiệp loại giỏi Đại học FPT Arena Multimedia (khóa học 2016-2020) và đã đi dạy tại Trung tâm Anh ngữ RES TP Hồ Chí Minh.

Là một trong hơn 30 chiến sĩ của đơn vị có trình độ cao đẳng, đại học, cậu luôn chủ động chia sẻ kinh nghiệm học tập, phổ biến kiến thức cho đồng chí đồng đội. Vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, chàng cử nhân tiếng Anh thường rủ các chiến sĩ lên phòng Hồ Chí Minh đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Duy bày tỏ mong muốn, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ trong hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, bản thân phải làm được điều gì đó giúp đồng đội, cho đơn vị, ít nhất là tinh thần ham đọc sách, ham nghiên cứu tìm hiểu để mở mang kiến thức. 

Trung sĩ Lâm Trường Phúc, người đồng đội thân thiết của Dương Hạo Duy cũng được anh em trong đơn vị cảm phục, quý trọng bởi sự thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với đồng đội nhiều kiến thức bổ ích từ việc đọc sách của mình. Cầm trên nay cuốn sách “Văn hóa ứng xử của người Việt xưa và nay”, do tác giả Phạm Minh Thảo biên soạn, Nhà xuất bản Hồng Đức, Lâm Trường Phúc vui vẻ, khoe: “Cuốn sách này tổng hợp không ít kinh nghiệm quý báu về đối nhân xử thế của cha ông ta. Đọc cuốn sách, tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân trong giải quyết mối quan hệ với đồng chí, đồng đội”.

Bảo đảm sách đến tận tay chiến sĩ

Đến với một số đơn vị trực thuộc Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, tôi càng thấm thía câu nói “cán bộ nào phong trào ấy”. Bởi phần lớn số cán bộ, QNCN, sĩ quan trẻ của đơn vị mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc đều có chung niềm đam mê sách, báo, ai cũng coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong quá trình học tập, công tác.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) đọc sách trong ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Là một trong những cán bộ có tinh thần ham đọc, say mê nghiên cứu, Đại úy Trần Hoàng Nhân, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 được anh em trìu mến, gọi vui là “Anh Nhân mọt sách”. Không chỉ đọc nhiều sách báo liên quan đến công tác quân sự, anh còn đam mê sưu tầm, nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là cuốn hồi ký có giá trị của các chính khách, tướng lĩnh nổi tiếng. Anh cho rằng, nội dung trong các cuốn hồi ký không chỉ là những câu chuyện đời thường, kể lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của nhân vật, mà còn là sự đúc kết, tích lũy kinh nghiệm sống, chiến đấu của bao lớp cha anh. Nội dung nào thấy tâm đắc, có thể giúp ích cho bản thân, Đại úy Trần Hoàng Nhân thường ghi chép cẩn thận, vừa để học tập, trau dồi kiến thức, vừa sẵn sàng chia sẻ với anh em chiến sĩ.

Được biết, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh các đơn vị trong Sư đoàn 9 luôn mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, mỗi ngày bình quân, các phòng đọc phục vụ hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ đến đọc và mượn sách, báo. Phong trào đọc sách, báo ở các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 9 còn được duy trì thành nền nếp vào thời gian nghỉ trên thao trường, bãi tập.

Sau mỗi giờ huấn luyện căng thẳng, hộp báo thao trường luôn trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của chiến sĩ. Binh nhì Vũ Thanh Huy, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, bộc bạch: “Bên cạnh việc được tiếp nhận thông tin qua thực hiện chế độ ngày, tuần, vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, hay những phút nghỉ ngơi trên thao trường, chúng tôi có thêm nhiều thông tin bổ ích thông qua sách báo, giúp xua tan phần nào những căng thẳng, mệt nhọc sau mỗi giờ huấn luyện”.

Định hướng thông tin cho chiến sĩ trẻ. 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Võ Phước Vỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 9 chia sẻ, những năm qua, các đơn vị trong sư đoàn luôn được bảo đảm đủ các đầu sách, báo theo đúng quy định, hướng dẫn của trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin thời sự, nhu cầu học tập, nghiên cứu cũng như giải trí của bộ đội.

Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cần tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, chiến sĩ được đọc sách vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, vừa tạo sự gắn kết đồng chí đồng đội, vừa giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, thiết thực xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị. Đơn vị cũng chủ động phối hợp với hệ thống thư viện trên địa bàn đóng quân, thường xuyên tiến hành trao đổi các đầu sách còn thiếu, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đọc sách của bộ đội. Đặc biệt, để khích lệ tinh thần ham đọc của chiến sĩ, đội ngũ cán bộ các cấp trong sư đoàn thường chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời nêu gương trong việc đọc sách, qua đó kịp thời định hướng, chia sẻ những thông tin bổ ích cho chiến sĩ.

Có thể thấy, trong thời gian tại ngũ, sách, báo chính là kho tàng tri thức, là người bạn đồng hành thân thiết của cán bộ, chiến sĩ. Các thông tin quý báu từ sách góp phần không nhỏ nâng cao bản lĩnh chính trị, tri thức, văn hóa cho bộ đội. Nếu cấp ủy, chỉ huy các cấp thực sự quan tâm, vào cuộc một cách thiết thực nhằm không ngừng nâng cao văn hóa đọc cho bộ đội, chắc chắn trong các ba lô của người chiến sĩ, bên cạnh cây súng và cây bút, những cuốn sách hay sẽ trở thành hành trang đầy ý nghĩa trong cuộc đời quân ngũ...

Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG