Hội thi là dịp để quân chủng cùng các đơn vị nâng cao chất lượng công tác hậu cần và lựa chọn nguồn cán bộ hậu cần thời gian tới.
Phát huy thế mạnh, tạo sức bật từ hội thi
So với hội thi trước, hội thi lần này mang tính toàn diện hơn. Ở hội thi 4 chuyên ngành hậu cần, ngoài phần thi sổ sách, mẫu biểu, kế hoạch, hướng dẫn công tác hậu cần thì mỗi chuyên ngành đều có những tiêu chí cụ thể và nội dung thực hành. Tham gia hội thi 4 chuyên ngành hậu cần có 40 đơn vị. Đến với hội thi, mỗi đơn vị đều có những đặc thù, khó khăn, thuận lợi riêng. Có đơn vị được đầu tư xây dựng cơ bản, có đơn vị đang trong quá trình xây dựng. Một số đơn vị không có diện tích đất để tăng gia sản xuất hoặc có diện tích rộng nhưng lại hạn chế về nhân lực, nguồn vốn sử dụng cho hoạt động tăng gia... Tuy nhiên, với phẩm chất của những người lính hậu cần, các đơn vị đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt các nội dung thi.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 945, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân thực hiện nội dung cứu người rơi xuống nước.
|
Thượng tá Nguyễn Trung Quảng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 Hải quân, cho biết: "Cơ quan hậu cần đã tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, xác định nội dung thi trong kế hoạch công tác năm, phát huy tốt vai trò tham mưu và là trung tâm hiệp đồng trong tổ chức, chỉ huy, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị dự thi; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ hăng hái, quyết tâm đạt thành tích cao nhất trong hội thi".
Theo đánh giá của ban giám khảo, các đơn vị có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ở Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân), cán bộ, chiến sĩ đã phát huy lợi thế trồng thanh long, vườn rau kết hợp nuôi lợn rừng cho thu nhập cao. Chỉ tính 8 tháng năm 2022, kết quả tăng gia sản xuất vượt xa so với chỉ tiêu mà đơn vị xác định. Còn Lữ đoàn 189 (Quân chủng Hải quân) là đơn vị tiêu biểu về xây dựng, quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp. Điều kiện sinh hoạt, làm việc của bộ đội được cải thiện rõ rệt. Chỉ huy các cấp đã khơi dậy được lòng yêu mến, gắn bó với đơn vị, tinh thần trách nhiệm, tự giác của bộ đội với thành tích huy động hơn 15 nghìn ngày công và gần 1 tỷ đồng củng cố, xây dựng doanh trại, trồng và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. Các đơn vị khác thì thực hiện tốt công tác bảo đảm quân y sẵn sàng chiến đấu, phương án bảo đảm cho tàu xuất phát nhanh; huấn luyện thực hành 5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương, cứu vớt trên biển; quản lý, chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho bộ đội tại đơn vị...
Tại cuộc thi này, các đơn vị đã huy động hàng chục nghìn ngày công bộ đội và nhiều tỷ đồng từ các nguồn kinh phí để củng cố, tu sửa doanh trại, nhà ăn, nhà bếp, khu tăng gia sản xuất...
Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hậu cần
Tại hội thi chủ nhiệm hậu cần trung, lữ đoàn giỏi, 40 thí sinh đã hội tụ về Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân để đua tài. Ngoài nội dung thi về sổ sách, văn kiện hậu cần, các thí sinh tranh tài ở các nội dung: Soạn giáo án và thực hành giảng bài về công tác hậu cần; xây dựng kế hoạch hậu cần chiến đấu, điều chỉnh, báo cáo kế hoạch và xử trí tình huống hậu cần trong chiến đấu.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Chiến, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 162 cho biết: "Hội thi là cơ hội để chúng tôi giao lưu, học tập nâng cao trình độ, tiếp thu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm công tác. Vì thế tôi luôn cầu thị, ghi nhớ những nội dung nhận xét, góp ý của giám khảo cũng như các thí sinh khác để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ sau hội thi...".
Trong phần thi thực hành soạn giáo án và giảng bài, hầu hết thí sinh nắm chắc lý luận hậu cần, nhất là những nguyên tắc cơ bản và phân tích làm rõ được nội dung trọng tâm, trọng điểm; biết liên hệ với chức trách của chủ nhiệm hậu cần và thực tế đơn vị. Giáo án của các thí sinh soạn đúng theo mẫu biểu, bố cục hợp lý; phù hợp với đối tượng huấn luyện. Đặc biệt, 100% thí sinh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng bài, cuốn hút được người học.
 |
Các thí sinh thi xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần trong chiến đấu trên bản đồ. |
Ấn tượng nhất hội thi chính là nội dung xây dựng và báo cáo kế hoạch hậu cần chiến đấu. Theo Đại tá Nguyễn Duy Thiều, Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân, Trưởng ban giám khảo, ở phần thi này, các thí sinh đã nghiên cứu kỹ đầu bài, phương án quân sự, chỉ lệnh hậu cần của trên; xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần đúng bố cục, nội dung; biện pháp tương đối phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị; tác nghiệp trên bản đồ sạch, đẹp, đúng ký hiệu quân sự, quy định công tác tham mưu tác chiến. Bản thuyết minh khá chi tiết, tổ chức sử dụng lực lượng cơ bản hợp lý, biện pháp bảo đảm phù hợp.
Nổi bật ở phần thi này là Trung tá Khổng Minh Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân. Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm: "Để thực hiện tốt nội dung này, theo tôi có 3 yếu tố quan trọng nhất, đó là phải hiểu được ý định và quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy; nắm chắc chỉ lệnh của hậu cần vùng, nhất là về công tác tổ chức lực lượng hậu cần; nắm chắc thực lực, khả năng hậu cần của lữ đoàn cũng như lực lượng và năng lực hậu cần của các đơn vị trên địa bàn chiến đấu".
Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định, ý nghĩa lớn nhất mà hội thi mang lại là tạo động lực để làm thay đổi diện mạo các đơn vị; thay đổi tư duy, nhận thức của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên về công tác hậu cần. Từ kết quả, thành công của hội thi, Quân chủng Hải quân sẽ chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng các mặt công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài và ảnh: THANH THỦY