Cách đây 46 năm, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 27-9-1976, Bộ tư lệnh Binh chủng TTLL quyết định thành lập Viện Kỹ thuật Thông tin, nay là Trung tâm KTTTCNC. Những ngày đầu mới thành lập, nguồn nhân lực mỏng, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, song đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị thông tin phía Nam nhanh chóng tiếp quản hệ thống thông tin thu được của địch; nghiên cứu, tận dụng, khai thác nhiều loại trang bị khí tài trong hệ thống viễn thông liên kết ở miền Nam; tổ chức kết nối với hệ thống TTLL ở miền Bắc, tạo thành đường trục TTLL quân sự chiến lược Bắc-Nam.

leftcenterrightdel
Công tác bảo đảm kỹ thuật tại Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao luôn được các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ảnh: BÍCH TRANG 

Theo đó, Viện Kỹ thuật Thông tin đã phối hợp với các đơn vị liên quan thiết kế, lắp đặt thiết bị thông tin, trong đó có tổng đài tự động XY 3.000 số tại Sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu liên lạc với các hướng trên mạng hữu tuyến điện chiến lược Bắc-Nam; nghiên cứu, thiết kế, lựa chọn công nghệ, chế thử. Tháng 6-1977, thành công của công trình nghiên cứu, sản xuất chiếc máy phát 50W mang tên P50, và sau đó là nghiên cứu, lắp ráp thử nghiệm một bộ xe tổng trạm với các thiết bị vô tuyến điện tiếp sức, hữu tuyến điện, điện báo truyền chữ, thiết bị điều khiển xa... đã tạo tiền đề và là cơ sở vững chắc để viện hoàn thành các nhiệm vụ với nhiều trang bị khí tài công nghệ cao, phương thức liên lạc tiên tiến những năm sau này. 

Thực hiện chức năng là đơn vị bảo đảm kỹ thuật thông tin cấp chiến lược, trung tâm đã chủ động đi thẳng, đi nhanh vào công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, triển khai toàn diện ở cả 3 lĩnh vực: Khai thác làm chủ trang bị, bảo đảm kỹ thuật và nghiên cứu chế tạo. Nhiều trang thiết bị thông tin công nghệ cao được trung tâm nghiên cứu, chế thử, sản xuất và đưa vào ứng dụng trong hệ thống TTLL quân sự được thực tiễn kiểm nghiệm là những minh chứng sống động cho ý chí tự lực tự cường, tinh thần cách mạng tiến công của một tập thể đoàn kết, khát khao cống hiến.

Từ năm 2011 đến 2021, trung tâm đã nghiên cứu thành công 23 đề tài khoa học kỹ thuật (trong đó có 15 đề tài cấp Bộ Quốc phòng); 9 nhiệm vụ, công trình nghiên cứu cấp cơ sở. Đặc biệt, các sản phẩm: Bộ sinh chuỗi điều khiển nhảy tần (PRG) ứng dụng cho máy vô tuyến điện sóng ngắn nhảy tần quân sự, Thiết bị ghép kênh quang 16 luồng E1 dựa trên công nghệ khả trình (FPGA), Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị giám sát giải tần sóng ngắn trong tổ chức TTLL vô tuyến điện sử dụng trong các đơn vị thông tin toàn quân, các đơn vị trinh sát kỹ thuật của quân đội và công an.

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hàng trăm bộ thiết bị tiếp hợp thu truyền hình vệ tinh HD trên tàu Hải quân, Cảnh sát biển có lắp thiết bị VSAT; các loại bảng mạch, cụm linh kiện, khối máy vô tuyến điện, VSAT, trunking, truyền hình-truyền số liệu... góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm kỹ thuật cho các trang bị và cả hệ thống, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTLL thường xuyên và cơ động sẵn sàng chiến đấu, công tác quản lý, điều hành hệ thống TTLL và tự động hóa chỉ huy.

Những năm gần đây, trung tâm còn chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, liên kết, hợp tác với các cơ sở khoa học trong nước, cơ sở kinh tế-khoa học viễn thông nước ngoài để nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phương tiện phục vụ nghiên cứu, chế thử và sửa chữa trang bị thông tin công nghệ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng ủy, Ban giám đốc trung tâm xác định, con người là nhân tố cốt lõi để giải quyết những bài toán khó trong mọi công tác.

Do đó, Đảng ủy, Ban giám đốc trung tâm đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cùng với khuyến khích cá nhân tự học, trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn để cán bộ, nhân viên kỹ thuật được tiếp cận với công nghệ nền tảng, công nghệ mới. Một điều rất tự hào là hiện nay trung tâm đang “sở hữu” nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ, đơn vị có hơn 70% quân số là kỹ sư cùng nhiều cán bộ là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông quân sự.

Trải qua chặng đường 46 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Trung tâm KTTTCNC đã và đang không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng hành với sự phát triển của hệ thống TTLL quân sự nói riêng, sự phát triển của đất nước, quân đội nói chung. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn đơn vị luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tích cực, chủ động, sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một cơ sở bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược, cho ra đời nhiều sản phẩm nghiên cứu công nghệ cao được đưa vào sử dụng trong hệ thống TTLL quân sự; góp phần cùng toàn binh chủng và lực lượng thông tin toàn quân bảo đảm TTLL thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống.

Đại tá TRẦN VĂN DŨNG, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao