Cụ thể hóa bằng nhiều mô hình thiết thực

“Từ ngày có dự án điện năng lượng của BĐBP Làng Mô, cuộc sống của dân bản mình có nhiều đổi thay”, ông Hồ Hơn, Trưởng bản Nước Đắng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) phấn khởi cho biết.

Quả thực, trước khi công trình “Ánh sáng vùng biên” kéo nguồn điện năng lượng về đây, người dân bản Nước Đắng sống trong cảnh không điện lưới quốc gia, đường giao thông đi lại khó khăn... Để thay đổi cuộc sống của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã vận động nguồn kinh phí xây dựng các công trình “Ánh sáng vùng biên” trên địa bàn. Trong đó, đơn vị đã xây dựng tặng bà con công trình điện chiếu sáng đường giao thông dài hơn 2km với nguồn kinh phí hơn 100 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công xây dựng.

Đề cập về hiệu quả công trình “Ánh sáng vùng biên”, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sau 3 năm triển khai, đến nay, nhiều đơn vị của BĐBP tỉnh Quảng Bình đã huy động nguồn lực xây dựng 78 công trình/75km đường điện “Ánh sáng vùng biên” tặng nhân dân các xã trên địa bàn biên giới. Công trình điện chiếu sáng không chỉ cải thiện đời sống dân sinh mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự tại KVBG”.

Cũng với nỗ lực giúp dân hiệu quả, BĐBP mỗi tỉnh, thành phố lại có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa bàn trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở KVBG. Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy BĐBP: Thực hiện Chỉ thị 572, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt, toàn diện với trọng tâm hướng về đồng bào các dân tộc ở KVBG. Quá trình thực hiện, các đơn vị đã có nhiều mô hình, phần việc mang tính nhân văn sâu sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Tiêu biểu như Công trình thủy lợi ruộng lúa nước và mô hình “Ánh sáng vùng biên” của BĐBP tỉnh Quảng Bình; mô hình điểm sáng văn hóa vùng biên, trồng ngô lai VN10, đậu tương của BĐBP tỉnh Sơn La; mô hình quy trình VACR trồng ngô hai vụ, xen canh rau đậu, đào ao thả cá, chăn nuôi dê, bò của BĐBP tỉnh Thanh Hóa...

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An giúp người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khắc phục hậu quả sau lũ quét ngày 2-10. Ảnh: VIẾT LAM 

Cùng với các mô hình, phần việc của từng đơn vị, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP triển khai trong toàn lực lượng nhiều chương trình có ý nghĩa như: “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Những chương trình, mô hình, phần việc trên góp phần làm thay đổi diện mạo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), củng cố tình đoàn kết quân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở KVBG.

Góp phần củng cố hệ thống chính trị

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 572 của Đảng ủy BĐBP tổ chức mới đây, lãnh đạo BĐBP và các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Để chăm lo tốt cho đồng bào DTTS, nhiệm vụ quan trọng trước hết là phải giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Theo đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tăng cường bám nắm cơ sở, nhất là vùng tập trung đông đồng bào DTTS và KVBG; kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, những khó khăn, vướng mắc của đồng bào để tham mưu, giải quyết hiệu quả các tình huống nảy sinh.

Một trong những giải pháp đang được hầu hết các đơn vị áp dụng là chú trọng xây dựng quy chế phối hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương; chi bộ, đảng bộ các đồn biên phòng với đảng ủy các xã vùng biên... Bằng cách làm này, sự gắn kết giữa BĐBP với chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân thêm chặt chẽ. Với sự giúp sức của BĐBP, hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới từng bước được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao.

Khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ, đảng viên cho các xã biên giới, góp phần nâng cao chất lượng chính trị ở cơ sở, Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP nhấn mạnh: “Con số 311 đồng chí, trong đó 253 đồng chí là cán bộ, đảng viên biên phòng giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền; phân công 2.388 đảng viên sinh hoạt tại 1.806 chi bộ bản biên giới và 9.402 đảng viên đồn biên phòng phụ trách 40.893 hộ gia đình ở KVBG, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình là những minh chứng rõ nét nhất”.

Tập trung các nguồn lực giúp dân với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, từ năm 2012 đến nay, các đơn vị BĐBP đã tham mưu, phối hợp củng cố 9.512 lượt tổ chức cơ sở đảng; xóa 365 thôn, bản “trắng đảng viên và tổ chức đảng”; phát triển được 18.948 đảng viên mới, trong đó có 5.796 đảng viên là người DTTS; đề nghị bổ sung, củng cố, kiện toàn 10.598 lượt tổ chức chính trị-xã hội khác ở 1.083 xã, phường, thị trấn biên giới.

Cần những giải pháp căn cơ, bền vững

Đánh giá về kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện công tác dân tộc KVBG những năm qua, Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, khẳng định: “BĐBP đã phát huy tốt vai trò trong xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, địa bàn an toàn; giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng, củng cố các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội... Những kết quả đạt được góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân ngày càng bền chặt; tạo nền tảng xây dựng “thế vững vùng biên”. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, để những kết quả đó mang tính bền vững, ổn định, cần phải có chiến lược lâu dài. Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, dẫn chứng: “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng” là chương trình mang tính nhân văn rất lớn, được xã hội đánh giá cao. Thế nhưng, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền vẫn chưa thật sự quan tâm, thậm chí mặc định xem đó là việc của BĐBP... Thế nên, chương trình sẽ ý nghĩa và hiệu quả hơn nếu nhận được thêm sự vào cuộc của các cấp, các ngành, giúp nhiều em nhỏ người DTTS hoàn cảnh khó khăn có cơ hội thay đổi cuộc sống. Nhìn xa hơn nữa, các em sẽ là một trong những nguồn nhân lực quan trọng trong tương lai góp sức xây dựng KVBG ngày càng vững bền”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Đại (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp dân dọn dẹp cây đổ sau bão Naru. Ảnh: VĂN VINH 

Đồng tình với Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, một trong những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững trong thực hiện công tác dân tộc ở địa bàn biên giới là các cơ quan chức năng cần có chiến lược quan tâm, chăm lo xây dựng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại các địa phương thuộc KVBG. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên BĐBP tăng cường về xã biên giới; tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản biên giới. BĐBP các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cấp ủy BĐBP với cấp ủy đảng địa phương; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong quán triệt và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Cũng tại hội nghị này, nhiều băn khoăn, vướng mắc được thẳng thắn chỉ rõ; nhất là vấn đề đời sống của BĐBP vùng biên giới còn quá nhiều khó khăn; việc đầu tư thiếu đồng bộ về nguồn lực cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa; việc chồng chéo trong cơ chế, chính sách ở cơ sở... Tất cả những vấn đề này cần được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết thấu đáo trong thời gian tới.

KIM ANH